Hậu Giang: Không còn là cây chủ lực, 5.000 ha mía sẽ ra sao?

Ngày 4-12, tại phiên thảo luận và giải trình kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa IX, ông Nguyễn Tấn Phong (cử tri TP Ngã Bảy) băn khoăn về việc cây mía không còn là loại cây chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Vậy khoảng 5.000 ha mía của tỉnh sẽ ra sao, đời sống người dân những vùng này sẽ như thế nào, ngành nông nghiệp có hướng chuyển đổi cây con giống hay không?

Cử tri Nguyễn Tấn Phong (TP Ngã Bảy) nêu ý kiến tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa IX. Ảnh: AT

“Một vấn đề nữa, cây cam sành là loại cây nông sản chủ lực của TP Ngã Bảy, có thương hiệu, nhưng hiện nay đang “chết yểu”. Vậy đầu ra ở đâu và cách giải quyết vấn đề này ra sao” – ông Phong thắc mắc.

Trả lời các vấn đề này, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh khẳng định tỉnh không đưa vào sản phẩm chủ lực, không có nghĩa là tỉnh không quan tâm đến cây mía. Cũng theo ông Hùng, các sản phẩm chủ lực được xác định là cá sản phẩm đã có đầu ra và sản xuất ổn định quanh năm, có sản lượng lớn. Từ đó, khi liên  kết, bao tiêu thì có đủ sản lượng để cung cấp cho các doanh nghiệp.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết cây mía vẫn được tỉnh quan tâm. Ảnh: AT

“Riêng đối với cây mía, hiện nay đầu ra rất bấp bênh, cả vùng ĐBSCL chỉ có ba nhà máy đường, Hậu Giang chỉ còn nhà máy đường Phụng Hiệp. Do đó, cây mía không đưa vào sản phẩm chủ lực của tỉnh nhưng vẫn quan tâm” – ông Hùng nói.

Cạnh đó, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cũng cho biết ngành nông nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh xây dựng mô hình đưa cơ giới hóa vào sản xuất cây mía để tăng năng suất và giảm giá thành để mang lại lợi ích cho người dân. Đồng thời, tham mưu lãnh đạo tỉnh xem xét quy hoạch lại diện tích mía phù hợp với nhu cầu của nhà máy đường trên địa bàn tỉnh.

Nói về cây cam sành, ông Hùng cho biết từng có thời điểm diện tích loại cây này lên đến hơn 15.000 ha, Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định diện tích cây cam sành trên địa bàn Hậu Giang còn khoảng 8.000 ha.

“Trước đây, do ngành hàng cây có múi các tỉnh phía Bắc chưa phát triển, do đó nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Hiện nay, các tỉnh phía Bắc phát triển rất mạnh cây có múi, đặc biệt là cây cam, vì vậy khả năng cạnh tranh, tiêu thụ cam sành không lại các tỉnh” – ông Hùng lý giải.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, thời gian tới sẽ tiếp tự nghiên cứu, phối hợp với các địa phương tìm các đơn vị tiêu thụ để chuyển đổi cho phù hợp.

Tỉnh Hậu Giang xác định sáu loại cây chủ lực có sản lượng ổn định và quy mô lớn, là cây lúa, cây chanh, cây mít, cây khóm, cây bưởi và cây mãng cầu xiêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm