Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:

Hình phạt đối với bị cáo tham nhũng là sự cảnh báo nghiêm khắc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận xét từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là trong năm 2018, tòa án các cấp đã có những bước phát triển mới, đạt được những thành tích quan trọng trong thực hiện chiến lược cải cách tư pháp. Chất lượng xét xử không ngừng được nâng lên; tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa liên tục giảm dần qua các năm... Đáng chú ý, tòa án các cấp đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sau đó dẫn chứng nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử trong năm 2018, như vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Đinh La Thăng, vụ Phạm Công Danh, vụ Hà Văn Thắm, vụ Trần Phương Bình, vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”)…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao đổi với  các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: plo.vn

“Từ năm 2016 đến năm 2018, các tòa án đã xét xử đạt tỉ lệ 93,5% về số vụ, 93,6% số bị cáo phạm các tội tham nhũng, thu hồi hàng ngàn tỉ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói, đồng thời nhấn mạnh hình phạt mà các tòa án quyết định đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng là sự cảnh báo nghiêm khắc cho sự lạm dụng quyền lực và tùy tiện, vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

“Qua xét xử, nhiều hội đồng xét xử cũng chỉ ra nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm; kiên quyết khởi tố tại phiên tòa khi phát hiện tội phạm chưa được điều tra, xử lý; kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, những kẽ hở của cơ chế, chính sách để các cơ quan liên quan có biện pháp phòng ngừa, khắc phục hiệu quả” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận xét.

Tuy nhiên, tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành tòa án. “Năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ còn yếu, cá biệt có cán bộ vi phạm pháp luật, kỷ luật công tác bị xử lý” - ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và đề nghị các cán bộ ngành tòa án nghiêm túc nhìn thẳng vào những hạn chế, thiếu sót; tập trung thảo luận, phân tích kỹ nguyên nhân, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, tìm ra những giải pháp phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác.

Nhắc tới mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh và nêu yêu cầu mỗi bản án phải làm sao để thực sự “tâm phục, khẩu phục”, khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, được công chúng đồng thuận; phải tạo ra được các chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, có tác dụng giáo dục pháp luật và định hướng hoạt động của xã hội.

Có tòa 100% án bị hủy, sửa

Sáng 14-1, VKSND Cấp cao tại TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm, đề ra giải pháp thực hiện năm 2019.

Theo VKSND Cấp cao tại TP.HCM, chất lượng công tác giải quyết án hình sự của các tòa địa phương trong khu vực còn nhiều hạn chế. Một số địa phương có số lượng án bị hủy, sửa nhiều như Trà Vinh (ba vụ/ba vụ xét xử, chiếm tỉ lệ 100%), Bạc Liêu (15 vụ/20 vụ xét xử, chiếm tỉ lệ 75%), Long An (12 vụ/16 vụ xét xử, chiếm tỉ lệ 75%), Đắk Nông (18 vụ/26 vụ xét xử, chiếm tỉ lệ 69,2%).

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm