Hiện đại hóa giáo dục liêm chính

(PLO)- Hiện đại hóa, phát huy chức năng giáo dục liêm chính ở các thiết chế xã hội khác nhau mới mong xây dựng thành công xã hội liêm chính.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong cuộc sống hàng ngày, “Liêm Chính” với tư cách là một giá trị đạo đức xã hội được hiểu là “trong sạch, chính trực, đàng hoàng”. Người liêm chính là những người không hành xử tư lợi bất chấp sự xâm phạm lợi ích của người khác.

Liêm chính cũng có nghĩa là không bất nhất trong phát ngôn, hay khuất tất trong hành động. Nhờ đó, những cá nhân liêm chính luôn được xã hội tôn trọng và đề cao.

Nguyen Van Dang.jpg
TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: PHI HÙNG

Liêm chính, giá trị nền tảng của khu vực công

Với khu vực Nhà nước, liêm chính có nghĩa là luôn ý thức và hành động dựa trên lợi ích công, tránh xa những hành động tư lợi vị kỷ, có thể xâm phạm lợi ích chung. Cán bộ, nhân viên công quyền đề cao sự liêm chính sẽ luôn phân định ranh giới giữa “việc công và việc tư”; “lợi ích công và lợi ích riêng tư”, nhờ đó tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc hành xử “chí công vô tư”.

Vì thế, trong xã hội hiện đại, liêm chính được coi là một giá trị nền tảng cho sự vận hành của khu vực công.

Khi phẩm chất liêm chính được đề cao, cán bộ và nhân viên công quyền không chỉ có thể tránh xa những hành động vụ lợi thiển cận mà còn dám lên tiếng và hành động để ngăn chặn những ý đồ thủ lợi cho cá nhân, nhóm nhưng lại xâm phạm lợi ích chung. Người liêm chính sẽ không “mũ ni che tai” trước những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Họ không chỉ dám phê phán những biểu hiện tư lợi mà còn có thể hành động để bảo vệ lợi ích chung.

Cũng có nghĩa, nếu giá trị liêm chính không được chuyển hóa thành những khuôn mẫu hành vi phổ biến, chuẩn mực ứng xử trong quan hệ giữa công quyền và công dân thì khu vực công trước hết sẽ đối diện với nguy cơ thất thoát nguồn lực, cùng với đó là các mục tiêu phát triển đất nước sẽ đối diện với nhiều thách thức.

Nghiêm trọng hơn, nếu phẩm chất liêm chính bị thờ ơ, coi nhẹ và những hành xử bất chính, bất liêm xuất hiện tràn lan thì có thể làm suy giảm niềm tin của công dân vào hệ thống công quyền, đặt cả cấu trúc chính trị - xã hội trước những rủi ro, thậm chí rối loạn.

sinh vien du toa dam giao duc liem chinh.jpg
Sinh viên luật dự Tọa đàm “Giáo dục về phòng, chống tham nhũng với yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới” do báo Pháp luật TP.HCM và trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 19-10. Ảnh: PHI HÙNG

Tại Tọa đàm “Giáo dục về phòng, chống tham nhũng với yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới” do báo Pháp luật TP.HCM và trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 19-10, giáo dục liêm chính đã được nhắc tới khi thảo luận về kết quả triển khai Đề án “đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng”.

Cơ sở cho Đề án là Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) đầu tiên, ban hành năm 2005, và Nghị quyết Trung ương 3 khóa X năm 2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác PCTN, lãng phí. Trong đó có yêu cầu đưa nội dung Luật PCTN và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giáo dục. Mở chuyên mục tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này trên các báo, đài.

Có thể thấy, các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong những năm vừa qua nhấn mạnh đến vai trò của nhà trường trong việc giáo dục phẩm chất liêm chính. Nội dung “liêm chính” đã được lồng ghép trong các bài học về giáo dục công dân tại các bậc học phổ thông, đại học, cũng như các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Đáng chú ý, Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội đã trở thành nơi đầu tiên cung cấp chương trình đào tạo Thạc sỹ về quản trị nhà nước và PCTN, trong đó có những học phần về liêm chính khu vực công.

