Mùa hè thời tiết khắc nghiệt nhất trong bốn mùa nhưng mùa hè cũng là mùa rực rỡ và tươi đẹp (theo cách nói của những văn nghệ sĩ) nên có rất nhiều tranh ảnh, thơ văn diễn tả mùa hè. Đặc biệt, âm nhạc viết về mùa hè rất phong phú về ca từ, đa dạng về thể loại, đã làm say mê hàng triệu sinh viên, học sinh.
Mùa hè dành cho mọi người chớ không riêng gì những ai còn cắp sách đến trường. Đó là kỳ nghỉ hè của một năm, dài ngắn tùy theo tập tục của mỗi đất nước và hoàn cảnh của mỗi người... Người Sài Gòn bỗng một ngày nào đó thấy học trò chộn rộn kỳ thi cuối cấp, các trường đại học chuẩn bị tuyển sinh, phượng Sài Gòn lác đác trổ hoa, trời hầm hập nóng và những cơn mưa thình lình không kịp tháo giày, mặc áo mưa... thì biết hè về!
“Trời hồng hồng sáng trong trong ngàn phượng rung nắng ngoài song...”, đó là nhạc phẩm Hè về của Hùng Lân, chúng tôi hát rùm trời. Thời ấy, đi học sao nó... nhẹ tênh (cả sách vở và tâm hồn!). Mỗi năm đến hè lòng chúng tôi man mác buồn vì phải xa thầy cô, xa bạn bè... và nhất là phải xa những thằng có máu văn nghệ ca hay, đờn giỏi. Ngày ấy, lũ học trò chúng tôi cũng phá “thầy chạy” nhưng “phá có văn hóa!”. Đứa nào bị kỷ luật, thầy giám thị cho đi cấm túc, Chủ nhật đến trường làm cỏ và dọn vệ sinh, vậy mà nó vẫn nhe răng ra cười! Ba tháng hè không gặp chúng là thấy nhớ và... nhớ những mối tình nho nhỏ ở đầu bàn, cuối lớp!
Người Sài Gòn bỗng một ngày nào đó thấy học trò chộn rộn kỳ thi cuối cấp, phượng Sài Gòn lác đác trổ hoa... thì biết hè về!
Hơn nửa thế kỷ qua, bạn học cũ thời chúng tôi cũng đã đi được... hai phần ba cuộc đời (còn một phần nữa đâu có là bao!). Mỗi người một ngả, nếu có dịp ngồi lại với nhau thì ôi thôi đủ thứ những câu chuyện trên trời, dưới đất của thời học sinh ngày ấy tranh nhau mà kể, mà cười đến chảy nước mắt. Nào là... trong giờ thi văn của năm cuối cấp, có thằng hỏi cô: “Trải vách quế gió vàng hiu hắt, mảnh vũ y lạnh ngắt như”… chỗ này nó quên nên nó hỏi cô: Lạnh ngắt như cái gì hở cô?! (Cung oán ngâm khúc). Cả lớp cười rần rần! Hoặc có thằng vì dốt văn hay muốn chọc cô giáo mà nói rằng: “Ngồi buồn mà trách ông xanh, khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười” (Nguyễn Công Trứ). Sao giống thơ Bút Tre quá hở cô?! Rồi những thằng có máu “lãng mạn” (học thì dở nhưng tán các bạn nữ là số một!) chuẩn bị sẵn cuốn sổ để viết lưu bút, năn nỉ những con nhỏ vốn hay “làm le” (hồi ấy chưa có từ chảnh) viết giùm vài câu để mai mốt khoe với bạn bè... “Ngày đôi ta quen nhau tuổi còn thơ, đi học chung cùng giờ...” (nhạc Kỷ niệm nào buồn của Hoài An), một thời vàng son và đẹp đẽ mà mỗi lần nhắc lại đứa nào cũng rơm rớm nước mắt, bồi hồi, tiếc nuối, thời oanh liệt nay còn đâu!... “Rồi chiều nay hè trở về đây, phượng thắm ơi, phượng thắm rơi đầy, lại cách xa nhau chín mươi ngày...” (Mùa chia tay của Duy Khánh). Mấy mươi năm qua chớ ít ỏi gì, vậy mà mỗi khi có dịp nghe lại những ca khúc viết về mùa hè từ thế kỷ trước, lòng tôi vẫn thấy mình rạo rực như cái thuở mười chín đôi mươi. Ba tháng hè chúng tôi “dẹp sách vở qua một bên” (thường thì gia đình cho chơi thả cửa), rủ nhau câu cá, thả diều, đá banh, nếu có điều kiện thì lên núi, xuống biển... Vậy mà khi tựu trường vào năm học mới, đứa nào làm bài cũng được thầy cô khen... Good... Bon... thế mới là lạ!
Bây giờ, mỗi năm đến hè học sinh làm gì? Phải chăng học sinh bây giờ mỗi năm đến hè lòng cũng “man mác buồn” nhưng cái buồn không giống chúng tôi, buồn vì phải học hè! Ôi, nếu thế thì còn đâu là kỳ nghỉ hè đúng nghĩa dành cho học sinh, tiếc nhỉ!