Nguy kịch vì uống thuốc nam của lang y trên mạng
Sáng 27-4, PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội, cho biết BV vừa cứu sống cụ bà 75 tuổi bị ngộ độc thuốc đông y cao viên hạ đường huyết chữa bệnh tiểu đường.
Cụ bà có tiền sử đái tháo đường 15 năm nay, vẫn đi khám và dùng thuốc theo đơn đều đặn của bác sĩ (BS).
Kết quả xét nghiệm viên thuốc hoàn cụ bà 75 tuổi uống có thành phần Phenformin. Ảnh: BSCC |
Tuy nhiên, gần đây cụ nghe theo quảng cáo của các lang y trên mạng rằng thuốc nam điều trị được tận gốc tiểu đường, lại đỡ hại gan, thận nên đã tự ý bỏ thuốc do BS kê, chuyển sang dùng viên hoàn.
Một tháng nay, cụ cảm thấy người mệt hơn, sụt 8 kg, thở nhanh nên được con cháu đưa vào BV. Kết quả làm khí máu cho thấy cụ đang rất nguy kịch, phải lọc máu cấp cứu ngay lập tức.
Nghi ngờ cụ bị ngộ độc Phenformin, BV làm xét nghiệm thuốc cụ đang uống và kết quả là thuốc hoàn này có thành phần Phenformin. May mắn sau 2 ngày lọc máu cụ đã bình phục.
Suy đa tạng, đa thận cũng chỉ vì thuốc nam
Trước đó, vào ngày 20-3-2021, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nam bệnh nhân 63 tuổi (Sóc Sơn, Hà Nội) trong tình trạng tụt huyết áp, suy đa tạng kèm theo suy thận.
Đáng nói, bệnh nhân mắc tiểu đường và huyết áp đã 20 năm nhưng không đi khám, tự mua thuốc tiểu đường dạng bột về nhà uống.
Theo BS Nguyễn Viết Nam - Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết: Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng tụt huyết áp, suy đa tạng kèm theo suy thận. Bệnh nhân còn gặp tình trạng toan chuyển hóa, kích thích rất nặng, mạch rời rạc, nguy cơ ngừng tim.
Các BS đã tiến hành đặt ống nội khí quản, dùng thuốc vận mạch, bù dịch và lọc máu cho bệnh nhân. Sau 3 ngày tiến hành lọc máu may mắn bệnh nhân đã dần bình phục.
Thở máy, lọc máu liên tục do uống thuốc… trời ơi
Tương tự là một bệnh nhân nam, 56 tuổi được điều trị ở BV Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), mắc bệnh đái tháo đường và phải uống thuốc để ổn định đường huyết.
Đầu tháng 10-2020, bệnh nhân nghe nói thuốc tây nhiều tác dụng phụ nên tìm mua thuốc nam về uống. Nhãn gói thuốc ghi do “Lương y Thích Thiện Tín” bào chế, không rõ thành phần, hàm lượng, nơi sản xuất và không có chứng nhận cấp phép. Quảng cáo trên bao bì cho biết thuốc có công dụng điều trị bệnh đái tháo đường và suy thận.
Vài ngày đầu uống thuốc, chỉ số đường huyết giảm, sau đó, bệnh nhân dần mệt mỏi, ăn uống kém. Ngày 25-10-2020, sau hơn 20 ngày bỏ thuốc theo chỉ định của BS và chỉ uống thuốc nam, bệnh nhân rơi vào tình trạng ý thức chậm, huyết áp tụt, thở nhanh sâu, đau bụng... người nhà đưa ông tới BV Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu.
Các chỉ số xét nghiệm đều xấu, có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa (nhiễm acid trong máu) và toan lactic rất nặng, đe dọa ngừng hô hấp, ngừng tim.
Vài ngày đầu, người bệnh phải thở máy và sử dụng thuốc vận mạch để nâng huyết áp, lọc máu liên tục để đào thải chất độc trong cơ thể. Tình trạng nhiễm toan và suy đa tạng cải thiện trong quá trình lọc máu. Sau 2 ngày, ông được bỏ máy thở, rút ống nội khí quản, cắt thuốc vận mạch, dừng lọc máu. Hiện, người bệnh tỉnh táo, tự ăn bằng miệng, hết suy đa tạng.
Hiểm họa khôn lường từ chất cấm Phenformin
Cả ba bệnh nhân nêu trên đều dùng thuốc trị tiểu đường không rõ nguồn gốc, thành phần mua trên mạng hoặc truyền tai.
Các thuốc này sau khi xét nghiệm đều cho kết quả chứa Phenformin một loại thuốc dùng để điều trị đái tháo đường tại Mỹ từ những năm 1950. Nó bị cấm sản xuất lưu hành từ năm 1973 do gây ra hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm acid lactic sau khi dùng thuốc.
Thông thường ngộ độc do Phenformin sẽ gây tỷ lệ tử vong từ 50-60% trở lên. Thuốc này ngoài gây tụt đường huyết còn gây tác dụng phụ toan lactic, suy thận rất nặng. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đánh vào tâm lý thuốc tây y uống lâu dài bị nhiều tác dụng phụ, nhiều người đã trà trộn, mạo danh thuốc đông y để bán ra thị trường.
Theo các BS, tiểu đường là bệnh mạn tính, có thể kiểm soát và hạn chế tối thiểu các biến chứng của nó nếu bệnh nhân được tuân thủ một liệu trình điều trị, theo dõi liên tục, đúng đắn, phối hợp với một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.