'Hiện tượng' Zelenskiy và tương lai Nga-Ukraine

Với tỉ lệ phiếu bầu áp đảo 73,2% - 25,3% trước đối thủ nặng ký là Tổng thống Ukraine đương nhiệm Petro Poroshenko, “anh hề” Volodymyr Zelenskiy tiến thẳng vào Kiev và trở thành người lãnh đạo mới cho quốc gia nằm trung tâm trong thế giằng co giữa Nga và phương Tây này.

Ẩn số mù mờ mang tên Volodymyr Zelenskiy

Chiến thắng này của ông Zelenskiy ngoài việc được sự hậu thuẫn và ủng hộ của đông đảo người dân Ukraine vốn đã quá chán nản tình hình chính trị trong nước với tình trạng tham nhũng kéo dài suốt nhiệm của tổng thống tiền nhiệm.

Tuy nhiên, bên cạnh những hi vọng về một bộ mặt mới cho Ukraine mà ông Zelenskiy sẽ mang lại là xen lẫn những hoài nghi về việc vị tổng thống mới sẽ bắt đầu chương trình cải tổ như thế nào.

Lý do là chiến dịch tranh cử và những lời hứa mà ông dành cho cử tri được đánh giá là quá chung chung và không rõ ràng, chỉ gói gọn trong cụm từ mà Zelenskiy lặp đi lặp lại cho chuyến du hành đầy ngoạn mục của mình vào thế giới của các giới cầm quyền: “Tất cả mọi thứ đều có thể.”

Ông Volodymyr Zelenskiy trong buổi công bố kết quả bầu cử. Ảnh: THE ECONOMIST

Bên cạnh đó, với vị thế địa chính trị của Ukraine cũng như việc người đồng cấp hàng xóm của ông - Tổng thống Nga Vladimir Putin - là một chính khách sành sỏi và đầy kinh nghiệm. Những thử thách dành cho ông Volodymyr Zelenskiy nhiều khả năng sẽ ập đến mà không phải đợi cho đến buổi tuyên thệ nhậm chức vốn sẽ diễn ra vào ngày 3-6-2019. Đặc biệt là khi Nga trong thời gian gần đây đang có dấu hiệu mở rộng quy mô và tầm hoạt động của lực lượng quân sự nước này.

“Thử thách đầu tiên của ông ấy chắc chắn là những phép thử của tổng thống Nga Putin.” - Andrius Kubilius, cựu Thủ tướng Lithuania nhận định, đồng thời nhắc lại sự kiện Tổng thống Nga từ chối chúc mừng chiến thắng của ông Volodymyr Zelenskiy vì cho rằng kết quả cuộc bầu cử không hợp pháp khi có đến 3,5 triệu người không tham gia bỏ phiếu.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, hiện tại vẫn không thể xác định rõ liệu nhân tố mới Zelenskiy sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Ukraine và Nga, vì các chính sách và phạm vi quyền lực của ông vẫn chưa thể hiện rõ ràng và cụ thể.

Trong đêm công bố kết quả bầu cử, Volodymyr Zelenskiy cam kết sẽ tái khởi động đàm phán với Moscow và chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột giữa hai nước ở khu vực đông Ukraine đã kéo dài kể từ năm 2014.

Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố sẽ mở ra cái gọi là một “cuộc chiến thông tin” đầy mơ hồ chống lại ông Putin, đồng thời sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề gia nhập Liên minh châu Âu và Khối quân sự NATO, điều mà chắc chắn sẽ làm phật ý Moscow.

Bên cạnh đó, Tổng thống Ukraine vẫn chưa công bố ông sẽ chọn những ai làm Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao ở nhiệm kỳ của ông. Những cái tên này sau khi được chọn vẫn phải tiếp tục được Quốc hội nước này phê duyệt.

Trong hệ thống chính trị của Ukraine, Quốc hội nắm giữ rất nhiều quyền lực và cơ quan này cũng đang phải chuẩn bị cho một đợt bầu cử mới vào cuối năm nay, khiến cho việc đánh giá Ukraine dưới thời Zelenskiy cũng gặp nhiều khó khăn hơn.

Trong một bài viết trên Facebook được đăng tải vào tháng 4, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng Tổng thống Ukraine Zelenskiy sẽ mắc phải sai lầm lặp lại từ các đời Tổng thống trước trong việc giải quyết căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, khi sẽ giẫm vào “những tín điều chính trị mà chúng ta đã biết quá rõ. Tôi không hề mơ tưởng gì về điều này.”

Ukraine giữa vòng xoáy Nga và NATO

Trong báo cáo về nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành được công bố vào tháng 4 qua đài CNN, một chi tiết đã đề cập đến việc Konstantin Kilimnik, một nhân vật có liên hệ với giới tình báo Nga, đã cố gắng liên hệ với cựu Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, Paul Manafort với mục tiêu tìm kiếm sự công nhận của Mỹ về chủ quyền của Nga đối với khu vực Đông Ukraine, cho thấy vấn đề Ukraine luôn được ông Putin quan tâm một cách đặc biệt.

Trả lời phỏng vấn của tạp chí Foreign Policy, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Hải quân Ukraine Andriy Ryzhenko cho biết Nga đang có dấu hiệu tập trung lực lượng gần sát biên giới khu vực tranh chấp này. Mặc dù vậy, ông cho rằng các xung đột quân sự giữa hai nước nhiều khả năng sẽ do các lực lượng hải quân đảm nhiệm. “Yếu điểm của chúng tôi nằm ở khả năng phòng thủ biên giới biển của mình.”, Ryzhenko nói.

Từ lâu, mối đe doạ đến từ lực lượng miền Đông mà báo chí phương Tây đơn phương cho rằng do Nga hậu thuẫn (và Nga luôn bác bỏ) luôn được các đời Tổng thống Ukraine hết sức thận trọng. Chính quyền Ukraine của Tổng thống tiền nhiệm Petro Poroshenko thậm chí đã có những động thái chú ý khi bày tỏ mong muốn gia nhập NATO như một biện pháp phòng vệ trước Nga.

Mặc dù vậy, phần đông các quan chức quân đội trong khối không đặt nhiều kỳ vọng vào một sự hợp tác đạt hiệu quả với Ukraine, khi một vài thành viên trong khối như Hungary và Ý được đánh giá là có lập trường ủng hộ Nga. Tuy nhiên, vào ngày 4-4, NATO vẫn đồng ý sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Trong một diễn đàn an ninh tổ chức ở Kiev vài ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử của Ukraine, Marko Mikhelson, Lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại thuộc Quốc hội Estonia cho rằng đã đến lúc các nước phương Tây cũng như Ukraine cần phải “nâng cấp” lập trường của mình trong quan hệ với Nga, “Thứ ngôn ngữ mà người Nga có thể hiểu được là một chính sách răn đe thực tế cả về mặt quân sự cũng như chính trị.

Bên cạnh đó, Volodymyr Zelenskiy cũng phải tìm kiếm giải pháp cho mâu thuẫn giữa ông và giới lãnh đạo quân đội Ukraine khi trong một buổi tranh luận công khai trên sóng truyền hình thời điểm tranh cử, ông đã gọi quân miền Đông là “quân nổi loạn”.

Phía quân đội Ukraine ngay lập tức đăng trên Twitter phản pháo một cách gay gắt: “Chúng ta không có cái gọi là ‘quân nổi loạn".

Tương lai nào đang chờ đợi Ukraine?

Tất cả những điều trên cùng nhau sẽ tạo ra một bức tranh địa chính trị đầy phức tạp mà ông Zelenskiy phải vượt qua.

Những tín hiệu phản hồi từ Nga sau hiệu ứng Zelenskiy đang bắt đầu được phát đi. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh nhằm đơn giản hóa thủ tục xin cấp hộ chiếu cho cư dân sinh sống ở Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, hai khu vực hiện do phe miền Đông đòi ly khai khỏi chính phủ Ukraine kiểm soát.

Kiev dĩ nhiên phản đối và lên án kịch liệt hành động này của Moscow. Chính quyền Zelenskiy cũng kêu gọi quốc tế tăng thêm trừng phạt đối với người láng giềng của mình và tiến hành đáp trả trực tiếp bằng cách đưa lời đề nghị tương tự, cấp quyền công dân Ukraine cho những người mà ông Zelenskiy gọi là “phát chán với chính quyền của ông Putin.”

Tuy nhiên, bên cạnh những động thái cứng rắn với Kiev, Moscow cũng đồng thời đưa ra những khoản lợi hợp tác cho Ukraine nhằm thuyết phục chính quyền mới của ông Zelenskiy phải nhượng bộ trước những bước tiến gần về vòng ảnh hưởng của phương Tây, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc (ASPI).

Theo đó, tổ chức này viện dẫn thái độ mềm dẻo gần dây của Nga khi đàm phán về vấn đề các thuỷ thủ Ukraine bị nước này giam giữ sau vụ ba tàu Hải quân Ukraine vượt qua Eo biển Kerch vào năm 2018, cũng như việc Thủ tướng Nga Nga Dmitry Medvedev đề cập trực tiếp trong bài viết trên Facebook của mình khả năng Nga sẽ cung cấp một giải pháp thực tế cho các vấn đề xã hội-kinh tế mà Ukraine đang phải đối mặt.

Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ D-Day của quân Đồng Minh trong Thế Chiến 2 năm 2014. Ảnh: AFP

Theo chuyên gia về quan hệ ngoại giao Ukraine-Nga thuộc Đại học La Trobe tại Úc, Stefan Karlo Rajic, mục đích cho việc Moscow vừa mềm dẻo vừa cứng rắn với Kiev như vậy là muốn tạo ra một sự mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Kiev, qua đó sẽ dựa vào sự mâu thuẫn này mà khai thác thứ mà Moscow cần.

Điều rất cần cho Ukraine hiện tại là vị Tổng thống non trẻ sẽ nhận ra bước đi dày dặn của Moscow và đề ra một sách lược hiệu quả, theo nhận định của Alexander Motyl, Giáo sư Khoa học Chính trị thuộc Đại học Rutgers, Mỹ.

Ông đồng thời cũng lo ngại về việc Zelenskiy đã để cho gương mặt minh tinh của mình xuất hiện quá nhiều trong suốt chiến dịch bầu cử, khiến cho phần đông cử tri Ukraine không nắm rõ được các ý định chính trị và chính sách thực sự của vị Tổng thống.

Giáo sư Motyl cho rằng sự không rõ ràng này sẽ làm lợi cho Moscow và sẽ dẫn đến tương lai Ukraine lệ thuộc hoàn toàn vào Nga dưới nhiệm kỳ của ông Zelenskiy. Tuy nhiên, hiện tại ông Zelenskiy vẫn hoàn toàn non tay trong lĩnh vực chính trị, nên chính quyền Moscow nhiều khả năng sẽ vẫn chỉ dừng lại ở mức thăm dò tân Tổng thống bằng các sách lược kể trên.

“Cách mà Zelenskiy phản ứng như thế nào trước những diễn biến trong tương lai sẽ là ra dấu hiệu ông muốn mối quan hệ với Nga sẽ như thế nào.” - Chuyên gia Stefan Karlo Rajic kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới