Sửa Nghị định 65, gia hạn trái phiếu và bài toán niềm tin

(PLO)- Chính phủ đang gấp rút sửa đổi Nghị định 65 với hi vọng sẽ tác động tích cực thị trường trái phiếu ở thời điểm khó khăn này. Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn là niềm tin của nhà đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay, 13-2, tin từ Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp - cơ quan gác cổng công tác xây dựng pháp luật cho hay việc nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế đã hoàn tất khâu thẩm định, bước vào thủ tục trình Chính phủ xem xét, thông qua.

Việc mở cánh cửa phát hành trái phiếu được xem là trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đang khát vốn. Ảnh: TL
Việc mở cánh cửa phát hành trái phiếu được xem là trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đang khát vốn. Ảnh: TL

Chưa vội siết chặt

Thông tin mà PLO tiếp cận được là Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì nhiệm vụ lập pháp này - nghiêng về phương án lùi 1 năm thời hạn thực hiện 2 quy định về: (1) Xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; và (2) Bắt buộc xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Như thế, hiệu lực các quy định có tính chất siết chặt kỷ luật thị trường của Nghị định 65 được lùi đến 1-1-2024, thay vì mốc 1-1-2023 vốn đã trôi qua.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Các đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh thị trường TPDN gặp khó khăn kéo dài kể từ khi xảy ra vụ án tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh (tháng 5-2022) và sau đó là vụ án Vạn Thịnh Phát (tháng 10-2022).

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2023 sẽ có khoảng 285.178 tỷ đồng TPDN cần đáo hạn, trong khi đó, việc phát hành trái phiếu mới đang rất khó khăn. Minh chứng là không có lô trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong tháng 1-2023.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp chịu áp lực trả nợ và phải thông báo chậm thanh toán trái phiếu đến hạn, tiến hành đàm phán bán tài sản sản trả nợ, đề xuất giãn thời hạn thực hiện các quy định trên đây đang phát đi tín hiệu tích cực về mặt chính sách.

Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản hẳn đang rất mong chờ, bởi đây là khối có tỷ lệ phát hành trái phiếu cao. Trong năm 2022, nhóm doanh nghiệp bất động sản đã phát hành giá trị trái phiếu đạt 51,979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4% tổng giá trị phát hành toàn thị trường.

Thời hạn trả nợ TPDN được giãn ra sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực thanh khoản, tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ trong bối cảnh thị trường tiền tệ thắt chặt, phát hành trái phiếu mới và hoạt động sản xuất kinh doanh đều khó khăn. Chưa kể, việc cho phép các khoản nợ có thể xử lý thông qua dàn xếp bổ sung tài sản thế chấp, hoán đổi các tài sản có giá trị hơn… sẽ mở đường cho doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội tái cơ cấu nguồn vốn để tiếp tục hoạt động.

Bài toán niềm tin

Đề xuất sửa đổi chính Nghị định mà mình mới chủ trì, tham mưu Chính phủ ban hành hồi tháng 9-2022, Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định các nội dung mới trong Nghị định 65 là đúng đắn, nhất là trong trung, dài hạn. Điều này cũng được giới chuyên gia đồng tình, khi thực tế cho thấy khuôn khổ pháp lý trước đó cho lĩnh vực TPDN là còn lỏng lẻo.

Đánh giá mới nhất của Bộ Tài chính nhìn nhận một phần nguyên nhân dẫn đến khó khăn trên thị trường TPDN là do sai phạm của một số doanh nghiệp khi bị cơ quan điều tra phát hiện và một số thông tin không chính thống, thất thiệt đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.

Bản chất của sự mất niềm tin chính là thiệt hại nặng nề của một bộ phần nhà đầu tư nắm giữ TPDN trong thời gian vừa qua. Những rủi ro nhà đầu tư gặp phải đã khiến cho dòng tiền không dám chảy vào kênh huy động vốn này. Vậy nên, để nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền trở lại thì họ phải nhìn thấy khả năng sinh lời và sự an toàn cho đồng vốn.

Về lý thuyết, điều chỉnh lộ trình áp dụng một số quy định như trên giúp doanh nghiệp có cơ hội cơ cấu lại nguồn vốn, cân đối dòng tiền và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi doanh nghiệp đã phục hồi, có lợi nhuận, có khả năng trả nợ và đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí phát hành mới, thị trường sẽ bắt sóng tiềm năng và nhà đầu tư sẽ mở hầu bao đầu tư trở lại vào trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những chuyển biến này đòi hỏi thời gian, bởi ít nhất hiệu quả chính sách luôn có độ trễ của nó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm