Có chăng, biện pháp phòng dịch COVID-19 được triển khai gần đây nhất là yêu cầu kê khai y tế, lấy xét nghiệm nhanh và chỉ trường hợp nào như hướng dẫn của Bộ Y tế thì mới chuyển đi cách ly tập trung…
Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành khác lại triển khai những biện pháp cứng rắn với người ở nơi khác đến địa phương mình. Như Đà Nẵng, ngày 3-4, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố này ra văn bản chỉ đạo các sở, ngành cách ly y tế tập trung với người đến từ Hà Nội, TP.HCM từ ngày 5-4.Đồng thời, thành phố này tiến hành cách ly tại nhà với bất cứ ai từ những vùng có dịch đến Đà Nẵng từ ngày 1-4.
Ở phía Bắc, cũng ngày 3-4, UBND TP Hải Phòng ra văn bản ngặt nghèo hơn, giao UBND quận, huyện rà soát, áp đặt cách ly y tế tập trung với bất cứ ai đến từ vùng dịch. Với người dân phố cảng, muốn đi ngoại tỉnh phải có giấy phép của chủ tịch quận, huyện và nếu đi đến vùng có dịch thì mặc nhiên khi quay về sẽ phải đưa đi cách ly tập trung…
Ngoài nỗ lực, hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ, công cuộc khống chế dịch COVID-19 phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tuân thủ của người dân. Trong ảnh: Bệnh nhân thứ 57 vui mừng nhận giấy chứng nhận khỏi bệnh. Ảnh: TTXVN
Phản ứng khác nhau trước yêu cầu chung về phòng, chống COVID-19 cho thấy các địa phương đang có nhận thức chưa thống nhất trước các chỉ đạo của Thủ tướng mà cụ thể là Chỉ thị 16 ngày 31-3 - lần đầu tiên đề cập tới cách ly xã hội, và Quyết định 447 công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc. Sau khi ban hành các văn bản này, người phát ngôn của Chính phủ, rồi chính Thủ tướng đã nhiều lần giải thích, thậm chí phê bình một số nơi hiểu sai, triển khai quá mức các biện pháp ngăn chặn mang tính “ngăn sông cấm chợ”, từ chối một số dịch vụ công…
Trở lại những nguyên tắc pháp quyền cơ bản thì người dân có quyền tự do đi lại, cư trú, kinh doanh. Các quyền này chỉ bị hạn chế trong trường hợp đặc biệt, theo trình tự, thủ tục luật định chặt chẽ.
Trước tình hình COVID-19 từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam và nguy cơ lây lan trong nội địa, Thủ tướng đã ban hành nhiều chỉ thị và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch. Các biện pháp này đều đảm bảo các quyền tự do của người dân, chủ yếu qua tuyên truyền, vận động.
Thực tiễn cho thấy cả xã hội đã tự nguyện điều chỉnh hành vi, thu hẹp các hoạt động, sinh hoạt đi lại không cần thiết. Một cách tự nhiên, thị trường dịch vụ, thương mại đã co hẹp và nhiều cửa hàng, doanh nghiệp đã vì đó tự thu hẹp hoạt động, đóng cửa… mà không cần tới mệnh lệnh hành chính của chính quyền. Hiệu quả ấy của công tác tuyên truyền đã giúp cho Việt Nam kiểm soát dịch rất tốt.
Hàng ngàn phương tiện lưu thông từ các tỉnh phía đông vào TP.HCM đã được lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra y tế phòng, chống dịch COVID-19. Trong ảnh: Chốt CSGT tại khu vực cầu Đồng Nai hướng về TP.HCM để kiểm tra y tế xe ra vào. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trở lại với Chỉ thị 16 và các chỉ thị trước đó, phải khẳng định rằng Thủ tướng đã rất thận trọng khi lựa chọn hình thức văn bản là chỉ thị - mang tính chất chỉ đạo, điều hành chứ không phải là hình thức văn bản mang tính pháp quy (chứa quy phạm pháp luật) có tính bắt buộc chung.
Với tính chất ấy, đúng như người phát ngôn của Chính phủ đã giải thích, “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh…”. Và tinh thần này chủ yếu mang tính kêu gọi để người dân nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động phòng, chống COVID-19.
“Cách ly xã hội” cũng được chính Thủ tướng giải thích sau đó chính là “giãn cách xã hội” và không hề hàm ý nào về một tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật. Giãn cách xã hội hay cách ly xã hội là giải pháp tổng thể chứ không phải là khái niệm pháp lý.
Chỉ duy nhất Quyết định 447 của Thủ tướng về công bố dịch bệnh trên toàn quốc và trước đó, Quyết định 173 về công bố dịch ở ba tỉnh, là văn bản có chứa quy phạm pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cả nước và các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Vấn đề là theo luật này, cách ly y tế cũng phải được áp dụng một cách chặt chẽ, theo đúng định nghĩa pháp lý của nó: “là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh”.
Người mắc, bị nghi ngờ mắc hay mang mầm bệnh… trong định nghĩa này cũng phải do cơ quan y tế xác định chứ không thể là bất cứ ai đến từ Hà Nội, TP.HCM hay chung chung là từ vùng có dịch - như Đà Nẵng, Hải Phòng và một số địa phương khác đang áp đặt.
Từ Chỉ thị 16 của Thủ tướng, một số tỉnh, thành đã ban hành giải pháp quyết liệt phòng, chống COVID-19 trên địa bàn. Trong quá trình thực thi, đã có những bất cập, quá mức được phát hiện và điều chỉnh. Vậy có thể tin rằng trong vài ngày tới, những gì cực đoan, chưa phù hợp, chưa khả thi sẽ được các địa phương nhận diện và Thủ tướng sẽ có chỉ đạo sớm để khắc phục những bất cập, vướng mắc này.