“Họ đã thao túng hàng ngàn tỷ đồng”

Với nguồn thu khổng lồ từ việc bán sách, từ các dự án đổi mới chương trình giáo dục và từ ngân sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) chi tiêu thế nào? Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với nhà văn Vũ Ngọc Tiến, người đã tìm hiểu khá sâu về lĩnh vực này.

Ông Tiến khẳng định: Độc quyền về sách giáo khoa (SGK) đã tồn tại gây bức xúc từ lâu. Theo đúng kế hoạch, mỗi năm NXBGD chỉ in 10%-15% để thay sách cũ nát song NXBGD đã làm ngược lại, năm nào cũng in lại một lượng lớn SGK lên tới hàng chục triệu bản. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2004, 80% xuất bản phẩm là của NXBGD, tương đương khoảng 192/241,7 triệu bản của toàn quốc.

Thu các kiểu

Vì sao ngành giáo dục để tình trạng NXBGD độc quyền kéo dài? Theo ông Tiến, lần thay sách đầu tiên vào năm 1981 đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho NXBGD. Tiếp theo đó là “Chương trình đổi mới nội dung SGK” năm 1998 và bắt đầu triển khai năm 2002 do Bộ GD&ĐT chủ trì nhằm thay sách đồng loạt cho tất cả học sinh. Nhưng Bộ không làm vậy mà thay dưới hình thức cuốn chiếu, xé lẻ, năm nay thay lớp 1, lớp 6; năm sau thay lớp 2, lớp 7. Vì vậy đã tạo điều kiện cho NXB in lại SGK kéo dài.

Ông Vũ Ngọc TiếnTheo tìm hiểu của ông Tiến, liên quan đến SGK còn nguồn thu cực lớn khác là dự án do lãnh đạo Bộ làm chủ: Dự án “Đổi mới chương trình SGK tiểu học” trị giá 77 triệu USD do Thứ trưởng Lê Vũ Hùng (đã mất) quản lý; dự án “Đổi mới chương trình THCS” trị giá 71,5 triệu USD do Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng quản lý. Đi theo là các dự án “con” như “Bồi dưỡng giáo viên dạy theo sách mới của trường tiểu học” trị giá 145 triệu USD do Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai phụ trách; dự án “Bồi dưỡng giáo viên dạy theo cách mới của THCS” trị giá 35 triệu USD do nguyên Thứ truởng Nguyễn Tấn Phát phụ trách.

Cũng theo tài liệu ông Tiến có được, Bộ GD&ĐT từng quản lý 77 dự án vốn ODA với tổng số vốn một tỷ 109 triệu USD, trong đó 509,4 triệu USD là vốn viện trợ, 559,6 triệu USD là vốn vay có lãi. Theo kế hoạch đã được ký kết, giai đoạn 2006-2010, Bộ tiếp tục ký 49 dự án với tổng số vốn khoảng 500 triệu USD nữa. Trong số 77 dự án trên, có hai dự án “Đổi mới giảng dạy THCS1 và THCS2”. Thế nhưng trong tổng số 49 dự án sắp tới của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, Bộ vẫn tiếp tục vay 55 triệu USD để làm tiếp cái gọi là cải tiến chương trình THCS?!

Sách giáo khoa “tiếp thị” cho sách tham khảo

Ông Tiến còn phát hiện: Tại trang 140 sách Tập làm văn lớp 12 có đề bài tập cho học sinh: “Trong bộ đề thi tuyển sinh vào đại học có đề văn như sau....”. Hay trang 145, bài tập số năm cũng có đoạn “Trong bộ đề thi vào đại học có câu hỏi sau...”. “Họ, NXBGD đã dùng SGK để tiếp thị sách tham khảo. Học sinh làm sao có sự lựa chọn khác nếu không có quyển sách tham khảo trong tay?” - ông Tiến đặt vấn đề.

Ông Tiến cho biết theo quy định của ngành xuất bản, nếu in trên 1.000 bản thì giá sách giảm đi năm lần. Nếu anh in một cuốn sách 10.000 đồng, lúc in trên 1.000 cuốn thì giá giảm xuống còn 2.000đồng/cuốn. Ngoài ra, việc trả nhuận bút cho các tác giả biên soạn SGK là 300.000 đồng/tiết nhưng thực tế NXBGD lại trả cho người biên soạn 350.000 đồng/tiết. Nếu tái bản, nhóm biên soạn còn được nhận thêm 30% số tiền đó nữa. NXBGD sẽ lấy tiền ở đâu để chi trả cho việc viết sách tham khảo cũng khá lớn như vậy?

Ông Tiến cũng cho hay NXBGD từng khẳng định sẽ trả tiền nhuận bút cho người viết sách tham khảo từ 100 đến 150 triệu đồng (cỡ 35%-50% giá bìa), trong khi đó thì theo quy định, NXB chỉ phải trả từ 8% đến 12% giá bìa. Với lối trả theo kiểu mua đứt bản quyền như vậy thì có lẽ lỗ to chăng? Song làm kinh doanh nếu cứ chịu lỗ như vậy thì có tin được không?

Ngoài ra, theo ông Tiến, ông Ái (Tổng Giám đốc NXBGD - PV) phải có trách nhiệm về sai sót của SGK. Bởi vì chưa có một NXB nào có gần 1.600 nhân viên, trong đó trên 400 biên tập viên có trình độ trên thạc sĩ mà bài Bình Ngô đại cáo (Lịch sử lớp 10) có nội dung Nguyễn Trãi có công bảo vệ môi trường!? Hay như sách Vật lý lớp 9, tiến sĩ Nguyễn Khải có thể chỉ ra được 74 lỗi, trong đó có 23 lỗi sai trầm trọng về kiến thức.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm