NHÂN TÀI TOÁN HỌC NGÀY ẤY, BÂY GIỜ - BÀI 3

Hoàng Lê Minh: “Tôi chọn toán ứng dụng”

Vũ Đình Hòa theo ngành sư phạm, còn Hoàng Lê Minh rẽ sang CNTT từ những ngày đầu của lĩnh vực này ở Việt Nam. Họ đều rời bỏ hoạt động nghiên cứu toán lý thuyết.

Mùa hè 1974, giữa lúc chiến tranh, Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế với hy vọng mong manh giành một huy chương đồng. Kết quả thật bất ngờ: Bốn trong năm học sinh dự thi đoạt huy chương, trong đó Hoàng Lê Minh giành giải vàng.

Nhà báo Hàm Châu - cây viết chuyên về cuộc sống và sự nghiệp của các nhà khoa học - đã ghi lại những dòng đáng nhớ: “2 giờ chiều thứ Hai 15-7-1974, giữa thủ đô Berlin, Hội đồng thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 16 tổ chức lễ trao giải thưởng cho các thí sinh. Thay mặt Hội đồng thi và ban tổ chức, GS Herbert Tisser đọc tên các học sinh đoạt giải, mời lên lĩnh bằng và huy chương. Đến chữ Hoàng Lê Minh, ông đọc rất chậm, có lẽ vì tiếng Việt khó phát âm. Nhưng đến quốc tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì rõ ràng ông cố ý nhấn mạnh. Tiếng vỗ tay vang dội, kéo dài, hết đợt một, tiếp đợt hai. (…) Ai cũng muốn ghi lại hình ảnh người học sinh Việt Nam vóc dáng bé nhỏ nhưng nét mặt thông minh, trầm tĩnh…”.

Đến giờ, ngoại trừ mái tóc hoa râm, Hoàng Lê Minh vẫn giữ ngoại hình thuở ấy: Vóc dáng bé nhỏ, gương mặt thông minh sau làn kính cận. Anh hiện là TS-Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam. Gia đình định cư ở TP.HCM, riêng anh vì công việc nên thường xuyên đi lại giữa hai miền.

Con người năng động

Nhìn vào con đường sự nghiệp của Hoàng Lê Minh, người ta dễ nghĩ anh may mắn, ít nhất cũng thuận lợi hơn bạn bè cùng trang lứa. Anh là con trai của ông Hoàng Xuân Tùy, nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, nguyên Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội. Từ khi Minh còn nhỏ, gia đình anh đã tương đối có điều kiện hơn các bạn. Tuy thế, có may mắn đến mấy thì trong khoa học, nỗ lực tự thân của người làm khoa học vẫn là điều kiện tiên quyết. Minh học rất giỏi và những gì anh đã đạt được là hoàn toàn xứng đáng: HCV Olympic Toán quốc tế 1974, tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Lomonosov chuyên ngành hình học đại số (chính là lĩnh vực sau này mà Ngô Bảo Châu tỏa sáng với “Bổ đề cơ bản”), học và làm việc tại nhiều viện nghiên cứu danh tiếng thế giới ở Anh, Pháp, Ý, Nga, Nhật… Năm 1991, khi vợ chồng anh công tác ở Ý, mức lương của Minh đã là 2.500 USD/tháng.

Hoàng Lê Minh: “Tôi chọn toán ứng dụng” ảnh 1

Nhưng đúng vào lúc đó, Hoàng Lê Minh quyết định quay về nước. Và đến bây giờ anh vẫn khẳng định quyết định ấy là sáng suốt. “Thời điểm đó (giữa năm 1991), tình hình kinh tế bắt đầu biến chuyển, nhất là ở TP.HCM. Các trường ĐH mở ra nhiều hướng đào tạo hơn. CNTT bắt đầu phát triển. Về phần tôi, khi ấy cũng tích lũy được kha khá rồi, không lo thiếu thốn về kinh tế, cha mẹ ở trong nước thì đã nhiều tuổi. Quan trọng nhất là tôi thấy nếu mình về nước thì sẽ phát huy được tốt hơn”.

Anh mua nhà, định cư ở TP.HCM. Với cơ sở kinh tế đã khá vững sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài (riêng tiền cho thuê nhà của gia đình anh khi đó cũng được tới 1.000 USD/tháng), anh có thể chỉ chuyên tâm vào công việc của một giảng viên ở ĐH Tổng hợp TP.HCM. Anh là người tham gia xây dựng hệ chuyên toán-tin ở trường này, cũng là gương mặt góp phần xây dựng ngành tin học ứng dụng ở Việt Nam. “Tôi chuyển sang lĩnh vực ứng dụng kể từ hồi đó, không còn làm khoa học lý thuyết nữa”.

Năm 2000, Hoàng Lê Minh ở trong nhóm nghiên cứu hỗ trợ thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung; năm 2001, tham gia dự án Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM. Minh là người rất năng động, nhanh nhạy với thời cuộc. Anh thường xuyên ở vị trí quản lý, lãnh đạo, kinh tế gia đình rất khá giả. Con cái anh cũng theo học chuyên toán-lý, hiện nay người đi du học Canada, người làm cho công ty nước ngoài ở Việt Nam.

“Làm khoa học phải có sự tự tin”

Giải thích về việc “chia tay” nghiên cứu toán lý thuyết để chuyển hẳn sang toán ứng dụng, CNTT và rồi làm quản lý, Minh nói: “Trước hết là vì tôi thích lĩnh vực ứng dụng, toán ứng dụng (tức toán kết hợp ngay được với các ngành khoa học khác, chẳng hạn toán CNTT, toán tài chính, toán sinh học, toán môi trường… - NV). Nhưng lý do quan trọng nhất là: Khi làm ứng dụng, tôi cảm thấy rất tự tin, thấy mình không thua kém gì các đồng nghiệp trong, ngoài nước. Còn khi làm toán lý thuyết, nhất là ở nước ngoài ấy, thì mình thấy lép vế, thua người ta một cái đầu. Người ta có công trình, có bài viết đăng ở tạp chí khoa học uy tín mà mình thì không làm được như thế, không ngang hàng được với họ”.

Đội tuyển Toán Olympic đầu tiên của Việt Nam có 4/5 người đoạt huy chương: Hoàng Lê Minh (vàng), Vũ Đình Hòa (bạc), Đặng Hoàng Trung và Tạ Hồng Quảng (đồng). Nguyễn Quốc Thắng thiếu một điểm thì giành huy chương đồng. Hiện nay, chỉ có Nguyễn Quốc Thắng theo ngành toán lý thuyết, công tác ở Viện Toán học Việt Nam. Vũ Đình Hòa theo ngành sư phạm, Đặng Hoàng Trung tài chính, Tạ Hồng Quảng và Hoàng Lê Minh tin học, CNTT.

Anh bảo, thực ra tâm lý muốn thay đổi đến với anh từ khoảng cuối giai đoạn ở Liên Xô, năm 1987. “Hồi ấy tôi vừa ra trường, không còn ở trong nhóm nghiên cứu nào nữa, thầy dạy cũng đi nước ngoài. Về Việt Nam, tôi rất khó tiếp tục làm toán lý thuyết vì không có thầy, không có nhóm, hồi ấy lại cũng chưa có Internet nữa, tóm lại là không có điều kiện. Chỉ sau một năm rưỡi ở Việt Nam là tôi đã thấy tụt hậu so với bên ngoài, rồi thấy vô vọng, không thể vươn lên, không thể tiếp tục theo đuổi nghiên cứu khoa học được nữa”. Đó là giai đoạn “về Việt Nam lần thứ nhất” (1987-1988). Sau ba năm ở nước ngoài, tới lần thứ hai, khi về hẳn Việt Nam (1991), bắt đúng lúc tin học và CNTT đang lớn mạnh thì anh thấy mình không còn lý do gì để tiếp tục với toán lý thuyết.

“Chuyển sang CNTT, tôi thấy mình tự tin. Chứ làm khoa học với suy nghĩ “mình kém người ta xa” thì làm làm gì. Như Ngô Bảo Châu dám theo đuổi nghiên cứu khoa học là vì Châu cảm thấy có đủ điều kiện, có thầy, có nhóm, có trường phái, không thua kém ai cả. Nói thế để thấy sự tự tin là một điều kiện rất quan trọng”.

Vậy với những bạn trẻ có ý định theo đuổi nghiên cứu khoa học cơ bản, làm thế nào để có được sự tự tin ấy? Hoàng Lê Minh thổ lộ: “Phải có được môi trường tốt ngay từ đầu. Trước hết là cần một nơi đào tạo tốt. Theo tôi, chất lượng đào tạo như ở Việt Nam hiện nay không thể cho ra được người như Ngô Bảo Châu nên tốt nhất là phải học toán ở nước ngoài. Nếu được học ở ngoài, nhất là tại châu Âu hoặc Mỹ thì mới nên lấy toán làm nghề chính”. Anh cười, nói thêm: “Bằng không thì nên đi theo lĩnh vực ứng dụng, là những ngành gắn với thực tiễn và cho ra kết quả ngay”.

Bây giờ thì nhà toán học năm xưa đã trở thành một viện trưởng. Từ tầm nhìn của nhà quản lý, anh bảo: “Chỉ cần vài phần trăm người thi ĐH mà chọn toán cũng tốt rồi, bởi như vậy là họ cũng có đủ say mê và tự tin để bước chân vào một ngành rất khó. Nhưng về phía nhà nước thì rất nên cấp học bổng để khuyến khích sinh viên và hỗ trợ giáo viên để nâng cao chất lượng đào tạo. Theo tôi, đó là cách làm thiết thực nhất để phát triển ngành toán Việt Nam”.

ĐOAN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm