Cải lương đang nhận được sự quan tâm của Nhà nước và cả xã hội về sự sống còn của một loại hình nghệ thuật độc đáo, mang đậm tính tự tình dân tộc, lừng lẫy một thời. Sân khấu kịch nói nhộn nhịp, năng động, đậm tính Sài Gòn, là điểm sáng văn hóa tự hào của TP.HCM. Tuy nhiên, cả hai loại hình nghệ thuật này đều đang có những khó khăn trong phát triển liên quan đến rạp diễn.
Sân khấu chới với vì rạp
Năm 2017, vào những ngày cận tết, sân khấu Hoàng Thái Thanh phải ngậm ngùi tháo bỏ mọi thiết bị âm thanh, ánh sáng, phông màn vừa mới gắn tại hội trường Nhà Thiếu nhi TP.HCM vì bất ngờ nhận được quyết định TP không cho nơi dành cho thiếu nhi thành điểm diễn kịch người lớn. Cấp tốc quay trở lại Nhà Thiếu nhi quận 10 cho kịp diễn tết, nghệ sĩ Thành Hội, Giám đốc Kịch Hoàng Thái Thanh, cho biết đã lỗ 500 triệu đồng vì sự dời rạp này.
Cách nay hai năm, nghệ sĩ kịch nói Ngọc Trinh đã kiện Nhà hát Kịch TP.HCM vì nơi này đã đơn phương chấm dứt hợp tác, không cho sân khấu kịch của chị thuê rạp để diễn nữa. Việc mất điểm diễn này khiến Ngọc Trinh bị thiệt hại hơn nửa tỉ đồng. Cùng đó, giấc mơ có một sân khấu riêng để hoạt động nghệ thuật của chị cũng tan biến.
Gần đây nhất, vào năm 2018, nghệ sĩ Hồng Vân đã kêu cứu vì điểm diễn Kịch Phú Nhuận của chị ở Trung tâm Thương mại Super Bowl đòi tăng giá quá khả năng chi trả của chị. Mặc dù sau kêu cứu, nơi này không tăng giá nữa, song đến nay Kịch Phú Nhuận cũng khốn đốn, hiện thời vẫn chưa ổn định vì chủ đầu tư thu hồi đất cho dự án mới.
Rạp Hưng Đạo mới ngốn đến hơn 130 tỉ đồng xây dựng nhưng… khó để diễn. Ảnh: H.BÌNH
Không cần xây mới rạp hát
Nghệ sĩ Vũ Luân, một người từng làm đoàn hát cải lương thành công, bày tỏ: “Tôi phải có một cái rạp làm điểm diễn thường xuyên mới dám đầu tư làm đoàn, làm nhiều vở được. Giờ tôi diễn tại rạp Hưng Đạo mới, dù không bằng rạp cũ nhưng đâu phải lúc nào muốn thuê rạp cũng được. Rạp có khi mắc chuyện này chuyện kia hay có đoàn khác đăng ký”.
Nghệ sĩ Kim Tử Long cũng bày tỏ mong muốn nhà nước hỗ trợ rạp giá rẻ làm nơi tập, diễn cho các đoàn cải lương chứ giá thuê giờ mắc quá. Nghệ sĩ Kim Tử Long cho rằng không cần xây mới rạp, nhà nước chỉ cần trùng tu lại các rạp hát cũ giao cho nghệ sĩ là được. Cùng ý kiến này, trên các trang mạng xã hội và những buổi tọa đàm về cải lương, có nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề về các rạp hát cũ của Sài Gòn trước năm 1975 đang bị sử dụng lãng phí, không đúng mục đích.
Ông Hoàng Hiệp, giảng viên và là một khán giả hơn 50 tuổi, mê cải lương, coi cải lương từ bé thống kê: “Rạp Hưng Đạo xây hỏng rồi, rạp Olympic nay là Trung tâm Văn hóa TP không hoạt động gì. Rạp Công Nhân giao cho Nhà hát Kịch TP.HCM một năm diễn không bao nhiêu suất, còn lại đóng cửa hoặc cho thuê lại để xuống cấp trầm trọng.
Rạp Thanh Vân, Kim Châu, Long Phụng có vị trí ngay trung tâm TP giao cho các đoàn nhà nước cũng đóng cửa quanh năm, bên trong cũ kỹ, bên ngoài cũng im lìm. Rạp Quốc Thanh biến thành nơi chiếu phim. Rạp Cao Đồng Hưng ở chợ Bà Chiểu, rạp Kinh Thành ở đường Hai Bà Trưng biến thành nhà sách. Rạp Cầu Bông nay thành gì không rõ. Chưa kể rạp Vinh Quang, rạp Văn Hoa... đã biến thành cao ốc. Tôi yêu sân khấu, thương sân khấu thiếu rạp, nhà nước thì cứ bảo thiếu quỹ đất, thiếu tiền để xây nhà hát, trong khi rạp cũ để đó và sử dụng sai mục đích”.
Còn với giới làm kịch TP.HCM, mong muốn của họ cũng chỉ là được giao rạp, hỗ trợ rạp. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Kịch IDÉCAF thẳng thắn: “Tôi đồng ý phương án trùng tu các rạp cũ để không vướng về quỹ đất và kinh phí, sau đó giao lại cho các đơn vị làm sân khấu, không phân biệt nhà nước, tư nhân đấu thầu để sử dụng. Nếu cho thuê mướn lại rạp thì phải đúng mục đích biểu diễn nghệ thuật và trong mức giá quy định. Kể cả các rạp đang giao cho các đơn vị nghệ thuật nhà nước cũng phải tính như vậy vì sự cống hiến của tư nhân trong lĩnh vực sân khấu hiện nay là chính yếu.
Ngoài ra, TP cũng cần làm rõ chức năng của Nhà hát TP.HCM xem đó là nơi biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu hay nơi để cho thuê, mướn bất kỳ nội dung gì. Nếu là nơi dành cho biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu của TP thì cần công khai một tháng sẽ diễn bao nhiêu suất, giá ưu đãi như thế nào, các đoàn nào có thể đăng ký, lịch đăng ký ra sao.
10 năm qua, tôi nghe rất nhiều về chủ trương của HĐND TP rằng thu hồi các rạp, trùng tu để giao cho các đoàn mà chưa thành?”.
Trong năm kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương - 2018, phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã đặt câu hỏi “Nghệ sĩ cần gì, muốn gì cho cải lương ở thời điểm này?”. Các nghệ sĩ nhiều thế hệ như Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Minh Vương, Thanh Hằng, Kim Tử Long, Linh Tâm, Chí Linh... đều trả lời họ muốn có một cái rạp to, đẹp, hiện đại dành cho cải lương. Từ hơn 15 năm qua, giới làm kịch ở TP.HCM thường xuyên bức xúc về chuyện sân khấu kịch không có rạp, toàn thuê hội trường làm rạp diễn. |