Hậu Giang: 5 trọng tâm đột phá chiến lược đến năm 2030

(PLO)- Đến năm 2030, Hậu Giang sẽ trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-12, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội nghị công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đánh giá chưa bao giờ cơ hội đến với Hậu Giang lớn như hiện nay.

Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 8-12.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL. Đồng thời, có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy...

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8,7%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt trên 150 triệu đồng/năm. Tỉ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 14%. Khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 40%, dịch vụ khoảng 38%.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang xác định là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL. Theo quy hoạch được duyệt, Hậu Giang sẽ thực hiện năm đột phát chiến lược là một tâm - hai tuyến - ba thành - bốn trụ - năm trọng tâm. Cụ thể, một tâm (một trung tâm) là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh.

Hậu Giang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL đến năm 2030. Ảnh: CHÂU ANH
Hậu Giang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL đến năm 2030. Ảnh: CHÂU ANH

Hai tuyến chính là hai tuyến hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kết nối với các tỉnh nam sông Hậu. Từ đó, hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Ba thành là ba trung tâm đô thị sẽ được phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh gồm: TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. Trong đó, TP Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Bốn trụ chính là bốn trụ cột kinh tế gồm công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.

Năm trọng tâm được tỉnh này xác định gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Theo quy hoạch, Hậu Giang được phân thành bốn vùng, gồm vùng trung tâm (TP Vị Thanh và huyện Vị Thủy); vùng đô thị - công nghiệp (huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A), vùng công nghiệp - du lịch sinh thái (TP Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp), vùng đô thị - nông nghiệp sinh thái (thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ).

“Chưa bao giờ cơ hội đến với Hậu Giang lớn như hiện nay”

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao năm đột phá chiến lược Hậu Giang đã đề ra trong quy hoạch tỉnh. Phó Thủ tướng cũng lưu ý quy hoạch đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của từng địa phương. Do đó, trong quá trình triển khai, các địa phương cần tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ.

Đặc biệt đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền rộng rãi đến người dân, cộng đồng các nội dung trong bản quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hậu Giang cần chú trọng việc thực hiện liên kết vùng, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông.

“Chưa bao giờ cơ hội đến với Hậu Giang lớn như hiện nay. Thứ nhất là cơ sở hạ tầng mà đặc biệt là hai cao tốc gặp nhau trên địa bàn tỉnh, không phải địa phương nào cũng có. Thứ hai là Hậu Giang có đội ngũ cán bộ đã tiếp nối được truyền thống những người đi trước, đã khai thác được lợi thế và đã có sự thay đổi, đột phá, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng Hậu Giang vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, “tiền ít, mong muốn nhiều và nhu cầu cao”, trong khi quy định hiện hành còn chồng chéo, còn chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

Từ đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị lãnh đạo tỉnh Hậu Giang ngoài việc bám sát định hướng phát triển trong quy hoạch đã được phê duyệt, cần có cách tiếp cận mới linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, người đứng đầu phải làm gương truyền cảm hứng cho mọi người, cho nhà đầu tư về các cơ chế, chính sách khi thực hiện đầu tư vào Hậu Giang.

Đột phá cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư

Ngay sau hội nghị này, tỉnh sẽ triển khai thực hiện đồng bộ phát triển bền vững trên cả ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Đây là quan điểm chủ đạo, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển; lấy thích ứng với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến.

Tỉnh đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nông nghiệp là trụ đỡ, công nghiệp là trụ cột phát triển; thương mại dịch vụ là động lực tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

Tỉnh sẽ phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển đồng thời, phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững.

Tỉnh quyết tâm đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện rõ nét chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh. Tăng cường chuyển đổi số, kiến tạo phát triển và đồng hành với người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, TP trong vùng ĐBSCL, kết nối với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Hậu Giang sẽ biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất cân đong đo đếm được, biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả. Từ đó, góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ông NGHIÊM XUÂN THÀNH, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm