Tuy nhiên, lâu nay chúng ta có cái nhìn phiến diện, mỗi người nhìn và hiểu ở các cấp độ khác nhau. Thứ nhất, thuật ngữ “du lịch trách nhiệm” được dịch từ tiếng Anh là Responsibility Tourism - RT chứ không phải du lịch “có” trách nhiệm.
Lâu nay du lịch chỉ tập trung vào du khách và các công ty lữ hành. Ví dụ, quy định hành xử của du khách, của các công ty khi đưa du khách vào chùa, đến địa điểm nào đó họ phải làm hoặc không được làm cái này cái kia… Nhưng chưa đề cập đến trách nhiệm của người quản lý điểm đến đó, đặc biệt là của cư dân tại chỗ thế nào.
Nếu chỉ hiểu du lịch là trách nhiệm của du khách, nếu du khách đến địa phương nào đó mà người dân không thân thiện, cướp giật… vai trò phải thuộc cơ quan quản lý. Do đó,du lịch trách nhiệm đề cao vai trò của người dân bản địa, chính quyền địa phương chứ không chỉ du khách và công ty lữ hành. Chúng ta cần biết đối trọng với du khách chính là người dân địa phương nhưng lâu nay yếu tố này chưa được chú ý. Du khách thuộc trách nhiệm của công ty lữ hành, còn quản lý người dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Khi hiểu chưa đúng thì chuyển thành hành động sẽ méo mó.
Liên quan đến trải nghiệm sản phẩm địa phương, Hội An có nhiều kinh nghiệm hay. Tour “Tập làm nông dân”với các làng nghề để du khách trải nghiệm… đều phải trả tiền giống như khi du khách muốn nuôi rùa biển khi vào khu nuôi rùa biển ở Singapore. Du lịch trách nhiệm, thuật ngữ còn khá xa lạ, dù Việt Nam đã vận dụng nhưng chưa hiệu quả như các nước phát triển. Chúng ta cần làm căn cơ hơn, bắt đầu từ nhận thức của lãnh đạo.
Du lịch là sự khác biệt, Việt Nam là nước nông nghiệp, cần phát huy lợi thế đó. Nhưng làm du lịch trách nhiệm không chỉ chăm bẵm mục đích kinh doanh mà để tái đầu tư. Ban đầu có thể miễn phí để PR và marketing cho du khách. Mới đây, đoàn farm trip “Chuyện lạ Đồng Tháp” gồm 85 nhà báo và các công ty lữ hành rất ấn tượng với Làng thân thiện Nam Bộ ở cồn Mỹ (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp). Một ngôi làng nhỏ với những ngôi nhà sàn đặc trưng mà sạch sẽ, đường làng đầy hoa trái và cả vườn rau nhút thủy sinh độc đáo trên 6 ha. Hoa đẹp nhưng tình người còn đẹp hơn với những băng ghế tự chế hiếu khách, những giỏ rác tinh tươm, có phân loại. Đẹp nhất là những thùng nước đậu xanh lòng, nước mát và cả những nải chuối treo; mấy rổ khoai, sắn miễn phí, mời khách ăn thử. Ly cam tươi vắt ngọt lịm chỉ 5.000 đồng, xin thêm không lấy tiền. Đủ món quà rong, đồng giá 2.000-4.000 đồng… Khách đến là muốn ở lại, tạm biệt mà cứ thòm thèm, nấn ná.
Mỗi người dân có thể tham gia vào ngành công nghiệp không khói bằng trách nhiệm công dân với những việc làm cụ thể. Du lịch trách nhiệm là mô hình kinh doanh chọn lựa khôn ngoan của các quốc gia phát triển. Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch TP.HCM nói riêng cũng cần chấn chỉnh và phát triển theo hướng tích cực đó. Không còn con đường nào khác…