Hiệu trưởng Phan Thanh Nguyên Ảnh: Chương trình Chuyển Động 24h
Đích thân giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cũng gửi lời xin lỗi đến gia đình em học sinh bị đánh. Dư luận đã được xoa dịu. Đến chiều qua lại có thêm thông tin Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng Phan Thanh Nguyên xin từ chức. Lý do được ông Nguyên đưa ra là: “Tôi nhận thấy bản thân phải chịu trách nhiệm cao nhất chứ không đổ lỗi cho ai. Tôi thành thật xin lỗi nạn nhân, gia đình nạn nhân, các cấp lãnh đạo”.
Trong một lần nói về nguyên nhân xin từ chức, GS Văn Như Cương đã nêu ra bốn nguyên nhân sau: Thứ nhất là cảm thấy bản thân không làm được việc, không cống hiến được nhiều thì từ chức, đấy là trường hợp của những người thực sự tâm huyết với công việc. Thứ hailà khi chủ trương của mình trong cơ quan không được đồng thuận.Thứ ba là mâu thuẫn với lãnh đạo. Cuối cùng, nguyên nhân từ chức có thể do một lý do bất khả kháng nào đấy. Ví dụ như ở những nước khác, một ông bộ trưởng bộ giao thông từ chức vì cầu sập, hay một ông hiệu trưởng từ chức vì ở trong trường học sinh đâm chém nhau gây thương tích… Trường hợp của ông Hiệu trưởng Nguyên nằm trong nguyên nhân cuối cùng này: Tai nạn đó không phải do ông trực tiếp gây ra nhưng vì cảm thấy phải có trách nhiệm nên xin từ chức.
Ở bất cứ cánh cổng nhà trường nào cũng thấy câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ cần phải học ở đây là các nguyên tắc kỷ luật như tự phê bình bản thân, dám chịu trách nhiệm, không đổ lỗi hoàn cảnh và cả… văn hóa từ chức. Tuy nhiên, không phải ai cũng dũng cảm nói và làm được như ông Nguyên. Cách hành xử của ông Hiệu trưởng Nguyên có thể coi là một tiếng chuông cảnh tỉnh sau lời hứa giải quyết dứt điểm bạo lực học đường của lãnh đạo ngành GD&ĐT từ đầu năm 2013. Chuông đã vang lên, tiếng chuông có đến tai, đến tâm những người có trách nhiệm để thay đổi tình trạng bạo lực học đường hay chỉ rơi vào thinh không còn tùy thuộc vào cách hành xử của những người có trách nhiệm.
Việc làm của ông Hiệu trưởng Nguyên là điển hình cho văn hóa từ chức, cái mà chúng ta nói nhiều nhưng rất ít thấy ai làm.