Người từng bị kết án mà án tích đã được xóa khi yêu cầu được cấp phiếu lý lịch tư pháp (gọi tắt là LLTP) số 1 thì tình trạng án tích sẽ ghi là “không có án tích”. Thế nhưng cùng người này nếu yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 thì thông tin án tích đã được xóa sẽ bị kể đầy đủ ngày tháng năm tuyên án, số bản án, tòa án đã xử, tội danh…
Nỗi ám ảnh mang tên “thằng tù”
Ông TVT (Nhà Bè, TP.HCM) kể lúc còn trai trẻ ông đã lỡ tay gây thương tích cho một người bạn trong cuộc nhậu và bị kết án hai năm tù. Ra tù ông buộc phải đi xa lập nghiệp vì sợ điều tiếng ở quê nhà. Vào Đồng Nai cưới vợ, sinh con rồi lại lên TP.HCM, vợ chồng ông buôn bán, con cái đi học, câu chuyện đi tù như đã lùi xa.
Đến một ngày khi đi xin việc, ông bị yêu cầu nộp phiếu LLTP. Ban đầu ông T. lấy phiếu LLTP số 1, trong đó thấy ghi không có án tích ông rất mừng. Không ngờ công ty lại yêu cầu phiếu số 2. “Phiếu này thì ghi rõ chi tiết việc phạm tội của tôi. Hụt hẫng quá, tôi không sợ thất nghiệp, chỉ sợ miệng đời làm khổ vợ con tôi. Bao nhiêu năm phấn đấu quên lỗi lầm, tự hứa không bao giờ vi phạm pháp luật nữa mà bây giờ tôi lại phải gặm nhấm cái tư cách thằng tù của mình” - ông T. nghẹn giọng.
Chính vì ám ảnh hai chữ định kiến, sợ người ta thấy ông từng ở tù sẽ xa lánh, đánh giá cả vợ con ông mới phải bỏ xứ. Mấy chục năm chỉ lầm lũi làm việc, đến lúc chuẩn bị được đón cháu ngoại thì nỗi đau lại một lần nữa bị khơi dậy.
Ông T. bức xúc: “Tôi chỉ xin làm công nhân chứ có phải làm chức vụ to lớn gì đâu mà phải sưu tra lý lịch kỹ vậy. Chẳng lẽ hai chữ thằng tù sẽ theo đuổi tôi đến suốt cuộc đời hay sao? Nhà nước cứ giám sát tôi nhưng hãy cho tôi cái quyền bình đẳng với bao nhiêu người khác”.
Người dân làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp, TP.HCM. Ảnh: HTD
Kiến nghị bỏ phiếu LLTP số 2: Hợp lý, hợp tình
Hiện nay, một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đang lạm dụng, yêu cầu người dân cung cấp phiếu LLTP số 2 trong những trường hợp không thực sự cần thiết. Việc sử dụng phiếu LLTP số 2 cho nhiều mục đích, ở nhiều đơn vị thực sự đã gây nguy cơ lộ bí mật đời tư của công dân. Quy định xóa án tích nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội không bị phân biệt đối xử sau khi chấp hành án thể hiện sâu sắc tính nhân đạo của Nhà nước ta. Thế nhưng việc vẫn phải khai lại án tích dù đã được xóa và nộp bản khai đó theo yêu cầu của đơn vị không thực sự liên quan, không có chức trách, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước hay tiến hành tố tụng lại khiến công dân bị thiệt thòi trong nhiều trường hợp.
“Từ vướng mắc đó, Sở đã đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa quy định khoản 2 Điều 46 Luật LLTP, không cấp phiếu LLTP số 2 cho cá nhân mà chỉ cấp phiếu này cho cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội” - bà Hoàng Thị Hương Lan, Trưởng phòng LLTP - Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết. Đây được xem là một kiến nghị giải pháp rất có tính nhân văn của Sở Tư pháp TP.
Trong cuộc họp khảo sát tình hình thực hiện Luật LLTP trên địa bàn TP do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 12-9, phía đại diện Công an TP.HCM cũng nhận định xóa án tích là chế định mang tính nhân đạo của Nhà nước ta, thể hiện sự thừa nhận về mặt pháp lý hình sự người bị kết án không còn mang án tích nữa. Đồng nghĩa với việc họ không phải tiếp tục gánh chịu hậu quả do việc bản án đem lại.
Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án. Tức là kể từ thời điểm được xóa án tích, họ là người hoàn toàn bình thường về mặt tư pháp và không ai có thể căn cứ vào sự kiện họ đã bị kết án trước đây để hạn chế quyền lợi của họ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, ổn định sinh sống làm ăn.
“Tôi rất đồng ý với kiến nghị của Sở Tư pháp là chỉ cấp phiếu LLTP số 2 cho cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội” - vị đại diện Công an TP.HCM nói.
Cấp phiếu LLTP số 2 ngày càng tăng Năm 2014 cấp 24.133 phiếu; 2015 cấp 29.441 phiếu; 2016 cấp 33.075 phiếu; sáu tháng đầu năm 2017 đã cấp đến 19.061 phiếu. (Trích báo cáo của Sở Tư pháp TP.HCM) |