Hòa giải từ cơ sở sẽ giảm bớt các vụ việc phải chuyển lên tòa

(PLO)- Dù đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong công tác hòa giải cơ sở nhưng vẫn còn khó khăn, hạn chế nhất định.

Chiều 10-8, tại Hội thảo Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của chính quyền đối với công tác hòa giải ở cơ sở bà Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp TP Hà Nội, cho biết công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP đến nay đã đi vào nề nếp, bài bản.

Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở ngày càng được khẳng định và được Nhân dân ghi nhận.

Một số nơi hòa giải còn mang tính hình thức

Theo bà Tú, tính đến tháng 6-2022, toàn thành phố có 4.925 tổ hòa giải với tổng số 32.234 hòa giải viên hàng năm, 80% số lượng hòa giải viên ở cơ sở được các cấp, các ngành từ TP đến cơ sở tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật.

Mặc dù đã đạt được kết quả đáng ghi nhận nhưng bà Tú cũng thẳng thắn thừa nhận những khó khăn, hạn chế nhất định trong công tác hòa giải.

Một số ít cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hoà giải đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải. Mức kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải còn thấp.

“Nhiều địa phương chưa khuyến khích, huy động được các luật sư, luật gia, những người có kiến thức pháp luật đã nghỉ hưu, đủ tiêu chuẩn tham gia làm hòa giải viên tại địa bàn sinh sống hoặc hỗ trợ, giúp đỡ hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở...”- bà Tú nói.

Toàn cảnh buổi Hội thảo. Ảnh PHI HÙNG

Ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cũng cho rằng việc thực hiện Luật Hòa giải còn hạn chế, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trong công tác hòa giải ở cơ sở một số nơi còn thiếu sự chủ động, đội ngũ hòa giải viên thường xuyên biến động.

Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, cung cấp tài liệu pháp luật cho hòa giải viên còn chưa thường xuyên, kịp thời. Thậm chí, một số nơi hòa giải còn mang tính hình thức, chiếu lệ hoặc bị hành chính hóa làm mất đi ý nghĩa và bản chất tự nguyện, tự thỏa thuận của hoạt động hòa giải…

Giải pháp nâng cao chất lượng hòa giải

Từ những hạn chế kể đó, ông Huân đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Trong đó có việc tăng cường sự lãnh đạo, tổ chức thực hiện của chính quyền, phối hợp chặt chẽ của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải.

Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Đây là nhiệm vụ quan trọng, phải thực hiện thường xuyên để cập nhật, nâng cao kiến thức cho các hòa giải viên…

Ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng phòng Tư pháp quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, quận Bắc Từ Liêm đã lấy hai phường xảy ra nhiều tranh chấp nhất để tổ chức tập huấn cho các hoà giải viên. Hiện, hai phường đã đạt được kết quả cao về hoà giải thành.

Ông Chiến khẳng định, hoà giải viên cần được tập huấn thường xuyên, bởi bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hoà giải viên có nhiều lợi ích.

Thứ nhất, bởi bản thân hoà giải viên được trang bị kiến thức pháp luật. Thứ hai, hoà giải viên vừa tham gia hoà giải nhưng cũng là tuyên truyền viên pháp luật.

Cũng tại Hội thảo, có ý kiến cho rằng việc thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho tổ hòa giải, cần đan xen cho người dân tham dự trực tiếp để đạt hiệu quả hơn.

Tại đây, Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội khẳng định, công tác hòa giải ở cơ sở đóng vai trò to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc,

Kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội; giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Năm 2022, cũng là năm kết thúc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”. Do đó, các ý kiến tại Hội thảo sẽ được Sở Tư pháp TP Hà Nội tổng hợp, đưa vào báo cáo tổng kết đề án.

Sở cũng sẽ kiến nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục thực hiện đề án trong giai đoạn mới với những cải tiến, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, phát huy hiệu quả của công tác hoà giải ở cơ sở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới