Hậu COVID-19, nhiều người bị “trên bảo dưới không nghe”

(PLO)-  Virus SARS-CoV-2 không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất nói chung mà còn tấn công sức khỏe tình dục, sinh sản kể cả sau khi bệnh nhân được điều trị khỏi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khoa nam học (BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội) thời gian gần đây mỗi ngày tiếp nhận trung bình 20-30 bệnh nhân đến khám sức khỏe sinh lý sau mắc COVID-19. Hầu hết có các dấu hiệu phổ biến như suy giảm ham muốn, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm…

Bỗng dưng bị yếu

Anh TTK (29 tuổi, quê Phú Thọ) tâm sự sau khi được điều trị khỏi COVID-19, anh nhận thấy bỗng nhiên không còn ham muốn “chuyện ấy” dù trước kia anh có nhu cầu khá cao. Theo dõi hơn một tháng mà tình hình vẫn không cải thiện, nguy cơ chuyện gia đình lục đục, anh tìm tới BV Nam học và hiếm muộn thăm khám.

ThS-BS Đinh Hữu Việt khám sức khỏe sinh lý cho một bệnh nhân hậu COVID-19. Ảnh: NHƯ LOAN

ThS-BS Đinh Hữu Việt khám sức khỏe sinh lý cho một bệnh nhân hậu COVID-19.
Ảnh: NHƯ LOAN

Sau khi được bác sĩ (BS) tư vấn, anh K chia sẻ sau mắc COVID-19 cơ thể thường xuyên mệt mỏi, cùng với đó là căng thẳng từ công việc, các mối quan hệ khiến anh không còn hứng thú với “chuyện ấy”. Đánh giá nguyên nhân là do yếu tố tâm lý, BS đã áp dụng liệu pháp tâm lý kết hợp với một số loại thuốc tăng nội tiết tố sinh dục nam cho anh K. Sau hai tháng, tình trạng của anh K dần cải thiện, không khí trong gia đình cũng tốt hơn.

Tiếp theo là trường hợp của anh NVL (32 tuổi, Hà Nội). Trò chuyện với BS, anh cho biết trước kia anh hoàn toàn khỏe mạnh và rất tự hào về bản lĩnh đàn ông. Tuy nhiên, sau mắc COVID-19, anh bắt đầu xuất hiện triệu chứng rối loạn cương dương khiến anh mất ăn mất ngủ vì sợ bị yếu sinh lý.

Sau khi thăm khám tại BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội, anh L được BS tư vấn sử dụng thuốc kết hợp với thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh hơn, tập thể dục thường xuyên, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Sau gần hai tháng thực hiện, đến nay sức khỏe anh L cơ bản được cải thiện.

COVID-19 làm tổn thương tinh hoàn

Theo ThS-BS Đinh Hữu Việt, Trưởng Khoa nam học BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội, tình trạng suy giảm ham muốn, rối loạn cương dương hậu COVID-19 có thể đến từ yếu tố tâm lý hoặc bệnh lý.

27,1% nam giới bị rối loạn cương dương sau COVID-19

Trong một nghiên cứu trên những bệnh nhân nam khỏe mạnh trước đó mắc COVID-19, có tới 27,1% nam giới bị rối loạn cương dương sau khi khỏi bệnh. Rối loạn cương dương hậu COVID-19 có thể do virus SARS-CoV-2 sau khi xâm nhập vào cơ thể không những tấn công phổi gây tổn thương xơ hóa phổi, mà còn tấn công các tế bào nội mô của mạch máu (trong đó có mạch máu dương vật), làm tổn thương mạch máu.

Virus SARS-CoV-2 còn tấn công trực tiếp tinh hoàn hoặc gián tiếp thông qua cơ chế nhiễu loạn miễn dịch, làm giảm chức năng bài tiết hormone testosterone của tinh hoàn, gây giảm ham muốn tình dục và rối loạn cương dương.

(Nguồn: Khoa nam học và y học giới tính BV ĐH Y Hà Nội)

Về tâm lý, khi bị nhiễm COVID-19, người bệnh sẽ chịu nhiều áp lực, căng thẳng, stress kể cả sau khi đã được điều trị khỏi. Tâm lý căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây mất cân bằng hormone và ảnh hưởng tiêu cực đến ham muốn không chỉ ở nam giới mà còn cả với nữ giới. “Khoảng 40% nam giới bị căng thẳng, áp lực làm giảm hứng thú hoặc kích thích tình dục, 20% giảm, vắng cực khoái hoặc xuất tinh. Điều này kết hợp với sự suy giảm sức khỏe thể chất sau quá trình dài điều trị COVID-19 khiến nhiều nam giới mất đi hứng thú quan hệ với bạn tình” - BS Việt lý giải.

Về yếu tố bệnh lý, virus SARS-CoV-2 xâm nhập hệ thống sinh sản ở nam giới (cụ thể là tinh hoàn) thông qua các thụ thể ACE 2 (men chuyển 2) và TMPRSS2 (protease xuyên màng) có trong các mô tinh hoàn, tạo ra phản ứng miễn dịch của cơ thể và gây ra triệu chứng viêm tinh hoàn. Khi tinh hoàn bị tổn thương, việc tổng hợp hormone nam giới (testosterone) và tinh trùng bị ảnh hưởng, từ đó khiến nồng độ testosterone trong máu bị suy giảm đáng kể dẫn tới suy giảm ham muốn.

“Ngoài ra, khi xâm nhập vào cơ thể, virus còn gây rối loạn nội mô, gây phản ứng viêm làm hỏng tính toàn vẹn của nội mạc mạch máu, tăng tính thấm, kích hoạt quá trình đông máu và tổn thương vi mạch. Chức năng mạch máu suy giảm dẫn đến tình trạng rối loạn cương dương” - BS Việt nói thêm.

Để hạn chế các ảnh hưởng của COVID-19 tới sức khỏe tình dục, BS Việt khuyến cáo nam giới trong thời gian mắc COVID-19 nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi điều độ, tránh hoạt động nặng, mất sức. Nếu gặp phải những vấn đề về tình dục sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân nên đến các cơ sở chuyên khoa nam học sớm để khám và điều trị, tránh tâm lý e ngại làm tình trạng bệnh nặng lên.

Cạnh đó, cần tập thể thao hằng ngày, cường độ phù hợp với tình trạng sức khỏe bản thân. Uống nhiều nước, tăng cường rau xanh, trái cây, bổ sung các loại thịt đỏ, hải sản, trứng, sữa, giá đỗ... Hạn chế tối đa thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, tránh thức khuya, ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm