Thị trường bất động sản (BĐS) ở Vân Đồn, vốn từng sôi sùng sục trong vài tháng trước, đã giảm nhiệt sau lệnh cấm chuyển nhượng của tỉnh Quảng Ninh (tháng 5-2018). Nay tình hình lại càng thêm ảm đạm sau khi dự án luật đặc khu chưa được thông qua. Các nhà đầu tư không còn nườm nượp đổ về săn lùng đất đai, các văn phòng môi giới BĐS đóng cửa im ỉm…
Sàn BĐS im ắng
Quán cà phê N. nằm ngay trung tâm thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn từng sôi động với các cuộc giao dịch đất đai tiền tỉ, chiều 9-6 khá vắng lặng. Chỉ có vài ba vị khách ngồi nhâm nhi cà phê giết thời gian. Không còn cảnh nhộn nhịp người người sôi nổi, ầm ĩ thương thảo, chào bán đất. Nhóm cò đất thường ngồi canh me bắt khách để giới thiệu các lô đất đang có nhu cầu bán cũng không còn lui tới. Một người dân cho hay từ khi có lệnh cấm chuyển nhượng đất, quán cà phê này vắng hẳn.
Đảo Cái Bầu, đảo chính của huyện Vân Đồn, cũng thưa vắng người. Không còn cảnh giới đầu cơ đất đai từ các nơi tấp nập đổ về. Quán nước ngay đầu cổng khu tái định cư xã Hạ Long, vốn nổi danh là một “sàn giao dịch” dã chiến, đã không còn không khí sôi động vốn có. Bà chủ quán nước ngồi buồn bã ngáp vặt, vài cò đất ngồi lặng im cả buổi, chẳng ai nói với ai câu nào.
Nằm ngay mặt tiền tỉnh lộ 334, văn phòng giao dịch BĐS Tuấn Địa Phát ở thôn 7, xã Hạ Long đóng cửa im ỉm nhiều ngày nay. Chạy dọc đảo Cái Bầu, các sàn môi giới đất đai vẫn dán đầy những tấm biển “bán đất”, “cần sang nhượng đất” nhưng đa số đều cửa đóng then cài.
C., một cò đất ở thị trấn Cái Rồng, cho biết: Sau khi tỉnh có lệnh tạm dừng chuyển nhượng đất, giao dịch đất đai tại Vân Đồn hạ nhiệt ngay nhưng vẫn còn các giao dịch ngầm. Trong cả tháng 5, người ta chỉ mua bán đất ở gắn với vườn tạp, không mua tràn lan đất đồi rừng, thủy sản như trước nữa. Thay vì làm thủ tục chuyển quyền sử dụng, hai bên chỉ cần làm hợp đồng công chứng rồi chồng tiền.
“Sau khi có thông tin lùi thời gian thông qua luật đặc khu, thị trường đất đai ở Vân Đồn hết sức ảm đạm. Hầu như không có một giao dịch nào được thực hiện suốt tuần qua. Rất may là em đã kịp bán hết số đất đang ôm nên không lo mất tiền. Nhưng sắp tới cũng chưa biết làm gì để sống…” - C. nói.
Thị trường đất đai chững lại, hàng loạt văn phòng môi giới đất đai ở Vân Đồn đóng cửa im ỉm. Ảnh: Đ.HOÀNG
Giá đất vẫn chưa giảm
M., cò đất ở xã Hạ Long, xác nhận với PV giao dịch đất đai tại Vân Đồn đang rất ảm đạm. Tuy nhiên, giá đất vẫn không hề giảm như suy nghĩ của nhiều người. Giá đất mặt đường trục chính Vân Đồn vẫn giữ khoảng 30 triệu đồng/m2, các khu đô thị và tái định cư cũng tương đương.
Tương tự, một lãnh đạo huyện Vân Đồn cho hay thị trường đất đai ở Vân Đồn gần như đóng băng. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là giá đất hiện vẫn giữ ở mức rất cao. Không có hiện tượng nhà đầu cơ bán đổ bán tháo để rút chạy như dự đoán của nhiều người.
“Các nhà đầu tư đã ôm đất giá cao sẽ không dễ xả hàng với giá thấp do vẫn còn hy vọng Vân Đồn trong tương lai sẽ thành đặc khu. Tuy nhiên, nếu kéo dài thêm một thời gian thì sẽ có không ít người không thể gồng nổi do chôn vốn quá lâu, nợ ngân hàng bủa vây. Khi đó giá đất mới bắt đầu giảm, bong bóng BĐS xì hơi, khối người sẽ vỡ nợ…” - vị này dự báo.
Từ cuối năm 2017, đất đai ở Vân Đồn tăng giá chóng mặt. Những mảnh đất trước đây có giá chỉ vài trăm ngàn tới vài ba triệu đồng/m2 đã nhảy vọt gấp 5-7 lần, có nơi tăng tới vài chục lần. Giá đất tăng từng ngày, người ta mua bán trao tay những mảnh đất tiền tỉ chóng vánh chẳng khác nào mua ký rau, con cá. Để giảm nhiệt cơn sốt đất, huyện Vân Đồn đã tạm dừng cho tách thửa đối với những thửa đất ở xen lẫn vườn tạp. Biện pháp này đã khiến nhà đầu tư không còn liều lĩnh mua đất không giấy tờ, đất rừng, đất nông nghiệp, chưa rõ quy hoạch. Tới đầu tháng 5, sau khi đi kiểm tra thực tế tại Vân Đồn, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đã chỉ đạo tạm dừng mọi giao dịch về đất đai cho tới khi dự án luật đặc khu được thông qua. Thanh tra tỉnh được giao rà soát toàn bộ các dự án đã giao trước đây. Dự án nào quá lâu không triển khai sẽ bị thu hồi. Cán bộ nào tiếp tay cho các vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. |