Hậu Giang: 18 năm bị truy cứu oan

Đến giờ, ông Huỳnh Thanh Mừng, nguyên giám đốc Xí nghiệp Đường tổng hợp huyện Vị Thanh (tỉnh Cần Thơ cũ, nay là thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), vẫn chưa biết tại sao mình bị “mắc kẹt” vào vòng tố tụng đã hơn 18 năm.

Khởi tố về tội tham ô

Ngày 22-12-1990, khi đang làm việc tại cơ quan, bỗng nhiên ông Mừng bị công an huyện ập đến bắt giữ về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa. Ba ngày sau, công an huyện ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời ra lệnh tạm giam ông trong ba tháng.

Đến tháng 4-1991, do bị bệnh nặng nên ông được vợ bảo lãnh về nhà điều trị. Hai tháng sau, Công an huyện Vị Thanh lại có lệnh bắt khẩn cấp ông lần nữa cũng với tội danh nêu trên. Đến tháng 9-1991, ông Mừng mới được trả tự do vì các cơ quan pháp luật địa phương “xét thấy không cần thiết tạm giam” (tổng cộng ông Mừng đã bị giam tám tháng). Từ đó đến nay, các cơ quan tố tụng đã không ra văn bản xử lý tiếp theo.

Ông Mừng đang nóng lòng chờ Công an thị xã Vị Thanh xử lý dứt điểm vụ án. Ảnh: VĐ
Ông Mừng đang nóng lòng chờ Công an thị xã Vị Thanh xử lý dứt điểm vụ án. Ảnh: VĐ

Ngay sau khi được thả ra, ông Mừng đã gửi đơn yêu cầu các cơ quan tố tụng huyện minh định ông không phạm tội và phải bồi thường thiệt hại cho ông. Tháng 4-1994, VKSND huyện Vị Thanh mới cho biết họ không thụ lý hồ sơ vụ án của ông và họ đã chuyển đơn của ông đến công an huyện. Phía công an huyện cũng không trả lời được vì sao lại để ông làm bị can trong suốt 18 năm.

Mãi đến tháng 3-2008, Công an thị xã Vị Thanh mới có công văn cho biết các cơ quan tố tụng của thị xã đã thống nhất việc ông Mừng khiếu nại đòi bồi thường oan là không có cơ sở. Bởi lẽ vào năm 1991, Công an huyện Vị Thanh (cũ) đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra với lý do ông Mừng phải đi điều trị bệnh. Nay xét thấy cần tiếp tục điều tra làm rõ để đưa ông ra xử lý trước pháp luật nên công an thị xã sẽ ra quyết định phục hồi điều tra.

Rồi sau đó lại bỏ quên

Ông Mừng không đồng ý với nội dung trả lời này. Theo ông thì vào năm 1991, cơ quan tố tụng huyện Vị Thanh (cũ) không hề giao cho ông quyết định tạm đình chỉ điều tra. Do vậy, công an thị xã không thể phục hồi điều tra (nhất là khi thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông đã không còn).

Làm việc với Báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Văn Nhiều, Viện trưởng VKSND thị xã Vị Thanh, thừa nhận hồ sơ vụ án không có quyết định tạm đình chỉ điều tra. Ông Nhiều nhận xét: “Có lẽ do việc kiểm sát án còn lơi lỏng nên các cơ quan chức năng thời trước đã không giải quyết rốt ráo vụ án. Công an thị xã có phần vội vàng, nôn nóng khi muốn phục hồi điều tra. Trên thực tế thì chúng tôi chỉ họp liên ngành để bàn xem ông Mừng có phạm tội hay không và còn thời hiệu truy tố hay không. Hiện chúng tôi đã báo cáo vụ việc cho VKSND tối cao để xin ý kiến chỉ đạo. Nếu đã hết thời hạn điều tra mà không xác định được bị can đã thực hiện tội phạm thì phải đình chỉ điều tra và phải bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo đúng quy định”.

Trung tá Phan Văn Khoa - Phó Công an thị xã Vị Thanh cũng “không nắm rõ vụ việc vì mới chuyển đến”. Ông cho rằng khi chưa xem lại thời hạn điều tra thì các cán bộ công an chưa nên tính đến việc phục hồi điều tra...

Nên sớm minh oan

Trước khi bị bắt, ông Mừng là đảng viên. Sau khi bị bắt trở về, ông bị bạn bè xa lánh vì mang tiếng tham ô tài sản. Quyền lợi chính trị, danh dự của ông bị mất mát vô số kể. Ông Mừng khẩn thiết đề nghị: “Nếu tôi phạm tội, tòa án cứ xử tội tôi nhưng nếu tôi không phạm tội gì cả thì các cơ quan tố tụng phải khôi phục danh dự, bồi thường thiệt hại cho tôi để tôi được sinh hoạt đảng trở lại”.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 (có hiệu lực đối với vụ án của ông Mừng) quy định thời hạn điều tra vụ án hình sự là bốn tháng kể từ khi khởi tố vụ án và cho phép gia hạn thêm bốn tháng. Do ông Mừng bị khởi tố vào cuối năm 1990 nên tính đến nay, thời hạn điều tra đã hết. Theo khoản 3 Điều 97 bộ luật này thì khi đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm, cơ quan điều tra Công an thị xã Vị Thanh phải ra quyết định đình chỉ điều tra. Tiếp đó, dựa theo quy định của khoản 1d Điều 1 Nghị quyết 388 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Công an thị xã Vị Thanh phải bồi thường thiệt hại cho ông Mừng vì đã khởi tố, tạm giam oan người không thực hiện hành vi phạm tội.

Đề nghị công an và VKS thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang sớm xem xét lại trường hợp của ông Mừng để có cách giải quyết thỏa đáng hơn.

VĂN ĐOÀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm