Hậu Giang: Xử lý 1 trại heo gây ô nhiễm... theo ‘lộ trình’

Sáng 4-12, tiếp tục ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Hậu Giang khóa IX bước vào phiên thảo luận và giải trình.

Tại đây, nhiều đại biểu nêu các vấn đề cử tri trong tỉnh quan tâm, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhận được nhiều câu hỏi.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Lý (đơn vị huyện Châu Thành A) đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin về loại cây chủ lực của tỉnh Hậu Giang, hiện nay, trong đó, cây mía có được xem là cây nông sản chủ lực hay không.

Đại biểu nêu ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: AT

Đại biểu thuộc đơn vị TP Vị Thanh, đề nghị người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh làm rõ thêm về tổng thiệt hại và công tác hỗ trợ cho bà con qua dịch tả heo Châu Phi. Đặc biệt là vấn đề tái đàn và đảm bảo nguồn cung dịp Tết Nguyên đán sắp tới đối với thịt heo.

Đại biểu Nguyễn Văn Vui (đơn vị huyện Vị Thủy), cho biết trên địa bàn huyện hiện có trung tâm giống nông nghiệp tỉnh. Nơi đây có chăn nuôi heo và gây ô nhiễm khiến bà con bức xúc.

“Hiện nay không dừng ở ấp 12, xã Vị Thắng mà đã lan sang cả thị trấn Nàng Mau, mùi hôi rất nồng nặc. Vấn đề này chúng tôi được bà con cử tri phản ánh rất gay gắt, huyện cũng đã có các văn bản gửi về tỉnh trong đó có Sở TN&MT. Xin đồng chí Giám đốc Sở cho biết khi nào sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng này, vì hiện nay ô nhiễm làm ảnh hưởng sức khỏe của người dân” – đại biểu Vui nói.

Đại biểu Phạm Thị Phượng (đơn vị huyện Long Mỹ) cũng nêu thực trạng về tình hình quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề nghị ngành TN&MT thông tin về việc xử lý các loại chất thải này như thế nào?

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang giải trình các vấn đè đại biểu quan tâm. Ảnh: AT

Trả lời các vấn đề đại biểu đặt ra, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang thông tin, năm 2019, toàn tỉnh có 2.686 ổ dịch ở 463 ấp, khu vực. Theo  đó, tổng đàn heo bị ảnh hưởng phải tiêu hủy là hơn 55.000 con, tổng trọng lượng trên 3.300 tấn. Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, số tiền phải hỗ trợ cho người bị thiệt hại hơn 116 tỉ đồng, trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân trên 96 tỉ đồng và hỗ trợ phòng chống dịch khoảng 20 tỉ đồng.

“Đến thời điểm này, tất cả 2.686 hộ dân đều được hỗ trợ, chỉ còn hai hộ dân và một tổ chức chưa được hỗ trợ do còn vướng một số văn bản” – ông Hùng cho biết thêm.

Nói về việc tái đàn heo, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay hiện toàn tỉnh có khoảng 118.000 con heo, đồng nghĩa bà con đã tái đàn được hơn 78%. Dự báo sắp tới, ông Hùng cho biết số heo trong tỉnh sẽ đạt khoảng 300.000 con.

Giải trình về sản phẩm chủ lực của tỉnh, người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho hay hiện toàn tỉnh có 13 sản phẩm nông sản được xác định là chủ lực. Cũng theo ông Hùng, cây mía không còn được xem là sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang giải trình tại kỳ họp. Ảnh: AT

Trả lời phản ánh của cử tri liên quan đến việc trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm trên địa bàn huyện Vị Thủy, ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang xác nhận bà con phản ánh là có. Theo ông Việt, hiện một công ty đã thuê nơi đây để chăn nuôi hơn 1.200 con heo, tuy nhiên, công trình hầm ủ biogas và xử lý nước thải đã xuống cấp không đảm bảo vệ sinh môi trường nên phát sinh mùi hôi.

“Các ngành đã kiểm tra và thống nhất sẽ có báo cáo với UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương có các biện pháp cải tạo hệ thống thu gom, xử lý nước thải, đảm bảo vận hành ổn định. Chỉ được tái đàn sau khi tác động đánh giá môi trường được phê duyệt” – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang giải trình tại kỳ họp.

Nói về xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh, ông Việt thông tin theo cam kết cuối năm 2021 nhà máy điện rác tại Hòa An sẽ đi vào hoạt động, khi đó sẽ giải quyết được căn cơ vấn đề rác thải của tỉnh.

Làm rõ thêm về vấn đề ô nhiễm tại Vị Thủy, chủ tọa kỳ họp đề nghị Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết khi nào sẽ khắc phục việc ô nhiễm này.

Ông Việt cho hay: “Theo “lộ trình” làm việc tác động đánh giá tác động môi trường sẽ có và cuối năm, cụ thể thì Sở Tài chính sẽ cho biết”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm