Về các quyền của phụ nữ và trẻ em
Những điều kiện sống của phụ nữ và trẻ em ở Mỹ là tồi tệ và các quyền của họ không được bảo đảm một cách đúng đắn.
Phụ nữ không được hưởng địa vị chính trị và xã hội bình đẳng như nam giới. Phụ nữ chiếm 51% số dân Mỹ, nhưng chỉ có 92 phụ nữ làm nghị sĩ tại QH nhiệm kỳ 111 của Mỹ. Phụ nữ giữ 17 ghế Thượng viện và 75 ghế Hạ viện (Các thành viên QH Mỹ nhiệm kỳ 111, http://en.wikipedia.org).
Một cuộc điều tra cho thấy, người thiểu số và phụ nữ không được giữ các chức vụ cao trong các tổ chức từ thiện và phi lợi nhuận. Theo nghiên cứu này, phụ nữ chiếm 18,8% số người đứng đầu các tổ chức phi lợi nhuận và chỉ 3% trong 500 công ty hàng đầu của Tạp chí Fortune. Trong số 400 tổ chức từ thiện lớn nhất ở Mỹ, không có phụ nữ nào đứng đầu tổ chức văn hóa, nhóm các vấn đề về công cộng, y tế hoặc tổ chức tôn giáo (Thời báo Oasinhtơn, 20-9-2009).
Theo trung tâm quốc gia về gia đình vô gia cư ở Mỹ Cứ 50 trẻ em có một em từng phải sống vô gia cư
Phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong tìm việc làm và phải gánh chịu thu nhập thấp và tình hình tài chính nghèo nàn. Theo thống kê của Ủy ban cơ hội việc làm bình đẳng Mỹ (EEOC), trong năm tài chính 2008 có 95.402 cáo buộc về phân biệt đối xử ở nơi làm việc, tăng 15% so với năm trước. Theo thống kê của Cục điều tra dân số Mỹ tháng 9-2009, thu nhập trung bình của lao động nữ làm đủ giờ ở Mỹ năm 2008 là 35.745 USD, bằng 77% thu nhập (năm 2007 là 78%) của lao động nam là 46.367 USD (Báo Phố Uôn, 11-9-2009; www.census.gov,10-9-2009).
AP ngày 5-10-2009 cho biết, một nữ dược sĩ làm việc cho công ty Walmart được mười năm đã bị sa thải năm 2004 vì yêu cầu được hưởng thu nhập bằng đồng nghiệp nam. Ðến cuối năm 2008, có 4,2 triệu phụ nữ, chiếm 28,7% số hộ với phụ nữ là chủ gia đình, là những người nghèo khổ (www.census.gov, 10-9-2009). Khoảng64 triệu, hay 70% số lao động nữ không có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm không đầy đủ và tiền chữa bệnh cao, nợ nhiều khiến họ không đến được nơi chăm sóc sức khỏe do chi phí cao (Kiều báo, 12-5-2009).
Phụ nữ thường xuyên là nạn nhân của bạo lực và xâm hại tình dục. Mỹ là nước có tỷ lệ các vụ hiếp dâm cao nhất trong các nước được thống kê về tỷ lệ này. Tỷ lệ hiếp dâm ở Mỹ cao hơn 13 lần so với ở Anh và 20 lần ở Nhật Bản (Tình trạng hiếp dâm, http://www.sa.rochester.edu). Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, năm 2008 có hơn 2.900 vụ xâm hại tình dục trong quân đội Mỹ được thông báo, tăng gần 9% so với năm trước. Và trong số này chỉ có 292 vụ được đưa ra xét xử ở tòa án quân sự. Con số thực tế các vụ xâm hại tình dục trong quân đội cao hơn từ năm đến mười lần so với con số báo cáo nói trên của Lầu năm góc (Tin tức buổi tối của Hệ thống phát thanh Cô-lum-bi-a, 17-3-2009). Theo Roi-tơ ngày 16-4-2009, trong số 40 quân nhân nữ được phỏng vấn, có mười người nói rằng họ bị hiếp dâm, năm người bị xâm hại tình dục và 13 người bị quấy rối tình dục.
Trẻ em Mỹ phải sống trong đói nghèo và giá rét. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, 16,7 triệu trẻ em, chiếm một phần tư số trẻ em Mỹ không đủ ăn trong năm 2008 (Bưu điện Oa-sinh-tơn, Nước Mỹ ngày nay, 17-11-2009). Báo cáo của Cơ sở cứu trợ lương thực ở Mỹ cho biết, có hơn 3,5 triệu trẻ em, chiếm 17% số trẻ em năm hoặc dưới năm tuổi, bị thiếu đói hoặc suy dinh dưỡng. Ở 11 bang, hơn 20% sốtrẻ em đứng trước nguy cơ thiếu đói. Bang Lu-i-xi-a-na, với con số 24,2%, là bang có tỷ lệ trẻ em thiếu đói cao nhất (www.feedingamerica.org, 7-5-2009).
Số dân từ 18 tuổi trở xuống chiếm hơn một phần ba số người Mỹ sống ở mức nghèo khổ. Theo số liệu của Cục điều tra dân số Mỹ, số người hơn 18 tuổi sống trong cảnh đói nghèo đã tăng từ 13,3 triệu năm 2007 lên 14,1 triệu năm 2008 (http://www.census.gov, Bưu điện Oasinhtơn, 11-9-2009).
Theo thống kê của Trung tâm quốc gia về người vô gia cư, từ năm 2005 đến 2006, mỗi năm ở Mỹ có hơn 1,5 triệu trẻ em, tức là cứ 50 trẻ em thì có một là người vô gia cư. Trong số trẻ em vô gia cư, 42% số trẻ em hơn sáu tuổi và số đông là trẻ em người Mỹ gốc châu Phi và người da đỏ (CNN.com, MSNBUC.com, 10-3-2009). Năm 2008, gần một phần mười số trẻ em ở Mỹ không có bảo hiểm y tế. Ở bang Nêvađa, 20,2% số trẻ em không có bảo hiểm y tế (http://www.census.gov, Bưu điện Oasinhtơn, 21-9).
Ngày 13-8-2009, bang California đã bỏ phiếu sẽ chấm dứt bảo hiểm y tế cho hơn 60 nghìn trẻ em vào ngày 1-10. Chương trình này cuối cùng sẽ làm cho gần 670 nghìn trẻ em không có bảo hiểm y tế vào cuối tháng 6-2010 (Thời báo Lốt Angiơlét, Kiều báo, 14-8-2009). Một cuộc nghiên cứu do Trung tâm trẻ em Giôn Hópkin cho thấy thiếu bảo hiểm y tế đã dẫn đến hoặc góp phần làm cho gần 17 nghìn trẻ em chết trong bệnh viện ở Mỹ trong khoảng thời gian chưa đầy hai thập kỷ (Báo Sức khỏe công cộng, 30-10-2009). Theo Trung tâm phòng ngừa và ngăn chặn bệnh dịch Mỹ, từ tháng 4 đến 10-2009, có khoảng tám triệu trẻ em Mỹ dưới 18 tuổi đã bị nhiễm vi-rút cúm A (H1N1), trong đó 540 em đã chết (Nước Mỹ ngày nay, Nhật báo phố Uôn, 13-11-2009).
Trẻ em Mỹ là nạn nhân của bạo lực và sống trong sợ hãi. Trong năm 2008, trên toàn nước Mỹ có 1.494 trẻ em trên 18 tuổi bị giết chết (Nước Mỹ ngày nay, 8-10-2009). Báo cáo của Sở Y tế TP Niu Oóc công bố ngày 16-6-2009 cho biết, từ năm 2001 đến 2007, tỷ lệ trẻ em chết trung bình toàn quốc là 20/100.000 em ở lứa tuổi từ 1 đến 12. Tỷ lệ giết người là 1,3/100.000 trong nhóm tuổi này (http://www.nyc.gov).
Một cuộc điều tra 4.549 trẻ em ở tuổi vị thành niên, 17 tuổi hoặc dưới, do Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành từ tháng 1 đến 5-2008 cho thấy hơn 60% trong số này là nạn nhân của bạo lực một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trong năm 2009. Gần một nửa số trẻ em nói trên bị hành hung ít nhất một lần; khoảng 6% là nạn nhân của lạm dụng tình dục và 13% bị xâm hại cơ thể trong năm 2009 (AP, 7-10-2009).
Từ năm 2002, tại bang Tếchdớt, có ít nhất 1.227 trẻ em chết vì bị lạm dụng hoặc bị bỏ rơi (Biên niên sử Hiuxtơn, 22-10-2009). Ở Mỹ, mỗi năm có một phần ba số trẻ em bỏ nhà hoặc buộc phải bỏ nhà ra đi thường đi làm điếm để đổi lấy miếng ăn, ma túy và chỗ trú thân. Hệ thống tư pháp từ lâu không coi họ là những nạn nhân trẻ mà coi họ là những người phạm tội còn vị thành niên (Kiều báo, 28-1-2009).
Trẻ em làm việc tại các trang trại là tình trạng phổ biến ở Mỹ. Theo số liệu của một tổ chức bảo vệ các quyền của trẻ em, có khoảng 400 nghìn trẻ em làm việc tại các trang trại Mỹ. Ông Ð.Xtrau-xơ, Giám đốc chấp hành Hiệp hội các chương trình cơ hội lao động trang trại, cho biết, hàng thập kỷ nay, trẻ em ở độ tuổi từ tám trở lên đã sử dụng các công cụ nặng và phun thuốc trừ sâu độc hại trên cánh đồng. Theo Giám đốc Hiệp hội này, ông E.Phlo-rét, trẻ em chiếm khoảng 20% tổng số người chết khi làm việc ở các trang trại tại Mỹ (Báo Nổi dậy của Tây Ban Nha, 14-10-2009).
Một đạo luật về tiêu chuẩn lao động cho phép trẻ em ngoài 13 tuổi lao động dưới trời nắng ở trang trại, nhưng lại không cho trẻ em ở lứa tuổi này làm việc trong nơi làm việc có điều hòa nhiệt độ thậm chí còn cấm chúng làm việc tại cửa hàng thức ăn nhanh. Mỹ là nước duy nhất trên thế giới không áp dụng chế độ trả tự do đối với vị thành niên. Các vụ bắt giữ vị thành niên tăng 44% từ năm 1985 đến 2002. Nhiều trẻ em chỉ phạm tội nhẹ nhưng không nhận được sự giúp đỡ của các luật sư. Nhiều thẩm phán làm ngơ trước việc vị thành niên bị lạm dụng trong nhà tù.
Về sự vi phạm nhân quyền của Mỹ chống lại các quốc gia khác
Hoa Kỳ với sức mạnh quân sự lớn đã từ lâu theo đuổi bá quyền trên thế giới, chà đạp chủ quyền và nhân quyền của các nước khác.
Là lái súng lớn nhất thế giới, các thương vụ vũ khí của Mỹ đã góp phần lớn gây bất ổn trên khắp thế giới. Mặc dù là nước chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ vẫn gia tăng chi tiêu quân sự, tăng 10% so với năm 2008, lên 607 tỷ USD, chiếm 42% tổng chi tiêu quân sự của thế giới (AP, 9-6-2009).
Theo một báo cáo của QH Mỹ, các vụ bán vũ khí của Mỹ ra nước ngoài năm 2008 tăng vọt thêm 50% lên 37,8 tỷ USD từ 25,4 tỷ năm 2007, chiếm 68,4% kim ngạch mua bán vũ khí toàn cầu (Roi-tơ, 6-9-2009). Ðầu năm 2010, chính phủ Mỹ công bố gói vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD bán cho Ðài Loan bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ và nhân dân Trung Quốc, vì hành động này làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích an ninh quốc gia và lòng tự tôn dân tộc của nhân dân Trung Quốc.
Các cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan đã đè nặng lên người dân Mỹ và gây ra tổn thất to lớn về người và của cho nhân dân I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Cuộc chiến ở I-rắc đã làm hơn một triệu dân thường I-rắc chết, một triệu người mất nhà cửa và gây ra thiệt hại khổng lồ về kinh tế. Tại Áp-ga-ni-xtan, các vụ quân đội Mỹ giết dân thường vô tội vẫn tiếp diễn. Năm nông dân Áp-ga-ni-xtan đã bị giết trong một vụ không kích của Mỹ khi họ đang chất dưa chuột lên một chiếc xe tải ngày 5-8-2009 (http://www.rawa.org).
Ngày 8-6, Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận cuộc tiến công của Mỹ nhằm vào Ta-li-ban ngày 5-5 đã làm chết nhiều dân thường Áp-ga-ni-xtan do quân đội đã không tuân thủ những thủ tục thích hợp. Nhà chức trách Áp-ga-ni-xtan đã xác định có 147 nạn nhân là dân thường, trong đó có phụ nữ và trẻ em, trong khi phía quân đội Mỹ chỉ thông báo số người chết chưa đến 30 người (Người điều tra Phi-la-đen-phi-a, 9-6-2009).
Tình trạng lạm dụng tù nhân là một trong những bê bối nhân quyền lớn nhất của Hoa Kỳ. Một báo cáo do Ủy ban đặc biệt của LHQ về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản trong việc chống khủng bố gửi tới hội nghị lần thứ mười của Hội đồng nhân quyền LHQ năm 2009 cho biết, Mỹ đã áp dụng tổng thể các biện pháp bao gồm trục xuất đặc biệt, giam giữ dài hạn và bí mật và các hành động vi phạm Công ước LHQ về chống tra tấn.
Trong một báo cáo trình tại khóa họp 64 của Ðại hội đồng LHQ, Ủy ban này cũng cho biết, Mỹ và các nhà thầu tư nhân đã tra tấn các nam giới theo Hồi giáo bị bắt giữ tại I-rắc và các nơi khác bằng cách chụp lên người tù trần truồng một khung hình kim tự tháp, cưỡng ép họ thực hiện các hành vi tình dục đồng giới (Bưu điện Oa-sinh-tơn, 7-4-2009). Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) bắt đầu thẩm vấn bằng tra tấn từ năm 2002. Các luật sư của chính phủ Mỹ tiết lộ rằng, từ năm 2001, CIA đã hủy 92 cuốn băng ghi hình liên quan việc thẩm vấn các nghi phạm khủng bố, trong đó có 12 cuộc có dùng biện pháp tra tấn (Bưu điện Oa-sinh-tơn, 3-3-2009).
Các nhân viên thẩm vấn của CIA dùng súng ngắn và roi điện để đe dọa một chỉ huy An Kê-đa bị bắt phải cung khai (Bưu điện Oa-sinh-tơn, 22-8-2009). Các bản ghi nhớ của Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy CIA buộc các tù nhân đứng suốt 180 giờ, hơn mười người không được ngủ trong ít nhất 48 giờ, ba người không được ngủ trong hơn 96 giờ, và một người không được ngủ chút nào trong tám ngày liền (http://www.chron.com). Các nhân viên thẩm vấn CIA dùng biện pháp dìm nước 183 lần đối với Kha-lít Sếch Mô-ha-mét, một trong những kẻ bị buộc tội chủ mưu gây ra vụ khủng bố ngày 11-9-2001, và dìm nước 83 lần với A-bu Du-bay-đa, kẻ bị tình nghi là một thủ lĩnh An Kê-đa (Thời báo Niu Oóc, 20-4-2009).
Một tù nhân đã được trả tự do khỏi nhà tù Goan-ta-na-mô cho biết, anh ta đã phải chịu biện pháp tra tấn "thời trung cổ" trong nhà tù ở vịnh Goan-ta-na-mô và trong một nhà tù bí mật của CIA ở Ca-bun (AFP, Luân Ðôn, 7-3-2009). Tháng 6-2006, ba tù nhân ở Goan-ta-na-mô có thể đã bị bóp cổ tới chết trong khi thẩm vấn trong cùng một buổi tối và lý do chết được ghi vào hồ sơ là treo cổ tự sát. Vụ này bị tạp chí Harpers và NBC News phát giác, sau một cuộc điều tra chung trong sáu tháng của hai cơ quan báo chí này trong năm 2009 (www.guardian.co.uk, 18-1-2010).
Một người Xô-ma-li-a tên là Mô-ha-mét Xa-lê-ban Ba-rơ, bị tù tại nhà tù Goan-ta-na-mô trong tám năm, mô tả với AFP rằng, nhà tù này là một "địa ngục trần gian" và một số bạn tù của người này đã bị mù và què quặt, một số khác bị tổn thương tâm lý (AFP, Xô-ma-li-a, 21-12-2009). Một người Y-ê-men 31 tuổi bị giam giữ tại nhà tù Goan-ta-na-mô đã tự tử trong năm 2009 sau một thời gian dài tuyệt thực, là người thứ năm tự tử tại nhà tù này kể từ năm 2002 (Thời báo Niu Oóc, 3-6-2009).
Chính phủ Mỹ đã giam giữ hơn 600 tù nhân tại căn cứ không quân Ba-gram, Áp-ga-ni-xtan. Một báo cáo của LHQ chỉ trích nhà tù Ba-gram, cho biết một số tù nhân đã bị tra tấn dã man, thậm chí bị lạm dụng tình dục, và một số tù nhân bị giam suốt năm năm. Báo cáo này cũng cho biết một số phòng giam chứa từ 15 tới 20 tù nhân và hai người bị giam đã chết trong những trường hợp đáng ngờ (IPS, Niu Oóc, 25-2-2009). Một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy 2.000 tay súng Ta-li-ban ra hàng đã bị lực lượng vũ trang Áp-ga-ni-xtan do quân đội Mỹ chỉ huy gây ngạt tới chết (http://www.yourpolicicsusa.com, 16-7-2009).
Mỹ xây dựng các cơ sở quân sự của mình trên khắp thế giới và người ta thường xuyên thấy được các vụ vi phạm nhân quyền đối với cư dân địa phương. Mỹ hiện duy trì 900 căn cứ quân sự trên thế giới, với hơn 190.000 quân nhân và 115 nghìn nhân viên. Các cơ sở này hủy hoại nghiêm trọng, cũng như làm ô nhiễm môi trường địa phương. Chất độc do các vụ nổ bom làm số trẻ em những nơi này chết tăng lên. Các báo cáo cho thấy, trước khi kết thúc sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Xu-bích và Clác, hồ sơ lưu có tới 3.000 trường hợp phụ nữ địa phương bị quân nhân Mỹ cưỡng hiếp, nhưng tất cả đều bị bỏ qua (http://www.lexisnexis.com, 17-5-2009).
Mỹ đã duy trì cấm vận kéo dài gần 50 năm đối với Cu-ba trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và tài chính. Lệnh cấm vận của Mỹ đã gây thiệt hại trực tiếp về mặt kinh tế tới hơn 93 tỷ USD đối với Cu-ba. Ngày 28-10-2009, Ðại hội đồng LHQ khóa 64 đã thông qua Nghị quyết "Cần chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt chống Cu-ba", với số phiếu ủng hộ kỷ lục là 187, ba phiếu chống và hai phiếu trắng. Ðây là năm thứ 18 liên tiếp, số đông các nước tại Ðại hội đồng kêu gọi Mỹ ngay lập tức không trì hoãn việc dỡ bỏ cấm vận đối với Cu-ba (xem Ða số cộng đồng quốc tế phản đối Mỹ cấm vận chống Cu-ba tại LHQ, www.cubanews.ain.cu).
Mỹ đang đẩy mạnh sự bá quyền của mình dưới chiêu bài "tự do in-tơ-nét". Mỹ độc quyền các nguồn chiến lược của mạng toàn cầu và luôn kiểm soát chặt in-tơ-nét kể từ khi mạng xuất hiện. Hiện thế giới có 13 máy chủ và Mỹ là nơi đóng đô của máy chủ chính duy nhất và chín trong số 12 máy chủ còn lại. Tất cả các máy chủ do Tổ chức quản lý mã số và tên miền quốc tế (ICANN) quản lý. Tổ chức này, được Chính phủ Mỹ cho phép, chịu trách nhiệm quản lý hệ thống máy chủ toàn cầu, hệ thống tên miền và địa chỉ giao thức liên mạng (IP).
Mỹ đã khước từ mọi đề nghị của các nước khác cũng như các tổ chức quốc tế, gồm cả LHQ, phá bỏ độc quyền đối với các máy chủ và phân bổ quyền quản lý đối với in-tơ-nét. Mỹ đã can thiệp công việc nội bộ của các nước khác bằng nhiều cách thông qua việc lợi dụng quyền kiểm soát các nguồn in-tơ-nét. Mỹ có hẳn một biệt đội tin tặc, gồm các tin tặc giỏi được tuyển mộ từ khắp nơi trên thế giới.
Khi tình trạng bất ổn sau bầu cử ở I-ran nổ ra vào mùa hè năm 2009, các phe phái cải cách thất cử và những người ủng hộ họ đã sử dụng công cụ của in-tơ-nét như mạng xã hội Twitter để phát đi thông điệp của mình. Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu nhà điều hành mạng Twitter tạm ngừng kế hoạch giúp phe đối lập giành được sự ủng hộ của dư luận. Tháng 5-2009, một trang web, do các nhà chức trách Mỹ tung ra, đã phong tỏa dịch vụ gửi tin nhắn nhanh (Messenger) tại năm quốc gia, trong đó có Cu-ba.
Mỹ sử dụng một hệ thống đánh chặn toàn cầu có tên ECHELON để nghe trộm thông tin liên lạc trên toàn thế giới. Báo cáo của Nghị viện châu Âu (EP) chỉ ra rằng, hệ thống ECHELON là một mạng lưới do Mỹ kiểm soát nhằm thu thập và phân tích thông tin tình báo. Hệ thống này có khả năng nghe lén và giám sát nội dung các cuộc gọi điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các thông tin số khác được chuyển qua mạng lưới điện thoại công cộng, vệ tinh và vi sóng.
EP chỉ trích Mỹ sử dụng hệ thống ECHELON để phạm tội, như tội vi phạm đời tư của công dân hoặc hoạt động gián điệp công nghiệp của quốc gia, trong đó vụ tai tiếng nhất là hợp đồng mua máy bay trị giá sáu tỷ USD của Ả-rập Xê-út (xem Wikipedia). Các cuộc gọi điện thoại của công nương Ði-a-na đã bị chặn hoặc nghe lén bởi vì chiến dịch chống mìn toàn cầu của công nương là một cuộc chiến chống lại các chính sách của Mỹ. Báo Bưu điện Oa-sinh-tơn từng viết rằng, các hành động gián điệp kiểu như vậy, do các nhà chức trách Mỹ thực hiện, gợi lại cuộc chiến tranh Việt Nam, khi Mỹ cho nghe trộm và giám sát các nhà hoạt động chống chiến tranh trong nội bộ nước Mỹ.
Mỹ phớt lờ Công ước quốc tế về quyền con người và không coi trọng thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người. 32 năm trước, Mỹ đã ký Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; 29 năm trước ký Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, nhưng đến nay, Mỹ vẫn chưa phê chuẩn những công ước trên. Kể cả Công ước về quyền của người tàn tật Mỹ cũng chưa phê chuẩn. Ngày 13-9-2007, Ðại hội đồng LHQ khóa 61 đã thông qua Tuyên bố về quyền của thổ dân, một văn kiện toàn diện và thấu đáo nhất của LHQ nhằm bảo vệ quyền của thổ dân. Mỹ cũng từ chối công nhận Tuyên bố này.
Các nhân tố vừa đề cập ở trên cho thấy Mỹ không những có hồ sơ nhân quyền tồi tệ ngay trong nội bộ nước Mỹ, mà còn là nguồn chính gây những thảm họa về nhân quyền trên toàn thế giới. Trong một thời gian dài, Mỹ tự đặt mình cao hơn các quốc gia khác, tự xưng là "cảnh sát nhân quyền thế giới", nhưng lại phớt lờ những vấn đề nhân quyền trầm trọng của nước mình.
Hết năm này sang năm khác, Mỹ công bố Báo cáo nhân quyền của các quốc gia, chỉ trích tình trạng vi phạm nhân quyền của nước khác, sử dụng đó làm công cụ để can thiệp và bôi nhọ nước khác, đồng thời tìm kiếm lợi ích chiến lược cho riêng mình. Khi mà thế giới đang chịu những thảm họa nhân quyền nghiêm trọng nảy sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lan ra từ khủng hoảng tín dụng của Mỹ, thì Chính phủ Mỹ vẫn phớt lờ hàng loạt vấn đề nhân quyền trầm trọng của mình, nhưng lại say sưa buộc tội các nước khác.
Theo Nhân Dân