Trong khi các ngân hàng (NH) thừa vốn và rất muốn tìm doanh nghiệp (DN) để giải ngân, thì vẫn còn có nhiều DN “đỏ mắt” cũng không tiếp cận được vốn vay NH.
Để tìm ra những vướng mắc để có hướng giải quyết nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả NH và DN, chiều 19-10 NHNN phối hợp với VCCI tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả chương trình Kết nối NH – DN 2017".
Trong hơn 5 năm qua, từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng– Doanh nghiệp từ tháng 7/2012 đến nay, Chương trình đã giải ngân cho vay 44.183 khách hàng với số tiền lên đến 761.805 tỷ đồng. Bình quân cho vay mỗi năm đạt trên 126.000 tỷ đồng.
Đừng tưởng cứ đại gia là “ngon ăn”
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Mối quan hệ tín dụng- khách hàng trước đây thường phát triển theo hướng một chiều: Doanh nghiệp đi “cầu cạnh” ngân hàng. Nhưng hiện tại, NH đã đi tìm doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp gỡ những nút thắt”.
“Chương trình kết nối “Ngân hàng và Doanh nghiệp” đã thực sự hoạt động có hiệu quả và có ý nghĩa rất thiết thực đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên nhịp cầu kết nối Nh-DN, vẫn còn những trường hợp, những nút thắt, những vấn đề liên quan đến nhu cầu vốn của DN vẫn chưa được giải quyết” - vị Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đề cập đến mối quan hệ cộng sinh giữa NH và DN, chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: “Kết nối giữa NH với DN là việc sống còn đối với nền kinh tế, bởi 80% vốn của nền kinh tế dựa vào vốn vay ngân hàng và 80% sức sống của ngân hàng là dựa vào cho vay trong đó chủ yếu là cho vay DN. Do đó, ngân hàng và DN là mối quan hệ cộng sinh, là quyền lợi của cả đôi bên”.
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng
Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhìn nhận rằng đã tới lúc, các ngân hàng cần đặt niềm tin nhiều hơn vào các DN.
“Giai đoạn hiện nay, đã qua rồi cái thời “nhìn mặt” cho vay, đừng tưởng cứ đại gia dễ dàng vay vốn thì sẽ sử dụng hiệu quả đồng vốn ngân hàng” – ông Lịch nói.
Nhìn trực diện vào những khó khăn khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay NH, ông Nguyễn Phước Hưng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN TP HCM cho rằng: Điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu vốn, khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.
“Vấn đề này tồn tại đã khá lâu, trong đó có 3 khó khăn chính là thiếu tài sản đảm bảo, tài sản được định giá không đúng; uy tín và trách nhiệm trả nợ chưa cao; thời gian kinh doanh chưa dài”.
Để đừng xa nhau
Những thành quả đạt được từ chương trình Kết nối giữa NH-DN trong 5 năm qua là vô cùng tích cực, DN và NH đã gần nhau hơn. Tuy nhiên, để gắn kết hơn nữa mối quan hệ này theo ông Hiếu, DN cần làm tốt ba tiêu chí: DN phải có phương án kinh doanh khả thi; DN phải có sức khỏe tài chính; DN phải có tài sản thế chấp. Nếu không có tài sản thế chấp thì ngân hàng phải tìm cách cho vay tín chấp.
“Điều đáng nói là, hiện nay, rất nhiều DN không có phương án kinh doanh tốt. Nhiều DN khi trình ra bộ hồ sơ vẽ lên bức tranh kinh doanh tuyệt đẹp dài hàng chục trang nhưng không thực tế. Thậm chí, phần lớn báo cáo kinh doanh của DN không được kiểm toán. Sự cách biệt giữa báo cáo thuế và báo cáo DN là dấu hiệu cho thấy sổ sách không minh bạch.
Đây là vấn đề các DN nhỏ và vừa không có tài sản thế chấp và các ngân hàng phải tìm cách này cách kia để cho vay tín chấp, dẫn tới những hệ lụy về nợ xấu về sau” – ông Hiếu chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lịch lại cho rằng: Khi lãi suất đã giảm dần, tỷ giá ổn định, nợ xấu cũng giảm xuống mức thấp nhất thì các ngân hàng cần phải xử lý tốt vấn đề “mỏng vốn” của DN Việt Nam.
Ông Lịch cũng cho rằng vốn cho DN cần phải tách ra hai phần: Vốn chủ sở hữu và vốn đi vay. Hiện nay, chúng ta hay gọi chung là vốn nhưng đa phần là nợ, DN huy động dòng tiền để đầu tư chủ yếu huy động qua ngân hàng thương mại. Trong khi đó, việc huy động qua trái phiếu, cổ phiếu rất yếu.
“Tôi dự đoán trong 10 năm nữa, ngân hàng thương mại vẫn “một mình một chợ” và tình trạng này còn kéo dài” – ông nói.
Thực tế, nhiều DN tiếp cận vốn ngân hàng vẫn còn kêu khó, lãi suất cao dẫn tới hạn chế đầu tư trung và dài hạn. Chính vì thế, để chương trình nâng cao hiệu quả kết nối ngân hàng và DN thực sư đạt kết quả tốt, theo TS Trần Du Lịch cần tập trung vào đối tượng thứ hai - chính là những DN có khả năng mở rộng đầu tư nhưng do ngân hàng chưa yên tâm “chọn mặt gửi vàng” cho vay.
"Do đó, NHNN, chính quyền địa phương phải tháo gỡ khó khăn này cho DN. Có như vậy, chương trình kết nối ngân hàng và DN mới đạt được thành công ở bước cao hơn", ông Lịch nói thêm.
Ngân hàng không còn cửa quyền Tại Hội thảo, TS Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Tất cả các kiến nghị đưa ra đều thiết thực và ban tổ chức sẽ tập hợp để nghiên cứu đầy đủ nhất”. “Điều đáng mừng là qua chương trình kết nối này chúng ta đều cùng chung nhận thức về vấn đề tiếp cận ngân hàng vay vốn không còn khó khăn như trước đây. Ngân hàng không còn là nơi cửa quyền, luôn gây khó dễ cho DN. Đồng thời, nhận rõ mối quan hệ giữa ngân hàng và DN là mối quan hệ cộng sinh, bình đẳng, hai bên cùng có lợi. “Rõ ràng câu chuyện vay vốn hiện nay đã được giải quyết rốt ráo. Mặc dù còn câu chuyện than phiền khó vay vốn từ một vài DN nhưng nhìn chung đã giải quyết được về cơ bản. Trong thời gian tới, chương trình cần có những bước đi tích cực hơn nữa để phù hợp hơn, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, đặc biệt là hỗ trợ DNNVV, DN khởi nghiệp - một trong những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ hiện nay” – Phó Thống đốc nhấn mạnh. |
Đại diện Công ty Dệt Phong Phú (TP HCM) kiến nghị với Bộ Tài chính về việc ngân hàng nên gia hạn thời gian cho vay vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Hiện nay, thời gian khấu hao tài sản là 10- 15 năm, trên thực tế với doanh nghiệp, khi đi vay ngân hàng thường chỉ cho vay 70% và 30% là vốn tự có. Nhưng trong phần vốn vay 70% thì ngân hàng thường khống chế thời gian cho vay 7 năm. Từ đó, gây ra khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian sử dụng đồng vốn để trả nợ cho ngân hàng vì thời gian vay vốn chỉ bằng 1/2 thời gian khấu hao tài sản. |