Hiến kế cách làm mới để có tiền phát triển 42 công viên dọc sông Sài Gòn

(PLO)- Việc phát triển 42 công viên dọc sông Sài Gòn đặt ra nhiều thách thức về nguồn vốn, quy hoạch nhất là trong bối cảnh ngân sách để đầu tư xây dựng mới công viên công cộng còn hạn hẹp, nhiều dự án công viên vẫn “treo” hàng thập kỉ.

TP.HCM mong muốn hồi sinh những công viên treo hàng chục năm như Đại Thế Giới (quận 5), công viên Văn Hóa Gò Vấp, Saigon Water Park (TP Thủ Đức) và làm thêm 42 công viên dọc sông Sài Gòn. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư các công viên này là một vấn đề lớn.

Đánh thức tiềm năng sông Sài Gòn

Sông Sài Gòn được đánh giá là có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng chưa được khai thác triệt để, đơn cử như chạy dọc theo chiều dài 80km của sông đi qua TP.HCM là số lượng công viên ít ỏi, chỉ đếm trên đầu ngón tay, tập trung ở những nơi sầm uất. Ví dụ như công viên bến Bạch Đằng, công viên bờ sông Sài Gòn, công viên ở khu đô thị dọc sông...

Cuối năm 2023, công viên bờ sông Sài Gòn (đoạn từ đường hầm sông Sài Gòn đến cầu Ba Son, TP Thủ Đức) chính thức đi vào hoạt động. Công viên rộng khoảng 20ha, dài 600m, từng là nơi lau sậy mọc quá đầu người, lối đi trải bằng đất đá này thành nơi khang trang.

Công viên này được đầu tư với tổng vốn khoảng 90 tỉ đồng, hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa. Đến nay, công viên đã trở thành địa điểm tổ chức nhiều sự kiện lớn, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân, du khách không chỉ dịp Lễ, Tết mà còn là điểm check-in, vui chơi mỗi ngày.

Hay công viên bến Bạch Đằng từ lâu được biết đến như một “biểu tượng xanh" giữa trung tâm quận 1. Công viên với chiều dài 1,3 km, rộng 23.400m2, nằm dọc theo trục đường Tôn Đức Thắng (quận 1) hướng ra sông Sài Gòn mỗi ngày thu hút đông đảo người dân, du khách đến vui chơi, giải trí.

Công viên dọc sông Sài Gòn còn hạn chế. Ảnh: THUẬN VĂN

Bên cạnh 2 công viên đã hình thành 2 bên bờ sông Sài Gòn, mới đây, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức đề xuất UBND TP Thủ Đức xây dựng công viên Sáng Tạo (đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm) để tạo điểm nhấn và định hình nên nét văn hóa đặc trưng riêng cho khu vực và TP Thủ Đức. Công viên dọc sông Sài Gòn này dự kiến cũng được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa.

Với sự thành công của các công viên dọc sông Sài Gòn, mới đây, UBND TP.HCM đã có báo cáo và định hướng về Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045, trong đó nêu TP.HCM sẽ có 42 công viên cây xanh được xây dựng ở các vị trí ven sông Sài Gòn.

Điều này tạo hạ tầng đa chức năng, phát huy vai trò, tiềm năng của sông Sài Gòn trong phát triển kinh tế dịch vụ, tăng cường chất lượng cảnh quan dọc hành lang sông và đa dạng sinh học.

TP sẽ định hướng triển khai lập các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xanh (công viên, kè bảo vệ bờ sông và bến thủy nội địa) theo nguyên tắc phân kỳ, phân đoạn, phân vùng không gian, gắn với các dự án giao thông hạ tầng đô thị.

Một trong những điều thuận lợi là TP.HCM tập trung xem xét chuyển quỹ đất thuộc hành lang bờ sông từ 30 - 50m (nếu có phương án tổ chức không gian và sử dụng đất linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng khu vực phát triển quỹ đất dọc sông) sang đất dịch vụ, thương mại, du lịch để tạo nguồn lực đáng kể để tổ chức thực hiện quy hoạch và khai thác có hiệu quả cảnh quan, môi trường dọc sông Sài Gòn.

Nhu cầu sử dụng công viên dọc sông Sài Gòn của người dân rất lớn. Ảnh: N.N

Từ đây sẽ tạo cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn để triển khai đầu tư khai thác hiệu quả, gia tăng khả năng tiếp cận, khai thác, hưởng thụ không gian mặt nước. Song, việc phát triển 42 công viên dọc bờ sông Sài Gòn còn đặt ra nhiều thách thức về nguồn vốn, quy hoạch.

Hai cách làm mới để có nguồn vốn

"TP.HCM hiện rất thiếu đất công viên, đất cây xanh, đây là một thực tế cần nhìn nhận để nghiên cứu các giải pháp", TS Võ Kim Cương – nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM trao đổi với pv báo Pháp Luật TP.HCM.

Theo ông Cương, môi trường sống của người dân rất cần mảng xanh để cải thiện sức khỏe, tinh thần, tạo điều kiện sống có ích cho người dân. Chính vì vậy, việc tạo ra môi trường công viên là rất cần thiết, thậm chí là cấp bách với một TP đang phát triển nhưng ô nhiễm môi trường, không khí ngày càng nghiêm trọng như TP.HCM.

Chia sẻ về cách tìm nguồn vốn làm các công viên dọc sông Sài Gòn, ông Cương cho biết, nếu làm công viên không từ nguồn vốn Nhà Nước mà phải huy động xã hội hóa thì phải tính toán kỹ về tính hiệu quả, tức là bên cạnh lợi ích xã hội, cộng đồng, thì khi nhà đầu tư bỏ vốn ra làm, họ có thu về được lợi nhuận hay không.

Ông Cương cho rằng có 2 hướng để tìm kiếm nhà đầu tư cần xem xét. Một là nhà đầu tư sẽ trực tiếp kinh doanh trên đất công viên, giống như công viên văn hóa Đầm Sen, chúng ta sẽ khai thác trên công viên với các khu vui chơi, giải trí, khu có nhiều hoạt động, dịch vụ thỏa mãn nhu cầu người dân, đổi lại người dân sẽ trả một khoản phí để thụ hưởng những dịch vụ. Với cách làm này, Nhà Nước sẽ quyết định thời gian kinh doanh đó là bao lâu, sau đó sẽ chuyển hoàn toàn thành đất công cộng.

"Đây là một hướng đi để hiện thực hóa các dự án công viên mà Nhà Nước ta đã làm rồi và mang lại hiệu quả nhất định. Phương án này đã có bài học của công viên văn hóa Đầm Sen, tuy nhiên chưa có chính sách cụ thể về việc chuyển Đầm Sen thành công viên hoàn toàn, song Đầm Sen hiện nay vẫn phục vụ được nhu cầu sống của người dân, mặc dù là mô hình kinh doanh", ông Cương phân tích.

Cách gọi vốn thứ 2 theo ông Cương là hình thức BT, nhưng khác với các dự án giao thông. Nghĩa là tư nhân sẽ bỏ tiền ra làm, cho Nhà Nước vay vốn, qua một thời gian công viên hoạt động, Nhà Nước sẽ lấy hiệu quả phát triển chung của TP.HCM để tính toán phương án trả lại nợ cho nhà đầu tư tư nhân.

"Tức là Nhà Nước không trực tiếp thu lời gì từ công viên, nhưng công viên đó tạo ra sự hấp dẫn chung, tạo ra hiệu quả chung cho TP, từ đó sinh lời cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, du lịch…Lợi nhuận không được tính trực tiếp mà chúng ta phải tính gián tiếp, nhìn lại sự phát triển chung của khu vực công viên tọa lạc để đánh giá toàn diện", ông Cương nêu quan điểm.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM thì cho rằng sau khi có Nghị Quyết 98, TP.HCM đã “dễ thở” hơn trong việc huy động vốn làm các công trình xã hội hóa, nhưng cơ bản TP chưa có chủ trương thu hút đầu tư nên khó huy động nguồn vốn từ mô hình này xã hội hóa công viên.

TP.HCM đang rất thiếu công viên, mảng xanh. Ảnh: THUẬN VĂN

"Để tìm được nguồn vốn ngoài ngân sách TP để làm 42 công viên dọc bờ sông Sài Gòn hoặc các công viên đang “treo” là không khó, TP có điều kiện để hiện thực hóa. Trước hết các công viên phải quy hoạch ranh, lộ giới rõ ràng, công năng của công viên phải gắn với đa năng chứ không chỉ đơn thuần là trồng cây xanh và làm lối đi bộ", ông Thuận góp ý.

Ông Thuận lý giải thêm: công viên đa năng nghĩa là kết hợp các dịch vụ trong công viên, ngoài đi bộ thì có thể làm chia thành các khu vực ăn uống, vui chơi, giải trí, chơi thể thao,….và một vài dịch vụ đính kèm khác.

"Nếu làm được mô hình đó thì khả năng huy động vốn là có. Ngoài ra, các công viên dọc bờ sông Sài Gòn có thể kết hợp bến cảng nội địa, từ đó huy động lượng khách kết hợp du lịch sông Sài Gòn, phát huy tính hiệu quả của các dịch vụ tiện ích trong công viên đa năng. Tuy nhiên, cần lưu ý, điều kiện để quy hoạch công viên đa năng là công viên phải có diện tích trên 3ha ", ông Thuận nói.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và thiết kế đô thị, TP đề xuất triển khai xây dựng 42 công viên cây xanh dọc hành lang sông Sài Gòn.

Một số công viên có thể kể đến: ven bờ sông gần bến đò Cá Lăng (huyện Củ Chi); công viên trung tâm mới ở quận 12 và huyện Hóc Môn; công viên văn hóa Gò Vấp; Thủ Thiêm (TP Thủ Đức); chân cầu Phú Mỹ (quận 7); khu Thanh Đa (quận Bình Thạnh); công viên Mũi Đèn Đỏ (quận 7)...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới