Thông tin tại hội nghị cho hay thời gian qua, các cơ quan chức năng có nhiều chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN. Cụ thể, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP (ITPC) tổ chức các buổi đối thoại giữa DN và chính quyền TP; điều hành hệ thống đối thoại qua mạng và đã trả lời gần 4.000 câu hỏi của DN.
Cục Thuế TP.HCM và các chi cục thuế cũng đã đối thoại trên 250 lần với cộng đồng DN trong ba năm qua. Qua các cuộc đối thoại này đã giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề bức xúc của DN.
Tuy nhiên, bà Cao Thị Phi Vân, Giám đốc ITPC, cho hay việc hỗ trợ pháp lý có những lúc quá tải và không hiệu quả vì DN thường hỏi giống nhau mà không tìm hiểu trước. Ví dụ, khi Luật Thuế thu nhập cá nhân mới có hiệu lực, mỗi ngày trung tâm nhận được rất nhiều câu hỏi của DN nhưng đều xoay quanh cùng một nội dung là “thu nhập đến bao nhiêu thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân?” trong khi nội dung này đã có sẵn rất nhiều trên Internet.
Còn theo báo cáo của Sở Tư pháp TP, các câu hỏi của DN chủ yếu là những thắc mắc về trường hợp cụ thể của từng DN và hướng giải quyết như thế nào. Trong khi đó, Nghị định 66/2008 lại quy định việc giải đáp pháp luật không áp dụng với các yêu cầu giải đáp trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Sở Tư pháp đánh giá đây là một khó khăn, vướng mắc trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN.
Trước thực tế trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận xét việc hỏi cơ quan quản lý trực tiếp không giải quyết được hiệu quả vướng mắc của DN, trong khi DN muốn gửi câu hỏi lên cấp bộ thì phải hỏi cấp tỉnh, thành trước. Vì vậy quá trình giải quyết thắc mắc, vướng mắc của DN hiện quá chậm mà nhu cầu của DN thì cấp bách.