Lồng ghép bình đẳng giới vào hòa giải cơ sở

(PLO)- Hòa giải viên càng cần trang bị kiến thức và kỹ năng về giới để vận dụng vào hoạt động hòa giải, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người được hòa giải.

Trong hai ngày 12 và 13-5, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị “Bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở” cho tập huấn viên cấp tỉnh khu vực miền Nam.

Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Hội nghị được tổ chức với sự tham dự của ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; đại diện UNDP bà Diana F.Torres Romero, cùng 29 đại biểu đại diện các sở, ngành tại các địa phương phía Nam.

Bà Diana F.Torres Romero,đại diện UNDP nhận định thúc đẩy bình đẳng giới là hoạt động được EU và Việt Nam rất quan tâm. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Bà Diana F.Torres Romero,đại diện UNDP nhận định thúc đẩy bình đẳng giới là hoạt động được EU và Việt Nam rất quan tâm. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Vệ Quốc cho biết kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, hàng năm hòa giải viên cả nước tiếp nhận hàng chục ngàn vụ việc. Những vụ việc hòa giải thành đã giảm sức nặng lên cơ quan tòa án và đảm bảo tốt hơn quyền của công dân khi thủ tục hòa giải được giải quyết nhanh, chính xác, công khai, minh bạch.

Xuất phát từ ý nghĩa, vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, thể chế về công tác này. Trong đó, các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm đến chất lượng đội ngũ hòa giải viên về kiến thức và cả kỹ năng.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Trong hội nghị lần này, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và UNDP chọn chủ đề: Bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên những kiến thức về giới và bình đẳng giới, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở ở những địa phương.

“Hòa giải viên càng cần trang bị kiến thức và kỹ năng về giới để vận dụng vào hoạt động hòa giải, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người được hòa giải và tránh hoạt động hòa giải lại chưa đảm bảo các quy tắc của bình đẳng giới”, Ông Quốc nói.

Bà Diana F.Torres Romero cũng nhận định, việc thúc đẩy bình đẳng giới là hoạt động được EU và Việt Nam rất quan tâm. Bà tin rằng hội nghị sẽ là cơ hội để các hòa giải viên tìm hiểu, học hỏi và biết vận dụng kiến thức về giới, bình đẳng giới để thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở có hiệu quả nhất.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được hai chuyên gia của Trường Đại học Luật Hà Nội là PGS.TS Nguyễn Thị Lan và TS. Nguyễn Phương Lan tập huấn kiến thức cơ bản về giới, bình đẳng giới, định kiến giới, hòa giải ở cơ sở bảo đảm bình đẳng giới, các bước chuẩn bị tổ chức buổi tập huấn,…

Hội nghị dành phần nhiều thời gian cho các đại biểu thực hành cả về kiến thức, kỹ năng và phương pháp cho người tham dự. Đây cũng là dịp để các đại biểu trao đổi các khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải.

Đây là sự kiện tiếp nối chuỗi hoạt động triển khai Bộ Tài liệu tập huấn về nhạy cảm giới trong hòa giải ở cơ sở nhằm thực hiện Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh châu Âu (EU) và Chương trình UNDP tài trợ.

Năm 2020, dự án đã hỗ trợ tập huấn cho tám tỉnh, thành phố miền Nam là Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cà Mau, Đồng Tháp và Sóc Trăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm