Chiều 29-5, thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, đại biểu (ĐB) Võ Thị Dung (TP.HCM) đề xuất: Trong năm 2014, trước tình hình trên biển Đông đang phức tạp, hơn lúc nào hết, mọi người cần phải thắt lưng buộc bụng, chắt chiu để phát triển biển đảo, bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Khó khăn nhưng vẫn sắm thêm hơn 1.700 xe công
Dẫn lại tình hình kinh tế khó khăn của đất nước trong năm 2012, bà Dung cho hay Chính phủ đã có chỉ đạo tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu công. “Thế mà chúng ta vẫn mua sắm mới đến trên 1.700 xe ô tô. Tôi đề nghị Chính phủ báo cáo và Quốc hội cần phải làm rõ việc mua xe công như thế có vi phạm kỷ luật tài chính hay không? Có vi phạm việc chi ngân sách hay không? Nếu có thì ai phải chịu trách nhiệm?” - bà Dung nói.
Một vấn đề nữa cũng được bà Dung nêu ra là sự thiếu hiệu quả trong các chương trình đầu tư, hỗ trợ người dân. “Vừa qua tôi có đi giám sát về thực hiện di dời người dân sống ở các vùng nguy hiểm thì thấy chỉ cần hỗ trợ cho bà con 100 triệu đồng/hộ là ổn rồi. Nhưng chẳng hiểu sao chúng ta triển khai dự án đầu tư, hỗ trợ đến 1-2 tỉ đồng/hộ dân mà vẫn không giải quyết tốt nhu cầu của bà con”. Từ thông tin này, bà Dung mong mỏi Chính phủ xem xét để có những biện pháp xử lý nghiêm minh, mạnh mẽ hơn nữa đối với những vi phạm về thu chi ngân sách. Bên cạnh đó, Chính phủ cần điều chỉnh nguồn thu 2014 cho hợp lý để đầu tư hỗ trợ cho ngư dân, phát triển nhiều lĩnh vực.
Đại biểu Quốc hội TP.HCM Võ Thị Dung phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Phải tổng kết việc nộp lại quà tặng, quà biếu
Ở một góc nhìn khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã khá băn khoăn khi báo cáo về quyết toán ngân sách không đề cập đến số tiền chi để mua quà tặng, quà biếu.
Theo ông Nhã, ước tính mỗi năm ngân sách chi cho các khoản trên cũng phải đến cả ngàn tỉ đồng, thế mà khi hỏi Bộ Tài chính thì chẳng thấy trả lời. Tương tự, việc nộp lại quà tặng, quà biếu có giá trị từ 500.000 đồng trở lên, Chính phủ cũng đã quy định nhưng nhiều năm nay không có cơ quan chức năng nào thống kê đã thu được bao nhiêu cả.
“Cái này tôi cũng hỏi nhưng không ai trả lời nên cử tri cứ nói rằng “chắc không ai chịu nộp”” - ông Nhã nói và nhấn mạnh đây là một khoản tiền không hề nhỏ, bởi ở xã hội ta việc tặng quà có giá trị trên 500.000 đồng khá nhiều. “Cả nước hiện có 139.000 đơn vị thụ hưởng ngân sách, tương đương với đó là có 139.000 người đứng đầu (chưa kể cấp phó). Như vậy, nếu tất cả người này nộp lại quà tặng, quà biếu khoảng 5-10 triệu đồng/năm thôi thì mỗi năm chúng ta cũng có trên 4.000 tỉ đồng. Đây là một khoản tiền không hề nhỏ nên tôi đề nghị cần phải tổng kết lại quy định nộp lại quà tặng, quà biếu để xem xét” - ông Nhã nói.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng do kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm. Ở nước ngoài, Quốc hội chưa thông qua tài khóa thì một cơ quan của Quốc hội cũng không có tiền để mời khách một bữa cơm. Hoặc trong năm tài khóa đó không có khoản chi cho tuyển nhân viên thì bắt buộc không được tuyển nhân viên. Trong khi đó, chúng ta thu chi kiểu gì cũng được.
“Năm nào chúng ta cũng nói rồi vẫn thông qua. Lần này cũng thế, chúng ta nói một hơi rồi cuối cùng chúng ta cũng thông qua thôi vì chi thì cũng đã chi rồi. Thế thì thảo luận cái gì? Do đó vấn đề quan trọng là tới đây chúng ta phải sửa Luật Ngân sách Nhà nước để Quốc hội quyết toán ngân sách không còn hình thức nữa” - ông Lịch nói.
THÀNH VĂN
Lo tốn tiền nuôi công chức làm việc không hiệu quả Cùng ngày, thảo luận về dự luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, nhiều đại biểu tỏ ra bức xúc trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60 để khỏi vỡ quỹ bảo hiểm. “Chúng ta có kéo dài tuổi nghỉ hưu thì cũng không ngăn được tình trạng vỡ quỹ mà có chăng chỉ tạo ra gánh nặng cho xã hội vì vẫn phải nuôi một bộ phận công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Vấn đề quan trọng là nâng cao chất lượng đội ngũ công chức chứ nếu không sẽ tạo thêm gánh nặng cho xã hội” - ĐB Lê Hiền Vân nêu ý kiến. ĐB Đào Văn Bình đề nghị phải sử dụng các biện pháp mạnh tinh giản bộ máy quản lý quỹ BHXH vì “đội ngũ này làm việc còn hời hợt, không chuyên nghiệp”. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh cũng cho rằng chi phí cho bảo hiểm và cho đội ngũ làm bảo hiểm quá lớn, dẫn tới nguy cơ thâm hụt. Đề cập đến câu chuyện BHXH dùng tiền cho công ty cho thuê tài chính vay cả ngàn tỉ đồng, ĐB Nguyễn Văn Hưng lưu ý: “Trách nhiệm để xảy ra thất thoát thuộc về ai, lấy tiền đâu bù vào, phải làm rõ việc này”. ĐB Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định: “Nếu khắc phục việc vỡ quỹ bảo hiểm bằng cách đổ lên đầu người đóng BHXH là không công bằng”. |