Bàn luận sôi nổi về đổi nợ lấy nhà, đất

(PLO)- Một hội nghị về tái cấu trúc nợ bằng bất động sản, do doanh nghiệp phát hành trái phiếu tổ chức, vừa khai mạc sáng nay đang gợi mở hướng tháo gỡ bế tắc thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thanh toán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bằng tài sản thay vì bằng tiền mặt là đề xuất của Bộ Tài chính trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ.

Tranh luận sôi nổi về đổi nợ lấy đất

Trong lúc Chính phủ đang xem xét, quyết định thì trên thị trường, giải pháp này đã được doanh nghiệp và các trái chủ bàn luận sôi nổi. Hội nghị tái cấu trúc nợ bằng bất động sản (BĐS) do Egroup tổ chức, vừa khai mạc sáng nay, 22-2, tại Hà Nội là ví dụ sinh động.

Chủ nợ, người góp vốn, đóng trước tiền cho hệ thống Apax đang tìm kiếm một giải pháp hoán đổi, hài hòa lợi ích đôi bên.

Chủ nợ, người góp vốn, đóng trước tiền cho hệ thống Apax đang tìm kiếm một giải pháp hoán đổi, hài hòa lợi ích đôi bên.

Egroup là công ty mẹ của Apax Holdings, nằm trong hệ sinh thái gắn với cái tên Nguyễn Ngọc Thủy, hay Shark Thủy, gồm nhiều doanh nghiệp hoạt động đa ngành, cả giáo dục, cả BĐS. Hệ sinh thái này từng huy động vốn quy mô lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng dưới nhiều hình thức như TPDN, hợp đồng hợp tác đầu tư…

Gần đây, nhóm doanh nghiệp này gặp khó khăn về dòng tiền và đối mặt với các khoản nợ quá hạn. Một số trung tâm tiếng Anh gắn thương hiệu Apax Leaders không thể hoạt động. Nhiều chủ nợ, trái chủ bức xúc đòi có phương án giải quyết lợi ích.

Trên mạng xã hội, mấy ngày nay, các nhóm nhà đầu tư trong hệ sinh thái Apax Holdings đang xôn xao về thông tin rò rỉ, rằng tập đoàn này cùng công ty mẹ Egroup đang lên phương án hoán đổi các khoản đầu tư của mình tại các doanh nghiệp BĐS để lấy các sản phẩm BĐS cụ thể.

Theo các thành viên hội nhóm nhà đầu tư, khi họ đến trụ sở Apax Holdings thì được thông tin về phương án đổi nợ lấy đất. Nguồn tài sản là từ kết quả hoán đổi nêu trên...

Thảo luận ở các hội nhóm về chủ đề này phần nào cho thấy phản ứng của thị trường với đề xuất chính sách sửa đổi Nghị định 65. Chẳng hạn, một số nhà đầu tư cho rằng việc hoán đổi nợ thành BĐS là một lối thoát, dù phải bỏ thêm tiền nhưng vẫn chắc ăn hơn cầm tờ giấy nợ như mớ TPDN.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lo ngại về khía cạnh pháp lý, về vị trí dự án, rồi khả năng sinh lời, khả năng thanh khoản và mức giá để hoán đổi. Có người cẩn thận bình luận là phải đến tận nơi có dự án để xem xét và tìm hiểu, bởi nếu chỉ là đất 50 năm thì giá trị khác với đất ở, trong quy hoạch, sử dụng lâu dài…

Một số khác lo ngại mức giá hoán đổi có phải là một dạng “đu đỉnh”, khi mà từng trải qua thời “đu coi, đu cổ”, giờ họ không muốn sa lầy “đu đất”. Chưa kể, không phải nhà đầu tư nào cũng dư giả tiền mặt lúc này để rót thêm vào mô hình hợp tác mới: thanh toán TPDN bằng tài sản thay vì tiền mặt.

Những tiếp xúc, trao đổi công khai giữa nhà đầu tư, trái chủ với doanh nghiệp phát hành trái phiếu như thế này có thể mở ra những cơ hội tháo gỡ bế tắc cho thị trường TPDN.

Những tiếp xúc, trao đổi công khai giữa nhà đầu tư, trái chủ với doanh nghiệp phát hành trái phiếu như thế này có thể mở ra những cơ hội tháo gỡ bế tắc cho thị trường TPDN.

Cùng chung tay gỡ khó

Hiện Egroup cũng như Apax Holdings chưa công bố thông tin chính thức về các phương án hoán đổi này. Và xem ra, nhà đầu tư, các trái chủ, những người đang gửi niềm tin vào Shark Thủy chỉ có thể biết thông tin chi tiết hơn sau khi hội nghị sáng nay kết thúc.

Tuy nhiên, đây có thể là hướng giải quyết các khoản nợ trong bối cảnh mất thanh khoản được nhiều doanh nghiệp tính đến. Chẳng hạn như CTCP Tập đoàn Alpha Seven đã đàm phán thanh toán gốc trái phiếu bằng cổ phần, Tập đoàn Novaland đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng sản phẩm BĐS.

Trở lại với dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 65 về phát hành TPDN riêng lẻ, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều nguyên tắc, yêu cầu, ràng buộc, tạo khuôn khổ pháp lý để doanh nghiệp đang khó khăn thanh khoản trái phiếu có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản.

Theo đó, các thỏa thuận này phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan đến tài sản được đưa ra thanh toán TPDN. Doanh nghiệp phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Giải pháp phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; trường hợp người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu đến hạn theo phương án đã cam kết khi phát hành.

Sự quan tâm thảo luận của các nhà đầu tư cho thấy đây sẽ là cơ sở pháp lý mở thêm không gian vận hành cho thị trường trong lúc đang gặp nhiều tắc nghẽn, để các doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng giải quyết câu chuyện thanh khoản trái phiếu.

Bởi như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cuối tuần trước: Cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp cần cùng gỡ khó khăn cho bất động sản để cùng phát triển chứ “không ai giải cứu cho ai”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm