Hậu Giang: Kích hoạt dự trữ hàng hóa theo 5 cấp độ

Ngày 21-5, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho biết để đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch COVID-19, Sở sẽ kích hoạt lại các phương án dự trữ theo năm cấp độ. Theo đó, tương ứng từ cấp độ 1-5 sẽ dự trữ hàng hóa từ 763 tỉ đến 885 tỉ đồng.

Hoàng hóa dự trữ là các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân theo từng cấp độ diễn biến của dịch COVID–19. Trong đó, chủ yếu là các sản phẩm như: gạo, thịt heo, thịt gà, trứng, thủy hải sản, rau củ, mì tôm, muối ăn, dầu ăn, nước đóng chai, khẩu trang kháng khuẩn, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh,…

Đoàn công tác của Sở Công thương tỉnh Hậu Giang kiểm tra tình hình cũng ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: BT

Giám đốc Sở Công thương khẳng định sẽ phối hợp với UBND các địa phương trong tỉnh, các doanh nghiệp, siêu thị, hệ thống cửa hàng bách hóa trên địa bàn tỉnh để xây dựng Kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu gấp 3 lần so với bình thường, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn các tỉnh lân cận.

"Bên cạnh năm phương án của Trung ương Sở đề xuất thêm một phương án nữa để ứng phó khi có tình huống khẩn cấp, thực hiện giãn cách xã hội. Cụ thể, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh để trưng dụng xe chuyên dùng phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong khu vực cần phong tỏa, cách ly để phòng, chống dịch” – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang thông tin thêm

Cũng theo ông Huỳnh Thanh Phong, hiện, Sở Công Thương tỉnh đang phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh triển khai đến các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện xây dựng bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, ngành chức năng tỉnh luôn đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, không có hiện tượng thiếu hàng. Qua đó, đề nghị người dân đừng mua dự trữ các mặt hàng thiết yếu dẫn đến hàng hóa thiếu cục bộ và gây bất ổn thị trường, nhất là các mặt hàng dễ cháy nổ như xăng, dầu,...

Thống kê chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, bằng nguồn vốn tự cân đối, đã có bảy đơn vị, doanh nghiệp tham gia công tác bình ổn thị trường, với tổng giá trị hàng hóa ước đạt khoảng 150 tỉ đồng.

Tại tám huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng triển khai công tác dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân với tổng giá trị ước trên 300 tỉ đồng.

Theo đánh giá nguồn cung, trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị tổng hợp, 28 cửa hàng bách hóa và 72 chợ phân bố đều trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố luôn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân trên địa bàn tỉnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới