Hậu À Ra Thế kỳ 107

B liền cãi lại: “Đánh bác sĩ không phải chống người thi hành công vụ!” Đề hỏi: “Ai đúng? Ai sai? Tại sao”? Đáp án của BTC cho rằng: B đúng, A sai. Vì bác sĩ là viên chức đang phục vụ dịch vụ công; chứ không phải công chức đang làm nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hay thi hành án…

Bạn thân mến,

Kỳ này tới phiên các ý kiến ủng hộ đáp án, tiếp theo lời phản biện của các bạn xa gần. Chủ nhật tuần tới BTC sẽ có lời gút sau cùng.

Đáp án hoàn toàn chính xác

Đáp án của BTC đã viện dẫn tách bạch, rạch ròi thế nào là công chức, thế nào là viên chức, thế nào là dịch vụ công, thế nào là công vụ. BTC đã đưa các luật như Luật Cán bộ công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 và Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009. Theo tôi, đáp án của BTC là hoàn toàn chính xác.

ĐOÀN QUỐC VĂN (679-A3/8 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM)

Bàn thêm cho rõ

Công vụ phải là công việc mang tính nhà nước (được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước), vì lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, lợi ích chính đáng của công dân và chủ yếu do cán bộ, công chức thực hiện. Do đó, ý kiến của các bạn Trần Tuấn Duy (TP.HCM), Nguyễn Quốc Sử (Quảng Nam) cho rằng nếu bác sĩ đang khám bệnh là giám đốc bệnh viện thì người đánh bác sĩ phạm tội chống người thi hành công vụ là không có cơ sở. Vì hoạt động khám, chữa bệnh không mang tính quyền lực nhà nước. Bạn Hứa Văn Sang (Bình Dương) băn khoăn: Người đánh bác sĩ không phạm tội chống người thi hành công vụ, vậy có phạm tội nào khác không? Xét về pháp lý, người này có thể phạm một trong các tội sau: Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 245 BLHS); tội cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS).

VƯƠNG TẤT ĐỨC (Phòng Công chứng số 3 huyện Đức Trọng, Lâm Đồng)

Không chống người thi hành công vụ...

Người đang nhân danh Nhà nước để thực thi nhiệm vụ một cách hợp pháp thuộc phạm vi quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án thì mới là thi hành công vụ.

Do đó ở tình huống Kỳ 107, người đánh bác sĩ không phạm tội chống người thi hành công vụ là phù hợp. Tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, mà có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc tội gây rối trật tự công cộng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trật tự công cộng.

ĐÀO DANH SỬU (Khu tập thể UBND huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu)

Chỉ đáng xử phạt hành chính

Chính nhờ phân biệt rạch ròi giữa công chức với viên chức, thi hành công vụ với phục vụ dịch vụ công nên hành vi của người đánh bác sĩ chỉ đáng bị xử phạt hành chính về vi phạm trật tự công cộng (theo Điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP). Nếu bác sĩ làm việc  với tư cách công chức đang thi hành công vụ thì hành vi đó mới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ (Điều 257 BLHS).

ĐỖ VĂN CỦA (4/4 KP Bình Hòa, phường Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương)

Đáp án chính xác

Tôi chưa đồng tình với một số ý kiến phản biện. Vì không phải hễ “đụng” đến người nào làm việc cho Nhà nước đều là chống người thi hành công vụ. Cũng cần hiểu là người làm việc cho Nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp công lập, mà được điều động, phối hợp với cơ quan công an, cảnh sát… để thực hiện biện pháp cưỡng chế, khám nghiệm tử thi thì ai hành hung những người này, mới chống người thi hành công vụ.

NGUYỄN THẾ SƠN (CLB À Ra Thế Thuận An, Bình Dương)

Tôi ủng hộ đáp án

Bác sĩ khám bệnh ở bệnh viện công chỉ là làm dịch vụ công hay nói đúng hơn là được Nhà nước giao nhiệm vụ phục vụ khám, chữa bệnh cho người bệnh nên không thể xem là thi hành công vụ. Nếu coi bác sĩ khám bệnh ở bệnh viện công là thi hành công vụ thì những người giữ chức vụ ở doanh nghiệp nhà nước cũng phải thi hành công vụ hay sao? Tôi ủng hộ đáp án.

TRẦN VĂN ÁNH (Nhà Thiếu nhi huyện Chơn Thành, Bình Phước)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm