Hệ sinh thái của Shark Thủy chính thức đề nghị đổi nợ lấy đất

(PLO)- Egroup, một đầu mối trong hệ sinh thái của Shark Thủy đã chính thức công bố phương án đổi nợ lấy đất. Nhà đầu tư vừa hi vọng, vừa hoài nghi.

Cả trăm nhà đầu tư đã đến tham dự hội nghị tái cấu trúc nợ bằng bất động sản (BĐS) sáng 22-2, do Egroup – công ty mẹ của Apax Holdings tổ chức, với hy vọng tìm được cơ hội thu hồi khoản vốn đã hùn vào hệ sinh thái gắn với cái tên Nguyễn Ngọc Thủy, hay Shark Thủy.

Phó Tổng giám đốc thường trực của Egroup, bà Đinh Thị Phương Thêu thông tin chính thức về phương án tái cơ cấu nợ bằng bất động sản với các nhà đầu tư.

Bất động sản đồng giá

Tại hội nghị, bà Đinh Thị Phương Thêu, Phó Tổng giám đốc thường trực của Egroup cho biết doanh nghiệp đang tập trung hai mảng công việc lớn là tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và tái cấu trúc nợ.

Đối với tái cấu trúc nợ, bà Thêu cho hay ban lãnh đạo đã làm việc với hai đối tác, qua đó chọn ra hai dự án BĐS với nhiều loại sản phẩm đủ điều kiện để đề xuất với các nhà đầu tư phương án đổi nợ lấy đất.

Phương án mà bà Thêu chính thức đưa ra cơ bản như tin rò rỉ mà các hội nhóm nhà đầu tư thảo luận rôm rả mấy ngày qua.

Theo đó, một dự án tại Thanh Hóa, chủ đầu tư là Công ty Đại Nam Á, đang có 75 lô đất, diện tích từ 100–194m2, giá bán đổ đồng là 300 triệu đồng, nhà đầu tư được gạt nợ 100 triệu đồng, phải vào thêm tiền 200 triệu đồng. Đất có sổ đỏ, gom đủ 10 sổ sang tên luôn.

“Sản phẩm này dành cho nhà đầu tư có dư nợ dưới 1 tỷ đồng tại Egroup và các công ty liên quan. Đã có một nhóm về xem thực địa, chốt 10 lô, chỉ còn lại 65 lô. Giá đổ đồng, ai vào sớm được lựa chọn những lô có diện tích lớn, có lợi hơn” – bà Thêu thông báo.

Một món tài sản khác là là 27 căn biệt thự nghỉ dưỡng thuộc dự án Wynham Sky Lake Resort & Villas tại Chương Mỹ, Hà Nội. Số BĐS này gắn với dự án có sân golf 36 lỗ liền kề, được giới thiệu là đẹp top ba Việt Nam, cách trung tâm Hà Nội một giờ xe.

Theo đại diện Egroup, nhà đầu tư được gạt nợ 6 tỷ đồng, vào thêm 6,5 tỷ đồng hoặc hơn tùy giá trị từng căn, và áp dụng cho các nhà đầu tư có dư nợ từ 1 tỷ đồng trở lên.

“Đã có khách chốt 6 căn, nhà đầu tư mua biệt thự nghỉ dưỡng có thể tự vận hành hoặc ủy thác cho chủ đầu tư vận hành với tỷ lệ lợi nhuận chia đôi. Đất 50 năm, khi hết thời hạn, chủ đầu tư sẽ xin gia hạn, nhà đầu tư không phải chịu chi phí gia hạn đất” – bà Thêu thông tin.

Tổng giá trị các tài sản nhà, đất mà Egroup giới thiệu ngày 22-2 để tái cơ cấu nợ xem ra chỉ tương đương một phần nhỏ tổng số vốn mà hệ sinh thái này đã huy động từ dân cư.

Nhà đầu tư sẵn sàng cắt lỗ

Các thông tin Egroup phát ra tại hội nghị có phần tương đồng với các trao đổi trên mạng xã hội của hội nhóm nhà đầu tư của Egroup. Theo đó, có người đã chốt lấy biệt thự nghỉ dưỡng và đang tìm khách bán lại, chấp nhận lỗ một phần.

Một số ý kiến cho rằng lỗ là không tránh khỏi, chuyển vốn góp thành BĐS rồi bán cắt lỗ, thu hồi một phần vốn “đi làm việc khác còn hơn”.

PLO trao đổi với một số nhà đầu tư tham dự hội nghị thì họ đều nói không còn khả năng để vào thêm tiền. Chị H, một người đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng vào Egroup cho biết chị còn vài trăm triệu dự phòng cuộc sống, không thể đổ nốt vào cuộc chơi này.

Trường hợp của chị là tham gia góp vốn dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư, trong đó có một số hợp đồng đến hạn cần phải tái ký, công ty đề nghị giãn thời hạn trả nợ. Dù hy vọng công ty phục hồi trả được nợ cho nhà đầu tư nhưng chị H cũng thừa nhận đây là chuyện xa vời.

Kêu gọi đồng lòng, cùng doanh nghiệp vượt khó

Tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc Egroup Đinh Thị Phương Thêu kêu gọi các nhà đầu tư đồng lòng cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bà cho biết, tuần trước có một đơn vị chấp nhận rót vốn 50 tỉ đồng nhưng lại đúng lúc nhiều nhà đầu tư, phụ huynh tụ tập phản đối nên đối tác “quay xe”.

Apax Holdings đã công bố kế hoạch tái cấu trúc hệ thống Anh ngữ Apax Leaders, mong muốn triển khai từ 11-2022 và dự kiến cơ bản xong trong quý 1-2023 với mục tiêu đến tháng 3, sẽ có 38 trung tâm tái khai trương ở Việt Nam, đến tháng 5, APAX Leaders sẽ mở thêm 16 trung tâm…

Để tái cấu trúc cần có vốn, bà Thêu cho biết hiện Ban lãnh đạo đang tiếp xúc với 3 quỹ đầu tư của Singapore, Malaysia và Mỹ, “biết là nhà đầu tư đang khó khăn và tập đoàn đang nỗ lực, mong mọi người hỗ trợ”.

Nhìn chung, diễn tiến hội nghị tái cấu trúc nợ bằng BĐS này, nhiều nhà đầu tư vẫn bức xúc, yêu cầu Shark Thủy ra mặt, giải trình về dòng tiền, vốn huy động đã dùng làm gì… Về việc này, Phó Tổng giám đốc Egroup khẳng định vốn huy động đã sử dụng đúng mục đích.

Phương án xử lý nợ dù là dưới hình thức trái phiếu, như dự thảo sửa Nghị định 65, hay các hình thức khác như hợp đồng hợp tác kinh doanh, bằng hoán đổi tài sản đang được hi vọng là lối thoát cho một bộ phận nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp tạm thời giãn nợ.

Tuy nhiên, quan trọng nhất, doanh nghiệp vẫn phải đánh giá lại hiệu quả hoạt động, có phương án tái cấu trúc, phục hồi sản xuất kinh doanh mới có thể tồn tại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới