Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đều ra những tín hiệu cho thấy hai bên đang tìm kiếm sự thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán tiềm năng nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài gần ba năm.
Hai bên phát tín hiệu gặp mặt
Vào ngày 23-12, khi được hỏi liệu có khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống đắc cử Trump và Tổng thống Putin trước lễ nhậm chức của ông Trump hay không hoặc liệu có bất kỳ chi tiết hay lý do cụ thể nào cho các cuộc tiếp xúc trực tiếp, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng hiện tại không có kế hoạch tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa hai lãnh đạo, theo hãng thông tấn TASS.
"Cho đến nay, vẫn chưa có động lực thực sự nào cả" - ông Peskov nói.
Ông Peskov trước đó cho biết Nga không liên lạc với đội ngũ của ông Trump để giải quyết xung đột Nga-Ukraine. Theo tờ The Washington Post, trước bất kỳ cuộc đàm phán nào, Điện Kremlin đều đánh giá cẩn thận thông điệp, tham vọng của ông Trump, đồng thời vẫn cảnh giác với sự khó đoán của vị tổng thống đắc cử Mỹ.
Dù vậy, bản thân ông Putin và ông Trump đã lên tiếng về việc sẵn sàng ngồi lại với nhau để bàn cách kết thúc cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trong họp báo tổng kết năm 2024 hôm 19-12, Tổng thống Putin đã tuyên bố sẵn sàng tham gia đàm phán với Tổng thống đắc cử Trump.
"Nếu có cơ hội gặp ông Trump, tôi tin rằng sẽ có nhiều điều để thảo luận. Tôi đã không nói chuyện với ông ấy trong hơn bốn năm qua. Dĩ nhiên, tôi sẵn sàng đối thoại bất cứ lúc nào và sẵn sàng gặp nếu ông ấy mong muốn" - ông Putin nói, thêm rằng chưa rõ thời điểm một cuộc họp như vậy có thể diễn ra.
Trả lời phỏng vấn của đài VGTRK (Nga) ngày 22-12, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng Moscow sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây nếu điều đó không gây tổn hại lợi ích quốc gia.
Trước đó, trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi đắc cử tổng thống Mỹ được tổ chức tại Mar-a-Lago, bang Florida (Mỹ) ngày 16-12, ông Trump cho biết ông sẽ nói chuyện với cả Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm mục đích ngăn chặn “cuộc tàn sát” giữa Moscow và Kiev, theo hãng tin AFP.
Phát biểu tại hội nghị AmericaFest 2024 diễn ra ngày 22-12, ông Trump tuyên bố rằng ông đang chờ đợi các cuộc đàm phán với Tổng thống Putin, kênh truyền hình NTD đưa tin. Theo ông Trump, ông Putin cũng mong muốn gặp ông "càng sớm càng tốt". "Tổng thống Putin đã nói rằng ông ấy muốn gặp tôi càng sớm càng tốt. Vì vậy, chúng ta phải chờ đợi điều này, nhưng chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến đó" - ông Trump nói.
Lập trường hai bên về xung đột Nga-Ukraine
Ông Trump nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong vòng "24 giờ" sau khi nhậm chức thông qua một chiến lược "hòa bình thông qua sức mạnh", song không cung cấp chi tiết cụ thể về kế hoạch này.
Đầu tuần trước, ông Trump nói rằng ông Zelensky nên chuẩn bị đạt được thỏa thuận với ông Putin để chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine, đồng thời muốn ông Putin sẵn sàng đồng ý về một thỏa thuận như vậy, theo hãng tin Reuters.
Về phía Nga, trong cuộc họp báo cuối năm, ông Putin cho biết Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu Tổng thống Zelensky tham gia bầu cử tổng thống và trở thành nhà lãnh đạo "hợp pháp" của Ukraine. Nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky đã kết thúc vào tháng 5, nhưng Ukraine đã trì hoãn tổ chức bầu cử vì lý do thiết quân luật.
Ông Putin khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán với Kiev mà không cần điều kiện tiên quyết, dựa trên kết quả sơ bộ của các cuộc đàm phán Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2022 và tình hình thực tế trên thực địa hiện nay, song nhấn mạnh rằng Ukraine cần thiết lập một chính phủ hợp pháp nếu muốn hướng tới giải pháp hòa bình.
Ưu tiên cao nhất của ông Putin trong các cuộc đàm phán sẽ là đảm bảo tính trung lập của Ukraine. Điều này sẽ đòi hỏi một cam kết chắc chắn rằng Ukraine sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tương lai gần. Ông Putin cũng sẽ đưa ra các điều khoản nhằm hạn chế quy mô của lực lượng vũ trang Ukraine và ngăn chặn việc đồn trú quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine.
Ông Vladimir Zharikhin - Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS - Nga) - nói với TASS rằng việc ông Putin có ý định đưa ra đề xuất đàm phán về Ukraine không phải hướng tới ông Zelensky mà là cho Tổng thống đắc cử Trump.
"Đề xuất này không dành cho ông Zelensky, không phải gửi đến nhóm của ông ấy. Đề xuất này là thông điệp gửi đến ông Trump. Nếu các cuộc đàm phán được tổ chức, thì [Ukraine] sẽ ở bên ông [Trump]. Đây rõ ràng là một đề xuất dành cho ông Trump rằng sau khi ông nhậm chức, chúng tôi sẵn sàng để thảo luận [về vấn đề xung đột Nga-Ukraine]" - ông Zharikhin cho hay.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận định cuộc đối thoại giữa ông Trump và ông Putin sẽ "rất khó khăn và quyết liệt".
Đồng quan điểm trên, nhà phân tích chính trị Nga - TS Ivan Timofeev cho rằng tuyên bố của Tổng thống Putin về việc sẵn sàng đàm phán với Ukraine là một thông điệp gửi tới các đồng minh phương Tây của Kiev ngay trước khi Nhà Trắng “đổi chủ”, đài RT đưa tin.
Dù vậy, TS Timofeev không tin rằng chiến thắng của ông Trump sẽ mang đến “viên đạn bạc” giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, lưu ý rằng Nga cần xem xét những cam kết của ông Trump về dàn xếp chiến sự ở Ukraine một cách thận trọng và theo dõi hành động thực tế của chính quyền mới ở Washington. TS Timofeev nhấn mạnh rằng điều quan trọng trong cam kết dàn xếp chiến sự ở Ukraine là phương Tây và Kiev đưa ra những điều kiện gì.
Các nhà phân tích cũng nói với tờ The Washington Post rằng họ thấy ít hy vọng cho một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine, xét đến lập trường tối đa của ông Putin và sự thận trọng của ông Trump về việc tỏ ra yếu đuối nếu ông đưa ra quá nhiều điều kiện thuận lợi cho Nga.
“Giống như bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào, ông Trump muốn đàm phán từ vị thế mạnh mẽ. Ông ấy không muốn bị coi là yếu đuối và không muốn bị coi là đang cúi đầu trước ông Putin" - chuyên gia Joshua Huminski, Phó Chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Tổng thống và Quốc hội (Mỹ), nhận định.
Nga nói nhiều quốc gia muốn tổ chức cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin
Ngày 23-12, ông Yury Ushakov - trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Putin - cho biết Nga đã nhận được một số đề xuất từ các quốc gia khác nhau để trở thành nơi tổ chức cuộc gặp có thể có giữa ông Trump và ông Putin, theo hãng tin Sputnik.
“Bạn biết đấy, đây là một câu hỏi thú vị. Tôi muốn nói rằng, thật kỳ lạ, chúng tôi đã nhận được một số đề xuất về vấn đề này từ nhiều quốc gia khác nhau” - ông Ushakov trả lời các phóng viên khi được hỏi liệu thủ tướng Slovakia và Hungary có đề xuất quốc gia của họ là nơi tổ chức cuộc gặp có thể diễn ra trong tương lai giữa ông Putin và ông Trump hay không.
"Tôi sẽ không nói đó là những quốc gia nào, để không phán đoán trước những diễn biến có thể xảy ra hoặc không thể xảy ra, nhưng những đề xuất như vậy đã và đang được đưa ra" - ông Ushakov cho biết thêm.