Hết vaccine thủy đậu

Ngày 9-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết mặc dù chưa phải mùa bệnh thủy đậu nhưng bệnh nhi vẫn nhập viện hằng ngày điều trị căn bệnh này. Đáng lưu ý là cùng thời điểm này ở các năm trước không thấy xuất hiện các ca bệnh này. Trong khi đó, BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho rằng tiêm vaccine để phòng ngừa thủy đậu là hiệu quả nhất. Thế nhưng khảo sát của Pháp Luật TP.HCM cho thấy vaccine ngừa thủy đậu đã hết từ lâu.

Nơi nào cũng hết vaccine

Bồng đứa con gần một tuổi trên tay, chị Hương (TP.HCM) thở dài sau khi đọc thông tin: “Hiện tại Viện Pasteur hết vaccine ngừa thủy đậu. Chúng tôi không rõ thời điểm nào có thuốc trở lại. Quý khách có nhu cầu vui lòng liên hệ các số điện thoại 38207150, 0974975531” được dán trên tường tại Viện Pasteur TP.HCM. Chị Hương lo lắng con mình chưa tiêm ngừa vaccine, không biết có sao không?

Một phụ huynh lo lắng khi đọc thông tin Viện Pasteur TP.HCM hết vaccine thủy đậu. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, phụ huynh cũng nhận được thông báo đã hết vaccine thủy đậu. “Khi con hơn chín tháng, tôi bồng đi chích ngừa vaccine thủy đậu nhưng nơi nào cũng báo hết thuốc. Nay hơn ba tháng rồi mà vaccine ngừa bệnh này cũng chưa có. Không biết chích trễ có sao không” - một phụ huynh bày tỏ.

BV Phụ sản quốc tế Mê Kông, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cũng báo hết vaccine từ lâu!

Chưa biết khi nào có lại vaccine

Theo đại diện các đơn vị có tổ chức tiêm ngừa vaccine thủy đậu, loại vaccine các đơn vị đang dùng là Okavax (của Công ty Sanofi Pasteur) và Varilrix (của Công ty GlaxoSmithKline). Tuy nhiên, từ vài tháng nay, hai loại vaccine này đều đã hết. Các đơn vị liên hệ với công ty cung cấp vaccine thì chỉ nhận được câu trả lời khi nào có thuốc sẽ thông báo.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Võ Thị Phượng, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Sanofi Pasteur tại TP.HCM, cho biết: “Okavax (Pháp) là nhà phân phối vaccine thủy đậu Okavax do BiKen (Nhật Bản) sản xuất. Đầu năm 2013, hợp đồng phân phối giữa Okavax và BiKen đã kết thúc. Do vậy, các doanh nghiệp của Sanofi Pasteur tại Việt Nam không còn nhập khẩu và phân phối vaccine Okavax cho các cơ sở y tế ở Việt Nam. Thực trạng này sẽ kéo dài đến những năm tiếp theo.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tường Vi, đại diện Văn phòng đại diện Công ty GlaxoSmithKline tại Việt Nam, cũng cho biết: “Hiện nay do một số hạn chế về năng lực sản xuất nên GlaxoSmithKline đang gặp khó khăn trong việc cung ứng vaccine này cho một số nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, việc cung ứng vaccine thủy đậu cho các trung tâm tiêm ngừa có thay đổi trong thời gian gần đây.

GlaxoSmithKline sẽ tiếp tục cập nhật tình hình cung ứng vaccine thủy đậu cho các trung tâm tiêm ngừa và đang nỗ lực làm những gì có thể được để cải thiện tình hình nhằm đảm bảo việc quản lý cung ứng vaccine này cho mọi người”.

TRẦN NGỌC

Chưa có kế hoạch nghiên cứu sản xuất vaccine thủy đậu

Chiều 10-1, GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết như trên.

Theo ông Hiển, hiện Việt Nam đã sản xuất được 10 trong tổng số 11 vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. “Trước mắt, chúng tôi đang tập trung vào nghiên cứu sản xuất vaccine bại liệt tiêm thay thế vaccine bại liệt uống. Nghiên cứu sản xuất vaccine 5 trong 1, vaccine 6 trong 1 để thay thế vaccine nhập khẩu từ nước ngoài” - ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, việc sản xuất vaccine phải có lộ trình, thêm vào đó việc nghiên cứu rồi thử nghiệm mất khá nhiều thời gian, vì vậy không thể thực hiện ngay một lúc được.

Ông Hiển cho biết vaccine thủy đậu là vaccine dịch vụ, không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Những vaccine này do các công ty cung ứng vaccine nhập khẩu và phân phối dưới sự cho phép của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cũng cho biết chưa có kế hoạch sản xuất vaccine này trong thời gian tới. Việt Nam vẫn phải nhập vaccine này từ nước ngoài.

HUY HÀ

Để phòng bệnh thủy đậu cần tiêm hai mũi vaccine thủy đậu. Mũi đầu tiêm cho trẻ 12-15 tháng tuổi, mũi hai tiêm bổ sung vào lúc trẻ được 4-6 tuổi. Ngoài ra, vaccine thủy đậu có thể tiêm phòng bệnh cho bất kỳ đối tượng nào trên 12 tháng tuổi. Điều này có nghĩa trẻ lớn và người lớn có thể tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu. Trong trường hợp trẻ đủ 12 tháng tuổi nhưng không có vaccine thủy đậu để tiêm thì phụ huynh cũng chớ lo lắng vì đối tượng tiêm vaccine thủy đậu không giới hạn độ tuổi. Sau 14 ngày tiêm vaccine thủy đậu, kháng thể của vaccine được tạo ra để chống lại bệnh. Gián đoạn giữa hai mũi tiêm vaccine thủy đậu cũng không ảnh hưởng nhiều đến trẻ.

Bệnh thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp. Khi chưa tiêm ngừa vaccine, phụ huynh có thể phòng bệnh cho trẻ bằng cách vệ sinh cá nhân, ăn uống đầy đủ.

BS NGUYỄN ĐẮC THỌ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm