NHÂN TÀI TOÁN HỌC NGÀY ẤY, BÂY GIỜ - BÀI 5

Các nhà toán học cần gì?

Thủ tướng vừa phê duyệt chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020 với tổng kinh phí đầu tư 651 tỉ đồng, đặt mục tiêu đưa toán học Việt Nam lên vị trí thứ 40 thế giới vào năm 2020 so với vị trí khoảng 50-55 hiện nay.

Chương trình đề ra bảy nội dung và giải pháp thực hiện, trong đó giải pháp đầu tiên là xây dựng Viện Nghiên Cứu cao cấp, mời các nhà toán học hàng đầu thế giới về Việt Nam trao đổi, giảng dạy…

Đã có nhiều ý kiến trong cộng đồng khoa học phản hồi về chương trình này. Các ý kiến hoài nghi, phản đối chủ yếu đặt vấn đề: Lập Viện Nghiên cứu Cao cấp có giống như xây dựng thêm một cơ quan hành chính nhà nước với cơ chế xin-cho thường thấy? Có phải là xa xỉ khi đầu tư 651 tỉ đồng cho ngành toán tại thời điểm này? Đầu tư cho toán như thế có tạo ra tâm lý “nhất bên trọng nhất bên khinh” và sự phát triển lệch lạc giữa các ngành khoa học ở Việt Nam?...

Thực trạng toán học Việt

Liên quan tới việc đầu tư cho ngành toán, câu hỏi quan trọng là hiện tại toán học Việt Nam đang ở trình độ phát triển như thế nào. Câu trả lời, trong bản thân giới toán, khá bi quan, thậm chí có người cho rằng Việt Nam chưa có một “nền toán học” theo đúng nghĩa của từ “nền”, bởi số công trình được công bố quá ít, số người thực sự làm nghiên cứu cũng rất ít và đang suy giảm vì thiếu vắng đội ngũ kế cận.

GS-TSKH Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học, nhận xét ngành toán hiện rất yếu, thể hiện cả ở số lượng người nghiên cứu và công trình lẫn chất lượng - tức so với nhu cầu xã hội. Ông giải thích về sự vắng bóng của ngành toán trong việc đáp ứng nhu cầu của xã hội: “Cho đến nay, chúng ta xuất khẩu chủ yếu là nông sản, dầu khí, các sản phẩm kỹ thuật cao thì chúng ta thuần túy là gia công, lắp ráp, không có “hàm lượng khoa học” nào ở đó cả. Nói chung, hoạt động sản xuất - kinh doanh của chúng ta hầu như không cần tới khoa học, toán ứng dụng cũng không mà toán lý thuyết, toán cao cấp lại càng không”. Và ông khẳng định: “Về lâu dài là không thể để như thế được. Trong nền kinh tế tri thức, sản xuất bất kỳ cái gì cũng vậy, muốn sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh được trên thế giới là phải dựa vào kiến thức toán”.

Các nhà toán học cần gì? ảnh 1

Để phát hiện ra tố chất của nhà toán học không khó bằng việc xây dựng một môi trường cho những người có tố chất trở thành những tài năng lớn. Trong ảnh: Nhà toán học Nguyễn Tiến Dũng và các bạn trẻ ngành toán Việt Nam.

Một số nhà toán học chỉ ra một vấn đề đáng ngại hơn: Chất lượng đào tạo về toán ngày càng đi xuống, trong tất cả các ngành (kinh tế, sinh học, CNTT...). Số lượng trường đại học và cao đẳng trong cả nước đã tăng lên hơn 400, hầu hết có nhu cầu về giảng dạy toán trong khi đội ngũ giảng viên không tăng mà còn có xu hướng giảm cả về số và chất lượng. Xu hướng giảm sút này được giải thích là do ngành toán bây giờ không còn hấp dẫn nhiều người như “ngày xưa”, thời của những Hoàng Lê Minh, Vũ Đình Hòa… nữa. Theo TS Vũ Đình Hòa, có thể do ngày trước “cuộc sống đơn giản hơn, dễ tập trung hơn”. Còn ông Ngô Việt Trung nhận xét là do “thời ấy, người ta có tâm lý coi toán là môn khoa học hàng đầu” trong bối cảnh xã hội cũng chưa phát triển, chưa có nhiều ngành khác để lựa chọn như luật, kinh tế, quan hệ quốc tế