Tuy nhiên, giáo dục liêm chính trong không gian trường học cũng có những giới hạn. Khả năng thẩm thấu kiến thức về “liêm chính” sẽ phụ thuộc vào thời gian học tập, kết cấu chương trình học, cũng như hàm lượng tri thức được chuyển giao cho người học.

Trong khuôn viên trường lớp, người học hẳn không thể thường xuyên, liên tục được dạy và học về liêm chính. Cấu phần nội dung về liêm chính có thể bị lấn át bởi các nội dung học tập khác.

Giáo dục là quá trình tác động giúp đối tượng (người học) có thể tiếp nhận tri thức, kỹ năng để có thể từng bước làm chủ bản thân, thích ứng thành công với các tình huống nảy sinh trong suốt vòng đời.

Theo các nhà xã hội học, giáo dục là hoạt động then chốt nhằm xã hội hóa cá nhân, chuyển hóa cá nhân từ một cá thể sinh học thành một thành viên trong cộng đồng xã hội. Nhờ đó, cá nhân có đủ khả năng để thực hiện các vai trò xã hội khác nhau.

Như vậy, giáo dục không chỉ là trong trường lớp mà có thể diễn ra trong nhiều môi trường khác nhau, đáng chú ý nhất là gia đình, nhà trường, nhóm bạn bè/đồng nghiệp, và truyền thông đại chúng.

Nếu giáo dục gia đình đặc trưng bởi tính cá nhân hóa thì giáo dục nhà trường lại phi cá nhân.

Nếu giáo dục tại môi trường tổ chức (cơ quan, đơn vị, đoàn thể) có tính đặc thù gắn với chức năng, nhiệm vụ thì giáo dục thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng mang tính phổ quát, hướng đến hiện thực hóa các giá trị được số đông thành viên cộng đồng thừa nhận và đề cao.

PCTN_ngoai khoa Binh Dinh2.jpg
Một hoạt động ngoại khóa về nội dung phòng, chống tham nhũng ở bậc học THPT. Ảnh: Trường THPT Trưng Vương, tỉnh Bình Định.

4 không gian vun đắp văn hóa liêm chính

Như vậy, vượt qua giới hạn của giáo dục trường lớp, để từng bước thay đổi nhận thức xã hội về giá trị “liêm chính”, vun đắp văn hóa liêm chính trên quy mô cộng đồng thì tất yếu phải phát huy chức năng giáo dục của các thiết chế xã hội khác nhau.

Thứ nhất, từ trong mỗi gia đình, trẻ em cần được dạy những bài học đơn giản, dễ hiểu về liêm chính.

Thứ hai, mỗi cơ quan, đơn vị cần coi liêm chính là một thành tố của văn hóa tổ chức, như thế cần xây dựng tiêu chí về liêm chính, phổ biến đến mọi thành viên trong tổ chức và coi đó là một yêu cầu để đánh giá, bình xét thi đua hàng năm.

Thứ ba, trên bình diện xã hội, cần phát huy sức mạnh của hệ thống truyền thông đại chúng.

Thứ tư, trên quy mô quốc gia và địa phương, cơ quan nhà nước có thể trao những giải thưởng cho các cá nhân đã nêu gương xuất sắc về sự liêm chính trong thực thi công vụ.

Trong bốn không gian trên, ưu điểm rõ nhất của truyền thông đại chúng, bao gồm truyền thông chính thống và truyền thông xã hội, là các hoạt động mang tính giáo dục có thể thực hiện thường xuyên, liên tục trong thời gian dài. Truyền thông cũng giúp lan tỏa giá trị của những tấm gương liêm chính đã được Nhà nước và xã hội tôn vinh, qua đó truyền cảm hứng tích cực hơn ngàn vạn lời nói.

Nhờ truyền thông, các khía cạnh khác nhau của văn hóa liêm chính ngày càng thấm đẫm, dần đẩy lùi đi những gì tầm thường, đang cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập đến khái niệm “liêm chính” và nhấn mạnh nhu cầu xây dựng “văn hóa liêm chính”.

Hiện đại hóa các phương thức giáo dục liêm chính là một gợi ý để thúc đẩy văn hóa liêm chính, qua đó không chỉ giúp công cuộc PCTN, tiêu cực đi vào chiều sâu, tự nhiên hơn mà còn giúp lành mạnh hóa nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm