Hiệu trưởng tuyển giáo viên: Hết cửa ‘chạy’ biên chế

Năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT TP.HCM bắt đầu thực hiện tự chủ biên chế và tổ chức trong các trường THPT. Lộ trình đầu tiên được áp dụng tại hai trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa. Theo đó, hai trường này được phân cấp tuyển dụng giáo viên, nhân viên. Những năm sau sẽ tiếp tục triển khai ở các đơn vị khác.

Biên chế “trói tay” hiệu trưởng

Ông Nguyễn Tỷ Chế Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, cho biết bản thân ông đồng tình với chủ trương trên. “Thực tế, tại nhiều trường THPT hiện nay chỉ có 50% giáo viên làm tốt công việc của mình, 50% còn lại không làm được việc. Thậm chí nhiều người không biết phân công làm việc gì, dạy không được, làm công tác khác cũng không xong nhưng nhà trường không có quyền buộc thôi việc” - ông Đạt nói.

Vì thế, theo ông Đạt, việc hiệu trưởng được giao quyền tuyển dụng sẽ là cơ hội để tuyển chọn những ứng viên có đủ năng lực, trình độ đáp ứng được nhu cầu phát triển giáo dục của nhà trường.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, chia sẻ: “Việc phân cấp trách nhiệm lần này, hiệu trưởng sẽ có sự chủ động, tuyển người có năng lực, chịu đổi mới. Là cơ hội để trường sử dụng được lao động giỏi, phù hợp với đặc thù từng trường để nâng cao chất lượng giáo dục”.

Là một giáo viên dạy tại Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8, ông Lý Đức Thanh tâm sự lẽ ra chủ trương này nên được triển khai từ nhiều năm trước. Việc phân cấp này ngoài việc giúp ban giám hiệu tuyển được người giỏi mà giáo viên cũng sẽ có cơ hội chọn lựa được những ngôi trường tốt, nhà quản lý giỏi để cống hiến.

Giáo viên tại TP.HCM trong một đợt nhận nhiệm sở. Ảnh: TT

Hiệu trưởng phải có tầm và tâm

Tuy nhiên, theo nhiều người, chủ trương này khi triển khai sẽ gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thälmann, quận 1, cho rằng với hiệu trưởng có tâm, có tầm thì điều này rất tích cực. Do thực tế vẫn tồn tại những hiệu trưởng độc đoán, chuyên quyền, cho nên khi giao quyền sẽ dễ nảy sinh những tiêu cực và điều này làm mất đi động lực phát triển của nhà trường.

Cùng suy nghĩ, ông Phú cũng cho rằng điều dư luận băn khoăn là việc đưa về cơ sở có minh bạch, công bằng, khách quan không. Đây là vấn đề nhiều người quan tâm nhất chứ không phải việc anh tuyển được bao nhiêu người.

“Để tránh tình trạng trên, hiệu trưởng cùng hội đồng nhà trường xây dựng quy trình, quy chế tuyển dụng, hồ sơ tuyển dụng sao cho chặt chẽ. Mọi thông tin tuyển dụng phải được công khai, minh bạch. Mặt khác, hiệu trưởng có quyền tuyển dụng thì tại sao không giao cho hiệu trưởng quyền ngưng hợp đồng đối với những người không làm được việc. Nếu giáo viên không làm được việc thì hội đồng thẩm định sẽ đánh giá về mặt chuyên môn. Chỉ như vậy mới khiến giáo viên có động lực phấn đấu” - ông Phú nhấn mạnh.

Thực hiện thận trọng, từng bước

Đề cập đến vấn đề trên, ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết việc phân cấp trong tự chủ tuyển dụng sẽ được thực hiện từng bước và rất cẩn trọng.

Theo ông Long, trước khi giao quyền cho các trường, Sở sẽ tổ chức hội nghị tập huấn để xem hiệu trưởng có đủ điều kiện, đủ khả năng đảm đương được công việc. Khi tham gia tuyển dụng, hồ sơ giáo viên phải được Sở thẩm định theo các yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện quy định về viên chức. Sau một năm sẽ có hội nghị sơ kết để đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi Sở tiến hành triển khai thêm, chứ chưa giao hoàn toàn.

“Sở chủ trương cần phải làm thận trọng, từng bước vì có đến hơn 100 trường, làm không khéo sẽ ảnh hưởng đến học sinh, giáo viên, nhà trường. Sở thực hiện chủ trương trên cơ sở có chuẩn hiệu trưởng phổ thông mà Bộ vừa ban hành. Nếu giao quyền mà hiệu trưởng làm không xong sẽ có cơ chế để xử lý hiệu trưởng. Chủ trương trên thực hiện với mục đích mở rộng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của hiệu trưởng các trường” - ông Long nhấn mạnh.

Lộ trình thực hiện tự chủ nhân sự đến năm 2020

• Đến năm 2016 có 14 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trường chuyên biệt, trường mầm non trực thuộc được phân cấp tuyển dụng.

• Từ năm 2017 đến 2020 tiếp tục phân cấp trong tuyển dụng đối với các trường chuyên, trường năng khiếu và 24 trường THPT.

• Sau năm 2020, 100% các trường THPT thực hiện tự chủ về nhân sự.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện tự chủ nhân sự cũng gặp một số khó khăn như một số chức danh thực sự cần thiết trong nhà trường như giám thị, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý… chưa được quy định trong vị trí việc làm nên không có định biên để tuyển dụng.

Ông LÊ HỒNG SƠNGiám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Phải minh bạch

Khi tuyển dụng, tôi sẽ công khai tiêu chí các ứng viên lên website của trường. Tiếp nữa, tôi sẽ thành lập một hội đồng tuyển sinh bao gồm ban giám hiệu, công đoàn, đoàn thanh niên và sẽ mời một số người có chuyên môn cùng xét tuyển.

Khi xét tuyển, nhà trường sẽ tổ chức để ứng viên dạy cho cả hội đồng cùng xem và đánh giá về năng lực chuyên môn. Sau đó nhà trường sẽ phân tích và chọn lựa hồ sơ theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3. Các hồ sơ sau khi được nhà trường lựa chọn sẽ được gửi lên Sở GD&ĐT để thẩm định. Hồ sơ nào có sự thống nhất giữa trường và Sở thì ứng viên đó mới trúng tuyển.

Ông NGUYỄN VĂN THÀNH,
 Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thälmann

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm