Hồ sơ liên thông: Nộp 1 cửa nhưng đi nhiều phòng

(PLO)- Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ liên thông chưa đồng bộ, thống nhất, có tình trạng hồ sơ nộp một cửa nhưng đi nhiều phòng, tức một nơi tiếp nhận hồ sơ, nhưng nhiều cơ quan giải quyết khiến hồ sơ đi lòng vòng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 2-11, tại hội trường Công an TP.HCM, UBND TP.HCM đã tổ chức tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn TP.

Chủ trì tọa đàm có Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, Phó Giám đốc Công an TP Trần Đức Tài.

ho-so-lien-thong-1.jpg
Toàn cảnh tọa đàm về Đề án 06. Ảnh: HÀ THƯ

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đề án 06, hai nhóm thủ tục liên thông “Đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng” vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định.

Từ ngày 10-7 đến nay, UBND phường, xã, thị trấn đã tiếp nhận 2.624 hồ sơ thuộc hai nhóm thủ tục liên thông trên Phần mềm dịch vụ công liên thông, ghi nhận đã xử lý xong 692 hồ sơ (gồm 691 hồ sơ nhóm liên thông khai sinh; một hồ sơ nhóm liên thông khai tử). Số hồ sơ còn lại là số hồ sơ không hoặc chưa được tiếp nhận, hồ sơ cần phải bổ sung, hồ sơ dừng xử lý.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết hiện nay hệ thống cơ sở dữ liệu của TP kết nối quá nhiều với dữ liệu của bộ, ngành. Trong đó hai nhóm thủ tục liên thông nêu trên phải qua đến bốn hệ thống của bốn cơ quan gồm Bộ Tư pháp, BHXH, Bộ Công an và Cổng Dịch vụ công.

ho-so-lien-thong-3.jpg
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HÀ THƯ

TP.HCM phải đề xuất Bộ Tư pháp nâng cấp kịp thời phần mềm để có thể giải quyết mượt mà hồ sơ của người dân hơn.

Bà Trinh cũng nhìn nhận, để có nền hành chính hiện đại thì trước hết cần đơn giản thủ tục rồi xử lý vấn đề kỹ thuật sau. Bà cho biết thủ tục về lý lịch tư pháp hiện nay không còn yêu cầu bản sao CCCD, nhưng hệ thống DVC vẫn nhận bản sao CCCD.

Còn ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM, nhìn nhận hiện nay nhiều trở ngại, vướng mắc trong thực hiện Đề án 06 là nằm ở khâu nộp, tiếp nhận hồ sơ trên phần mềm DVC liên thông.

“Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ liên thông chưa đồng bộ, thống nhất, có tình trạng hồ sơ nộp một cửa nhưng đi nhiều phòng, tức một nơi tiếp nhận hồ sơ, nhưng nhiều cơ quan giải quyết và trách nhiệm xử lý của từng cơ quan lòng vòng, cắt khúc; chưa có bộ phận chuyên trách xử lý các vướng mắc phát sinh” – ông Lưu nói và cho biết hệ thống phần mềm DVC liên thông chưa hoàn chỉnh, chưa hỗ trợ các chức năng thống kê, báo cáo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý hồ sơ…

Ông Nguyễn Triều Lưu cũng cho biết có tình trạng lỗi đồng bộ kéo dài hàng ngày, nhiều giờ. Ông dẫn chứng giấy khai sinh đã có bản điện tử rồi nhưng khi đăng kí thường trú thì lại báo chưa có hồ sơ, BHYT cũng chưa có hồ sơ để giải quyết trong thời hạn quy định là khó khăn.

ho-so-lien-thong-2.jpg
Ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HÀ THƯ

Cũng theo ông Lưu, có nhiều hồ sơ gửi yêu cầu nhưng rất chậm được giải quyết; chưa kể có trường hợp gửi yêu cầu cấp số định danh cá nhân từ ngày 9-10, nhưng đến nay (2-11) mới được giải quyết khiến người dân kêu gào rất nhiều.

Lý giải về vấn đề này, ông cho biết khi tiếp nhận hồ sơ đầu vào trên hệ thống DVC, có tình trạng “hồ sơ nào cũng được tiếp nhận hết”, tức có những hồ sơ không đủ điều kiện, không đúng thẩm quyền vẫn được tiếp nhận.

Tuy nhiên, khi Cổng DVC tiếp nhận hồ sơ thì bộ phận tư pháp chỉ biết đến hồ sơ của bộ phận tư pháp, bởi vì cán bộ hộ tịch chỉ xử lý trên phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp, mà trên phần mềm đó cán bộ cũng chỉ nhìn thấy được hồ sơ đăng ký khai sinh, không nhìn thấy hồ sơ đăng ký thường trú.

Do đó, sau khi giải quyết xong hồ sơ đăng ký khai sinh, chuyển sang đăng ký thường trú thì lại không đúng hồ sơ, không đúng thẩm quyền nhưng không thể bổ sung hồ sơ nên phải từ chối.

“Vậy tại sao không giải quyết câu chuyện đó ngay từ đầu vào, có nghĩa rằng những trường hợp đủ điều kiện đầy đủ hồ sơ thì mới được tiếp nhận, tránh mất thời gian cho cán bộ công chức và cả người dân” – ông Lưu đề nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhìn nhận, việc triển khai hai nhóm thủ tục liên thông “Đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng" vẫn còn khó khăn vì các tính năng đang bị thiếu, dữ liệu chưa đủ.

Ông cho rằng hai nhóm thủ tục này phức tạp vì phải kết nối bốn hệ thống khác nhau, do đó các cơ quan, đơn vị phải phải quyết tâm thực hiện tốt nhóm thủ tục này bằng mọi giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm