Sáng 2-6, sau hơn một ngày xét xử, TAND tỉnh Bắc Ninh đã tuyên án đối với Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “sâm") cùng chín đồng phạm về các tội danh cưỡng đoạt tài sản và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Số tiền cưỡng đoạt “thụt lùi” dần
Đây là vụ án từng gây chấn động dư luận với số bị hại lên tới hàng chục người. Theo cáo trạng truy tố, từ tháng 6-2012 đến 5-2014, Minh “sâm” cùng đồng bọn đã cưỡng đoạt hơn 184 triệu đồng của 12 bị hại. Tuy nhiên, tại phiên xử hôm nay, toàn bộ bị hại đều vắng mặt.
Tại phần tuyên án, ông Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, chủ tọa phiên tòa cho biết các bị hại trong vụ án đều cho rằng việc nộp phí mà công ty của Minh “sâm” đặt ra là không hợp lý, song vì sợ ảnh hưởng đến công việc làm ăn, sợ Minh "sâm" nên đã tự nguyện nộp tiền. Quá trình điều tra, một số người không chứng minh được việc bị ép buộc nộp phí, nếu sau này chứng minh được thì sẽ xử lý ở một vụ án khác.
Xét lời khai của các bị cáo tại CQĐT cũng như quá trình tranh luận tại tòa, HĐXX cho rằng có đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội cưỡng đoạt tài sản và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Minh "sâm" (ở giữa) cùng con gái và con rể tại tòa.
Tuy nhiên, xem xét toàn diện hồ sơ vụ án, HĐXX nhận thấy số tiền các bị cáo cưỡng đoạt trong kết luận điều tra của CQĐT Bộ Công an và cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Bắc Ninh có sự khác nhau. Theo đó cơ quan công an kết luận số tiền này là hơn 459 triệu đồng, còn VKSND tỉnh Bắc Ninh xác định là hơn 184 triệu đồng.
Tòa cho rằng căn cứ tài liệu, kết luận của CQĐT Bộ Công an là không thỏa đáng vì chỉ căn cứ vào phiếu thu tiền mà không lấy lời khai của người bị thu để xác định số tiền đó là tự nguyện hay bị đe dọa, điều này đã gây bất lợi cho các bị cáo.
Tiếp đó, VKSND tỉnh Bắc Ninh kết hợp với điều tra viên CQĐT Bộ Công an tiếp tục điều tra thì một số người liên quan không xác nhận việc bị chiếm đoạt mà chỉ là nợ nần hoặc không cung cấp được thông tin đã nộp bao nhiêu,... Ngoài ra, trong giai đoạn xét xử, một số người có đơn không thừa nhận là bị hại vì tự nguyện nộp, thậm chí cho đó là để đảm bảo an toàn cho tài sản của mình.
Với những cơ sở trên, tòa cho rằng cáo trạng quy kết các bị cáo cưỡng đoạt hơn 184 triệu đồng cũng là không hợp lý, bởi cần trừ đi số tiền của những người tự nguyện, không thừa nhận bị ép nộp phí.
Theo đó, số tiền các bị cáo cưỡng đoạt chính thức là hơn 117 triệu đồng từ chín bị hại (thay vì hơn 184 triệu của 12 bị hại trong cáo trạng). Riêng bị cáo Hằng (con gái Minh “sâm”), việc quy kết Hằng đã giúp Minh cưỡng đoạt tài sản của 11 bị hại là bất lợi cho bị cáo, cần trừ đi ba bị hại đã rút đơn, do đó không thể áp dụng thêm điểm d mà chỉ áp dụng điểm a Điều 135 BLHS.
Thu phí vì để hồi vốn, cần xem xét
HĐXX cũng nhận định hành vi của các bị cáo đã gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tài sản của người khác, gây dư luận xấu,... nên cần xử lý nghiêm. Xét về vai trò, Minh “sâm” là người có vai trò chính, đã chỉ huy, phân công các bị cáo khác đứng ra thu phí. Mặc dù không có tài liệu chứng minh Minh đã chỉ đạo đe dọa, cưỡng ép các chủ xe nhưng thủ đoạn tự ý thu phí khi chưa được cấp phép, không phát thẻ ra vào chợ nếu không nộp phí,... đã gây khó khăn cho các chủ gỗ. Đây là thủ đoạn khiến một phần nào các chủ gỗ bị ép buộc mặc dù họ không muốn đóng.
HĐXX tuyên án đối với Minh "sâm" cùng đồng phạm.
Trong vụ án này, công ty của Minh “sâm” xây dựng hai khu chợ Phù Khê Thượng và Phù Khê là hợp pháp, con đường Nguyễn Văn Cừ xây dựng theo hình thức đối ứng cùng là có thật. Hành vi tự ý thu phí là ý thức coi thường chứ không phải nhận thức pháp luật kém như bị cáo (Minh “sâm” - PV) nói.
Tuy nhiên, xét về động cơ, mục đích, bị cáo thu phí với mong muốn thu hồi vốn nhanh, không có mục đích khác nên cần xem xét. Qua toàn bộ hồ sơ và quá trình thẩm vấn, không có chứng cứ chứng minh bị cáo đã chỉ đạo nhân viên đe dọa các chủ xe gỗ. Một số nhân viên có hành vi này là nằm ngoài sự chỉ đạo của bị cáo.
Xét về nhân thân, mặc dù bị cáo đã phạm tội nhiều lần nhưng đã được xóa án tích, coi như chưa bị kết án, do đó không nên đánh giá bị cáo có nhân thân xấu. Ngoài ra, bị cáo đã khai báo thành khẩn, tự nguyện nộp số tiền trong vụ án, có nhiều công lao với địa phương, nhiều lần nhận bằng khen..., cần coi đây là các tình tiết giảm nhẹ đặc biệt.
Đối với các bị cáo khác, tuy mức độ giúp sức và thực hiện hành vi phạm tội có khác nhau, song đều thực hiện tích cực theo chỉ đạo của Minh, thậm chí là thực hiện quá sự chỉ đạo, nên cần có biện pháp cách ly khỏi xã hội. Tuy nhiên, các bị cáo này chỉ là người làm theo, không tiền án tiền sự, đã nộp lại số tiền chiếm đoạt được,... nên cũng cần xem xét.
Vì những lẽ trên, tòa tuyên Nguyễn Ngọc Minh 24 tháng tù, các bị cáo còn lại từ 15 tháng tù treo đến 18 tháng 13 ngày tù giam, cùng về tội cưỡng đoạt tài sản. Riêng bị cáo Quách Văn Lộc bị phạt 18 tháng sáu ngày tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Nguyễn Ngọc Minh, 56 tuổi, hiện trú tại phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, là giám đốc Công ty TNHH Đại An. Năm 1977 bị TAND huyện Tiên Sơn, Hà Bắc xử phạt hai năm về tội trộm cắp tài sản; Năm 1978, bị TAND tỉnh Hà Bắc xử phạt ba năm sáu tháng tù về tội trộm cắp tài sản; Năm 1983, bị TAND Tối cao tại Hà Nội xử phạt năm năm tù về tội cướp tài sản và ba năm tù về tội trộm cắp tài sản, tổng hợp hình phạt là tám năm tù. |