Hóa giải mâu thuẫn thông qua tình thân

Người mẹ nay đã xấp xỉ 90 tuổi tên là Nguyễn Thị Tư ở với sáu người con trong một căn nhà vô chủ tại đường Cô Bắc (quận 1, TP.HCM) từ năm 1965 đến nay. Trong căn nhà này cũng cho một vài người ngoài ở. Đến năm 2006, bà đứng ra làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thì bị con gái ngăn cản. Khuyên nhủ không được, cực chẳng đành bà làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa công nhận quyền sở hữu căn nhà này cho bà.

Bị đơn là người con gái duy nhất mà bà một mực yêu thương cho rằng căn nhà này là của ông nội bên chồng. Trước khi mất, ông nội đã làm di chúc cho vợ chồng bà một phần căn nhà. Sau đó, bà bỏ ra 85 lượng vàng để mua ba phòng của những người mà ông nội cho ở nhờ để làm ăn.

Ra tòa, hai bên đều quả quyết căn nhà là của mình. Nhưng khi tòa yêu cầu chứng minh thì không bên nào xuất trình được giấy tờ hợp lệ. Mặt khác, nhà không thuộc quyền quản lý của Nhà nước nên khiến tòa khó phân xử. Nhận thấy rằng các đương sự và chín người liên quan đang đứng tại tòa là người một nhà, vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM thử vận may bằng cách đánh vào tình cảm, tình thân. Ông phân tích: “Phận làm con, đáng lẽ đương sự và anh em trong nhà nên hòa giải từ ban đầu, rồi cùng bàn bạc với nhau để phụng dưỡng mẹ già mới đúng. Nay bị đơn đứng tại đây đôi co với mẹ già thì có đáng làm con hay không?”.

Vị chủ tọa tiếp tục: Biên bản hòa giải trước đây thể hiện mẹ bị đơn cũng từng nêu mục đích bà đi hợp thức hóa căn nhà để lấy cơ sở sau này khi chết đi dễ chia thừa kế cho các con. Trong các con bà, người con gái duy nhất của bà có cuộc sống cơ cực nhất nên bà muốn để lại cho người con này 6 tỉ đồng (tương đương diện tích một phần căn nhà tranh chấp) chứ bà không muốn vác đơn đi kiện để đuổi con ra khỏi nhà.

Sau khi đọc bút lục, thẩm phán nhìn xuống các con của bà Tư, bảo mẹ các đương sự nay đã gần 90 tuổi rồi, bà có mất đi, di sản sẽ để lại cho các anh em chứ đâu ra. Thôi, đừng tranh chấp với mẹ nữa kẻo người ta nói mình bất hiếu. Nên trả lại cho mẹ để mẹ cùng chia...

“Thế này nhé, bị đơn nói rằng có bỏ ra 85 lượng vàng để mua một phần diện tích căn nhà. Do đó, có thể phía bà Tư nên trả số tiền này cho con. Người con sẽ trả lại toàn bộ căn nhà cho mẹ để bà đi hợp thức hóa căn nhà đứng tên. Và đây cũng có thể coi là phần thừa kế của mẹ chia cho con…” - vị thẩm phán nói tiếp.

Sau một hồi, lúc nhẹ nhàng phân tích, khi nổi nóng giải thích, vị chủ tọa kết lại bằng một câu hỏi: “Thế nào, giờ hai bên muốn tòa xử hay các bên tự thỏa thuận?”.

Nhìn nhau trong phút chốc, cả hai bên đương sự cùng đồng thanh: “Dạ, chúng tôi đồng ý thỏa thuận như tòa vừa nói”.

Vị chủ tọa phiên tòa quay sang hai thẩm phán trong HĐXX, vị kiểm sát viên - tất cả nở nụ cười. Một nụ cười hài lòng cho niềm vui hòa giải được bế tắc của một gia đình kéo dài hơn năm năm qua.

Cuối cùng, thẩm phán thông báo: “Bây giờ các đương sự ra ngoài nghỉ ngơi vài phút, HĐXX sẽ vào làm biên bản nghị án rằng các bên đã tự thỏa thuận như tại phiên tòa”...

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm