Giáo viên bức xúc
Sáng 30-3, Ban giám hiệu trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TP.HCM đã tổ chức buổi trao đổi với báo chí về sự việc thầy Phạm Quốc Đạt để học trò diễn cảnh "nóng" gây xôn xao dư luận những ngày qua. 20 giáo viên của trường cũng có mặt tại cuộc trao đổi.
Cô Nguyễn Thị Hồng Châu, Tổ trưởng tổ Văn, cho biết thầy Đạt đã tự tổ chức hoạt động ngoại khóa mà không có kế hoạch và thông qua tổ. Tiếp đó, trong cuộc họp tổ thầy đã có một số phát ngôn mang tính xúc phạm tới nhà trường. Đơn cử như khi tổ Văn họp góp ý thầy không những không lắng nghe mà còn nói trường học này như nhà tù.
“Tôi khẳng định đoạn trích “Bỉ vỏ”, “Thị Mầu lên chùa” không có trong chương trình chuẩn sách giáo khóa ngữ văn lớp 11. Đoạn trích giữa Xuân tóc đỏ và Tuyết trong "Số đỏ" cũng không được chọn trong chương trình ngữ văn lớp 11. Tổ luôn khuyến khích sự sáng tạo, nhưng sáng tạo như thế nào và mang lại hiệu quả ra sao mới là quan trọng. Sáng tạo cũng phải có kế hoạch thông qua tổ, phải có giới hạn và mang ý nghĩa giáo dục”, cô Châu nói.
Cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên môn Địa lý chia sẻ thông tin tại buổi trao đổi với báo chí sáng 30-3. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên môn Địa lý bày tỏ: “Trên cương vị là một đồng nghiệp, tôi rất bất bình với thầy Đạt. Tôi không nói đến clip đang gây xôn xao trên mạng, không nói đến bản chất của sự việc, tôi chỉ căm phẫn những hành vi sau khi clip bị phát tán và nhận kỷ luật từ trường. Thầy lèo lái học sinh, lèo lái dư luận theo hướng của mình”.
Cũng theo cô Hòa, trường luôn tôn trọng sự sáng tạo. "Sáng tạo là tốt miễn sao đừng để phụ huynh kiện tụng, đừng để học sinh than phiền. Thế nhưng những clip của học trò do thầy Đạt dạy đã bị phụ huynh kiện tới trường. Hơn nữa thầy còn phạm nhiều lỗi khác. Thầy đi trễ là chuyện nhỏ, có nhiều lần thầy lén lén vào lớp, phê học bạ học sinh nát bét, nhiều em không dám nhìn ai”, cô Hòa nói.
Cùng quan điểm trên, cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên Văn khẳng định: “Tôi là người đầu tiên được tiếp xúc với hai clip. Cảm xúc của tôi vừa đau, vừa bức xúc”.
“Một thầy giáo để học trò diễn cảnh "nóng" như thế là ngoài chức năng giáo dục, ngoài chức năng văn học. Bởi học văn để làm người. Thế nhưng qua clip, trò sẽ học được cái gì và sáng tạo ở chỗ nào? Sáng tạo phải dựa trên nền tảng cơ bản về nhân văn, nhân bản. Hai clip đó hoàn toàn đi ngoài tác phẩm của tác giả. Trong tác phẩm "Bỉ vỏ", nhà văn Nguyên Hồng không miêu tả kỹ lưỡng cảnh Tám Bính bị hãm hiếp như thế nào. Trong tác phẩm văn học "Quan âm thị kính" cũng không có miên tả Thị Mầu lăng loàn như clip học trò diễn”, cô Hà nhấn mạnh.
Ông Lương Văn Định khẳng định: "Hình thức kỷ luật không phải là sự trù dập cá nhân mà do thầy Đạt đã có rất nhiều sai phạm". Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Không có sự trù dập cá nhân
Ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản, cho biết quyết định kỷ luật đối với thầy Đạt không chỉ xuất phát từ tiết dạy sân khấu hoá, mà còn liên quan đến nhiều sai phạm chuyên môn khác. Cụ thể như thầy Đạt đi trễ 16 lần, vắng họp 3 lần… Ngoài ra thầy còn phát ngôn xúc phạm danh dự, uy tín của người khác.
Ông Định cho biết thêm, nhà trường không nghiêm cấm các hoạt động ngoại khóa. Nhưng tất cả mọi hoạt động cần phải được xây dựng kế hoạch trình tổ và ban giám hiệu kiểm duyệt.
Cũng theo ông Định, sự việc được phát hiện từ cuối tháng 10-2018 nhưng đến gần cuối tháng 1-2019 nhà trường mới đưa ra quyết định kỷ luật. Trong suốt thời gian đó, trường đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với thầy Đạt để thầy nhận lỗi và sửa sai nhưng thầy vẫn không có sự chuyển biến.
Để đi đến quyết định kỷ luật trên, nhà trường đã tổ chức cuộc họp hội đồng sư phạm gồm các thầy cô giáo trong trường để thăm dò về hình thức kỷ luật. Hầu hết đều thống nhất ở mức cảnh cáo. Sau đó, trường mới tiến hành cuộc họp hội đồng kỷ luật và đưa ra hình thức kỷ luật với thầy Đạt.
"Sự việc trên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự đặc biệt là niềm tin của học trò đối với thầy cô giáo trong trường. Nhiều người đều nghĩ rằng trường tiến hành kỷ luật thầy Đạt chỉ dựa trên việc để trò diễn cảnh nóng. Nhưng thực tế lại từ rất nhiều nguyên nhân, và những sai phạm đó lặp đi lặp lại trong thời gian dài”, ông Định nói.
Trong khi đó, thầy Đạt phủ nhận tất cả và cho rằng việc giảng dạy ngoại khóa theo quy định của Bộ GD&ĐT là khuyến khích giáo viên không giảng dạy theo sách vở mà linh hoạt hình thức tổ chức. Do đó việc làm của thầy không có gì sai. Còn câu nói “nhà trường như nhà tù” là thầy trích nguyên văn từ lời của một học sinh lớp 11 than thở về những quy định nghiêm khắc của trường. Thầy trích lại câu này khi trao đổi với hiệu phó của trường và có mặt tổ trưởng tổ văn chứ không phải là buổi họp chuyên môn của tổ.
Về những phân cảnh "nóng", học sinh tái hiện đều có trong nguyên tác, không hề thêm thắt chi tiết. “Tôi sẵn sàng để mọi người đối chiếu giữa nguyên tác và những clip học sinh tái hiện. Tất nhiên từ câu chữ trên mặt giấy chuyển thể thành tác phẩm kịch thì sẽ có một khác biệt trong lời thoại, hành động”, thầy Đạt nói..
Riêng về việc đi trễ, thầy Đạt cho rằng mình chỉ đi trễ bốn lần. Những lần khác thầy đều xin phép.
Trước đó, PLO.VN có đưa tin, thầy Phạm Quốc Đạt, giáo viên trường THPT Võ Trường Toản đã để học trò diễn cảnh "nóng". Vì lỗi này cùng sai phạm khác, ngày 21-1-2019, Hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản đã kỷ luật thầy bằng hình thức cảnh cáo. Không đồng ý với hình thức kỷ luật, thầy Đạt đã gửi đơn khiếu nại đến trường và mới đây là khởi kiện Hiệu trưởng nhà trường ra tòa.