Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam), cho rằng việc tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp chưa phát huy hiệu quả. Doanh nghiệp không tin tưởng vào tư vấn viên, sẽ không thổ lộ câu chuyện kinh doanh của mình mà chỉ hỏi vu vơ những câu vô thưởng vô phạt.
Có luật sư phản ánh rằng việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền là có nhưng doanh nghiệp không quan tâm! Liệu doanh nghiệp có quan tâm không nếu như đến tập huấn chỉ nghe những thông tin văn bản mà họ hoàn toàn dễ dàng tìm thấy trên Internet?!
Ông Bùi Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kiến nghị nhiều biện pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Cần xây dựng một cổng thông tin hỗ trợ các doanh nghiệp, liên quan đến quy định pháp luật. Có thể kết nối với bộ, ngành, để doanh nghiệp lên đấy là có thể tiếp cận pháp luật, các bộ.
"Nên chăng nghiên cứu một đường dây nóng kết nối bộ ngành, cơ quan để doanh nghiệp yên tâm phản ánh vướng mắc của mình để được giải quyết. Nhiều tình huống chúng ta đổ lỗi doanh nghiệp thiếu hiểu biết pháp luật, nhưng ta không thấy rằng quy định chúng ta ban hành nhiều quá, thay đổi nhanh quá, khiến doanh nghiệp không kịp cập nhật, đang gây khó cho doanh nghiệp", ông Hùng phân tích.
Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp), Phó Trưởng ban quản lý Chương trình 585, cho rằng cần có một cổng thông tin để doanh nghiệp đẩy vấn đề pháp lý của doanh nghiệp lên, để các cơ quan quản lý trả lời. Việc xây dựng mạng lưới tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp là cần thiết.
Quan trọng nhất là các tư vấn viên phải có đủ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn để giúp doanh nghiệp.
Ông cũng cho rằng cần chuyển sang tư vấn trực tuyến về pháp lý trên mạng, giảm tư vấn trực tiếp. Khi giải quyết tư vấn, cần đưa ra kinh nghiệm chung để các doanh nghiệp khác cũng có thể tìm kiếm, áp dụng. Cần chuyển tải kết quả tư vấn lên các trang web cho cộng đồng doanh nghiệp tham khảo.