Chiều 31-3, tác giả Nguyễn Thị Việt Hà, tác giả tập sách Đánh thức ban mai đã có buổi nói chuyện thân tình, ấm cúng với nhiều người về cuốn sách mới ra mắt của chị và những vấn đề liên quan đến trẻ tự kỷ. Chương trình do Hội quán Các bà mẹ tổ chức nhân ngày Việt Nam nhận thức chứng tự kỷ (2-4).
Đánh thức ban mai là câu chuyện về hành trình đi tìm hiểu về trẻ tự kỷ. Chính tình yêu vô điều kiện sẽ hóa giải hết những khó khăn, giúp những đứa trẻ tự kỷ chữa lành.
Những đứa trẻ “kỳ quặc”
Với tác giả, tập sách ra đời như một cái duyên, cũng là trách nhiệm mà chị tự “vận” vào cuộc đời của mình.
Chị kể cách đây bốn năm, khi đến thăm nhà người bạn ở Cái Nước Biển, chị nhìn thấy một đứa bé sống trong một cái cũi lớn làm bằng những cây đước đã được gọt nhẵn nhụi. Đứa bé không biết nói, chỉ ú ớ những âm thanh vô nghĩa, thỉnh thoảng ré lên những tiếng hú nhói tai, đầu cứ lắc lư liên tục khiến người nhìn cũng thấy chóng mặt; đôi tay không chịu cầm nắm bất cứ thứ gì, chân di chuyển những đường xiên chéo và nhón gót như vũ công ba lê. Bé chỉ ăn một thứ duy nhất là cháo mà không ăn thêm bất kỳ thứ gì, không biết nhai dù khi đó đã tám tuổi, nó mê những vòng xoay của cánh quạt một cách lạ kỳ và có thể ngắm cánh quạt đó hàng tiếng đồng hồ một cách say đắm cho đến khi ngủ thiếp đi.
“Bạn tôi nói con cô ấy bị tự kỷ” - chị Hà kể lại.
Tác giả (trái) chia sẻ với người đọc xoay quanh chủ đề trẻ tự kỷ. Ảnh: T.TUYỀN
Một lần khác, chị đang đi chợ thì nghe tiếng hét của một phụ nữ: “Trời ơi, bộ tính cướp đồ hả? Bây mới lớn mà đã trộm cướp rồi”.
Người phụ nữ đó vung tay tát vào mặt đứa bé 10 tuổi. Nó ngơ ngác nhìn người phụ nữ ấy, còn người mẹ bối rối một cách khổ sở, xin lỗi và cho biết con mình bị tự kỷ, nó không cướp đồ mà vì thấy đẹp nên mới sờ.
“Người phụ nữ kia vẫn hùng hổ chỉ vào thằng bé có gương mặt rất đẹp đó hét lên, thằng bé đứng yên quay đi quay lại giữa những tiếng hét và tiếng giải thích của mẹ, bỗng dưng nó vùng chạy, đập đầu rất mạnh vào cây cột gần đó cho đến khi chảy máu. Người mẹ lao ra, đưa ngực cho con đập đầu vào rồi ôm chặt lấy con… Tôi sững sờ! - chị kể tiếp trong sự nghẹn ngào.
“Tôi tự hỏi mình “tự kỷ” là cái gì mà ghê gớm đến thế, kinh khủng thế?” - chị Hà trăn trở.
Ngay trong đêm đó, chị bắt đầu gõ Google dòng chữ “Tự kỷ là gì?”, đọc miệt mài cho đến thiếp đi trên bàn làm việc.
“Tôi cảm thấy khó thở, một nỗi sợ hãi mơ hồ ám ảnh kinh khủng trong tôi. Tôi lờ mờ nhận ra những đứa bé bị nhốt riêng biệt trong cái cũi đó, ở trường mẫu giáo bình thường trong giờ ăn là bị tự kỷ. Những đứa trẻ hay chơi một mình, xếp đồ chơi theo một hàng dọc và nếu ai đụng vào thứ đồ chơi đó thì nó sẽ gào thét và đập đầu, tự tử... Những đứa trẻ tách biệt trong thế giới của chúng mà tôi hay bất kỳ ai không hiểu sẽ chỉ đứng bên ngoài nhìn chúng, bất khả xâm phạm” - chị tâm sự.
Chị bỏ thời gian và công sức đi khắp các vùng miền của đất nước để tìm hiểu nhiều trường hợp về trẻ tự kỷ và bắt đầu những trang viết trong cuốn sách của mình.
Tập sách ra đời bằng chính nỗ lực của tác giả với mong muốn mọi người thay đổi nhận thức về trẻ tự kỷ.
Hãy mở lòng với trẻ tự kỷ
Điều khiến tác giả Việt Hà đau lòng là chị nhận ra hầu hết mọi người đều từ chối những đứa trẻ tự kỷ, không hiểu và không chịu lắng nghe câu chuyện của các em, tạo cơ hội để các em có thể hòa nhập với xã hội...
Từng là một hiệu trưởng của một trường học, chị thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với những đồng nghiệp của mình. Chị hỏi cả trăm giáo viên tự kỷ là gì thì chỉ có ba người trả lời đúng. Ba người này đều có con bị tự kỷ... Hỏi rằng các hiệu trưởng có sẵn sàng nhận những đứa trẻ tự kỷ không? Có người trả lời tốt nhất nên để trẻ đó ở nhà để không phải gây phiền hà đến những đứa trẻ khác, có người nói rằng ở trường không có giáo viên đặc biệt nên không dạy trẻ được và chỉ duy nhất một người nói rằng sẽ cố gắng để tiếp nhận bé.
“Cánh cổng trường đóng lại, xã hội thì không ai hiểu, luật pháp còn đang bỏ trống. Tất cả các thể trạng khuyết tật khác đều được công nhận nhưng trẻ tự kỷ cho tới giờ phút này vẫn không được thừa nhận. Trẻ tự kỷ mang trong mình những vết thương khó chữa lành được... Nếu như không có sự chung tay đóng góp của cộng đồng” - chị đau đáu.
Một cô giáo có học sinh mắc chứng tự kỷ chia sẻ điều khiến chị thấy đau đớn là có nhiều người cha, người mẹ không chấp nhận sự thật rằng con mình là một đứa trẻ tự kỷ và dường như họ luôn tìm cách từ chối những hành động kỳ cục của con mình.
“Nếu cha mẹ không thể chấp nhận được thì họ sẽ không biết cách yêu thương con mình, đồng hành cùng con” - chị đặt vấn đề.
Và ngay cả với thầy cô giáo trong trường cũng không thể hiểu và cảm thông cho bé.
Một cô giáo chia sẻ về những đau đáu của mình về trẻ tự kỷ. Ảnh: T.TUYỀN
“Tôi nghe có người bảo rằng “Tự nhiên cái bé đâm đầu vào tường, tự cắn tay bé” hay “Thôi kệ đi, cứ cho nó học đi, 2-3 năm nữa mà không lên lớp thì sẽ cho nó ra trường mầm non”... Có người lại bảo "Thằng bé này bị gì, bị điên hay sao đó, vậy mà cũng cho học"... Tôi nghe họ nói vậy mà thấy thương cho các em, tôi không biết phải nói như thế nào cho họ hiểu về các em cả” - cô giáo này trăn trở.
Tác giả Việt Hà nói rằng chị không kỳ vọng cuốn sách của chị là một siêu phẩm để có thể thay đổi quan điểm, sự đánh giá chưa đúng về tự kỷ đang tồn tại trong cộng đồng.
“Tự kỷ không có tội, những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ cũng không có tội. Và chúng ta, những người chưa biết gì về bệnh tự kỷ, cũng không có tội. Chúng ta hãy mở lòng mình ra. Hãy đón nhận những đứa bé có cuộc sống không được bình thường như mình, cho trẻ cơ hội để trẻ hòa nhập. Chỉ cần bạn mỉm cười thôi, làm giống như những gì mà các bạn nhỏ làm thôi, không cần phải ôm lấy, phải mang đến điều kỳ diệu gì đến cho trẻ, không cần phải cho trẻ bánh để ăn, như thế đã là sự thấu hiểu khiến trẻ hạnh phúc lắm rồi” - chị nhắn nhủ.
Những người mẹ “siêu nhân” Chị Trần Hoài Thư, một người mẹ có con mắc chứng tự kỷ, chia sẻ con gái của chị sinh ra vẫn phát triển bình thường. Cho đến khi bé có một cục u nhỏ trong mũi, cục u đó khiến bé bị tắc đường thông ở mũi và tai không nghe được. Từ đó bé bị sang chấn tâm lý, phải nói rất to bé mới nghe được. Bé có những hành vi biểu hiện của chứng tự kỷ như bờ tường cao 1-1,5 m nhưng bé có thể leo lên đi một mạch khoảng 20 m mà không té; có thể hoạt động, lộn mèo đến 50 cái liên tục; có thể bơi liên tục mà không thấy mệt. Chị đồng hành cùng con trong mọi hoạt động.
“Tất cả những người mẹ có con bị tự kỷ đều rất mạnh mẽ, mà nói chính xác thì họ bắt buộc phải mạnh mẽ. Khi con bị bệnh, sức ép đầu tiên là từ phía gia đình. Ông bà thì bảo tại sao mẹ không chăm lo cho con, ba thì bảo là mẹ chăm sóc con kiểu gì để con thành ra như vậy. Bản thân người mẹ lúc đó cũng tự trách mình nhiều hơn. Mẹ phải rất mạnh mẽ thì mới đi được cùng con” - chị tâm tình. Tác giả Việt Hà thì chia sẻ: “Họ là những bà mẹ “siêu nhân”, những bà mẹ không bao giờ nghĩ đến việc cho mình rời xa con. Họ có sự thông thái của một thầy thuốc, sự kiên nhẫn của một thầy tu và lòng bao dung của một người mẹ”. |