CHUYÊN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI DO SỞ LĐ-TB&XH TP.HCM PHỐI HỢP THỰC HIỆN

Hậu quả bởi thương con trai, gái không đều

Trong một lần trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM về vấn đề xây dựng nền tảng gia đình hiện đại, bà Lê Thị Thanh Nhã, chuyên gia nghiên cứu gia đình, nguyên Phó Trưởng phòng Văn hóa- Gia đình, Sở VH-TT TP.HCM, kể về một gia đình bà đã tham gia hòa giải, tư vấn nhiều lần.

Đó là một gia đình đầy những mâu thuẫn, bất hòa do người đàn ông trong gia đình quá gia trưởng, coi thường vợ và con gái. Ông thường xuyên quát mắng vợ trước mặt các con. Một lần, cô con gái nêu ý kiến để bảo vệ mẹ, cô đã bị cha xúc phạm: “Đàn bà con gái biết gì mà nói”. Cô con gái lớn luôn trong tâm thế nổi loạn, chống đối. Con gái út sống khép mình, tự ti, buồn bã. Gia đình họ luôn đầy bất ổn.

Bà Lê Thị Thanh Nhã thường xuyên trao đổi với các bậc phụ huynh về việc xây dựng gia đình tôn trọng, hạnh phúc.

Theo ThS Nguyễn Thị Mỹ Linh, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tại TP.HCM, bất bình đẳng giới thực chất là bắt nguồn từ môi trường gia đình, trong đó người phụ nữ bị xem nhẹ giá trị so với nam giới. Bà chia sẻ rằng bà biết có những phụ nữ không sinh được con trai bị gia đình chồng xem thường, có thể bị đánh đập hoặc bạo hành tinh thần. Nhiều gia đình đã rơi vào bi kịch hoặc vi phạm đạo đức vì lựa chọn giới tính để sinh bé trai hoặc người chồng ra ngoài kiếm con trai. Trong khi đó, người phụ nữ vẫn không thoát khỏi được những định kiến đã bị ấn định cho giới tính của mình, họ đành tự “ghép” mình vào khuôn khổ, tự ràng buộc chính mình.

ThS Lê Thị Thùy Linh, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tại TP.HCM, cũng phân tích trẻ em sẽ không tôn trọng người lớn nếu chúng thấy cha mẹ chúng không tôn trọng lẫn nhau. Theo bà, muốn xã hội xóa bỏ bất bình đẳng giới thì trong mỗi gia đình phải thực hành điều này trước hết. Ông bà, cha mẹ phải tôn trọng nhau, nâng đỡ nhau và làm gương cho con trẻ. Không được phân biệt đối xử con trai với con gái.

Cũng theo ThS Thùy Linh, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng nông thôn chưa nhận thức đầy đủ quyền bình đẳng của mình, im lặng chịu bạo lực, chịu sự phân biệt đối xử trong gia đình một cách gần như là hiển nhiên. Những vùng sâu, vùng xa tư tưởng bất bình đẳng vẫn cắm sâu bám rễ. Điều này không chỉ làm mất cơ hội phát triển của phụ nữ trong mỗi gia đình mà còn cản trở sự phát triển của xã hội. Công tác truyền thông cho các nhóm dân cư này phải tính đến thói quen tiếp nhận của họ, nền tảng văn hóa của họ để thay đổi từ từ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm