Bỏ phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) số 2 cho cá nhân vì lý do bí mật đời tư là một trong những đề xuất, kiến nghị của Sở Tư pháp TP.HCM trong buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về “Tình hình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 trên địa bàn TP.HCM” với các Sở, ngành như VKSND TP, Cục Thi hành án dân sự TP, Sở Tư pháp TP..., chiều ngày 12-9. Bà Văn Thị Bạch Tuyết, phó trưởng đoàn - Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM chủ trì buổi làm việc này.
Tại đây, bà Hoàng Thị Hương Lan-Trưởng phòng lý lịch tư pháp (Sở Tư pháp TP) báo cáo tình hình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) trên địa bàn TP từ ngày 1-7-2010 đến 30-6-2017.
Theo bà Lan, vấn đề cấp phiếu LLTP số 2 theo khoản 2 Điều 46 của Luật LLTP gây khó khăn cho người dân.
Cụ thể là khi cá nhân yêu cầu cấp phiếu số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu. Nội dung phiếu số 2 phải ghi đầy đủ thông tin về án tích, hình phạt, tội danh… ngay cả khi cá nhân đã được xóa án tích.
Hiện nay, một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài lạm dụng quy định này yêu cầu người dân cung cấp phiếu LLTP số 2, ảnh hưởng đến bí mật đời tư của cá nhân. Đồng thời, còn ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhân đạo là đã xóa án tích thì xem như chưa phạm tội, không cần tra cứu lịch sử của họ.
Vì thế, Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa quy định khoản 2 Điều 46 Luật LLTP theo hướng không cấp phiếu LLTP số 2 cho cá nhân mà chỉ cấp phiếu này cho cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội theo quy định. Kiến nghị này nhận được sự đồng tình của Công an TP.HCM.
Cũng tho bà Lan, Luật LLTP chưa quy định cụ thể cơ chế phối hợp xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích. Từ đó, Sở tư pháp cũng kiến nghị ban hành quy chế phối hợp xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích, trong đó xác định rõ thời gian xác minh của từng cơ quan và cách thức xử lý thông tin LLTP khi hết thời gian quy định mà không nhận được văn bản xác minh của các cơ quan liên quan.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch liên đoàn lao động TP.HCM lưu ý, tránh hiện tượng đùn đẩy “cái khó” cho người dân, phải làm sao cho người dân được thuận tiện khi yêu cầu cấp phiếu LLTP và được trả đúng thời gian luật định. Trước đây, chỉ một số trường hợp cụ thể mới yêu cầu Phiếu LLTP số 2, còn hiện nay có bị lạm dụng hay không? Có cần thiết trường hợp nào cũng cần có phiếu này hay chỉ quy định một số trường hợp thật cần thiết chứ không phải để đảm bảo cho sự “an toàn” của cơ quan tuyển dụng. Bà Yến thắc mắc liệu có cần thiết chờ đến khi cần mới cung cấp thông tin hay chủ động làm thì có hiệu quả hơn.
Ví dụ: khi đối tượng vừa thi hành án tù xong thì cơ quan thi hành án vừa cập nhật cơ sở dữ lệu của ngành mình và vừa thông báo đến CATP.HCM không cần chờ đến lúc hỏi mới cung cấp.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu kết thúc buổi khảo sát ghi nhận các kiến nghị của các cơ quan có liên quan về sửa đổi một số quy định của Luật LLTP tạo điều kiện cho các cơ quan hoạt động hiệu quả hơn.