Để cải thiện tình trạng này, các giải pháp được đề cập đến là: có chế độ đãi ngộ thích hợp để thu hút người giỏi vào ngành toán, và không chỉ thế…

Thu nhập và môi trường làm việc

Điều kiện tiên quyết để thu hút nhân lực vào một ngành khoa học cơ bản như toán là chính sách đãi ngộ. Bởi ngành toán lý thuyết do không gắn chặt với thị trường và không trực tiếp sản sinh lợi nhuận nên rất khó có được tư nhân đầu tư. Theo phản ánh, không ít nhà toán học Việt Nam sau nhiều năm du học và công tác tại nước ngoài, trở về nước và làm việc tại Viện Toán với mức lương khởi điểm 2 triệu đồng và tiền đề tài thì còm cõi. Đó cũng chẳng phải chuyện của riêng ngành toán, mà là tình trạng chung ở các viện nghiên cứu thuộc nhà nước. Việc điều chỉnh lương cho các nhà khoa học - công chức nhà nước này là cả một vấn đề không dễ giải quyết.

Bên cạnh thu nhập còn có những điều kiện khác để nhân tài toán học phát huy được khả năng. TS Phùng Hồ Hải cho rằng người làm toán cần một môi trường để giao lưu, trao đổi thông tin với bên ngoài, chẳng hạn thông qua các hội thảo quốc tế: “Có tiếp xúc với giới toán học thế giới thì mới nghĩ ra những ý tưởng mới, mới biết được ai đang làm gì, cái gì đang xảy ra, cái gì quan trọng”...

Viện trưởng Viện Toán, ông Ngô Việt Trung, đưa ra một ý kiến có phần “vĩ mô” hơn: “Theo tôi, giới khoa học ở Việt Nam nói chung -không riêng nhà toán học - rất cần một hệ thống khoa học đúng chuẩn mực quốc tế về tất cả khía cạnh: tổ chức, quản lý, phân bổ tài chính, phản biện, đánh giá chất lượng... Tôi lấy ví dụ, nhà nước đầu tư, cấp kinh phí đề tài tới hàng tỉ đồng mà việc nghiệm thu đề tài không được tiến hành trung thực, đúng đắn thì chỉ tạo điều kiện cho tham nhũng mà thôi. Hậu quả sẽ là những thứ không xứng đáng vẫn được cấp tiền, được nghiệm thu và chẳng ứng dụng được vào đâu cả”.

Cái gọi là “cơ chế”

Bàn tới khái niệm “hệ thống khoa học”, ông Ngô Việt Trung cũng như các nhà toán học khác còn đề cập cả đến “những thứ làm nhà khoa học rất mất tập trung”, đó là bộ máy hành chính. TS Vũ Đình Hòa (ĐH Sư phạm), nói rằng anh rất ngại công việc lo thủ tục giấy tờ, ác một nỗi đó lại là phần việc rất quan trọng của anh với tư cách một trưởng bộ môn. “Thay vì chỉ giảng dạy, nghiên cứu thôi thì giảng viên lại phải lo cả chuyện tìm kiếm giấy tờ, hóa đơn, giải trình…, mất tập trung vô cùng”.

GS-TSKH Ngô Việt Trung nói: “Cái hệ thống khoa học mà tôi đề cập thật ra là một xã hội quy củ, vận hành đúng. Nhưng ở Việt Nam thì các nhà khoa học không phải chủ thể tại các cơ quan nghiên cứu, các giảng viên cũng không phải chủ thể tại trường đại học. Chủ thể là bộ máy hành chính, là đủ các ban bệ ở viện, khoa, trường. Như thế cực kỳ vô lý và cản trở người làm khoa học. Hành chính là lực lượng hỗ trợ chứ không phải là nơi điều tiết, quản lý”.

Vậy làm sao để tạo ra một hệ thống khoa học “đạt chuẩn”? Viện trưởng Ngô Việt Trung bảo: “Hãy cứ xây dựng một cơ chế để các nhà khoa học có tiếng nói quyết định trong lĩnh vực của họ thì họ khắc tạo ra môi trường đúng. Làm việc gì cũng phải mời các chuyên gia trong lĩnh vực ấy và coi trọng ý kiến của họ thì mới đúng đắn”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn:

Vị trí phù hợp sẽ có thu nhập xứng đáng

Các nhà toán học cần gì? ảnh 2

Trao đổi với PV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết đề án thu hút nhân tài đã được Bộ Nội vụ trình Chính phủ vào cuối tháng 8-2010. Trong đó đề xuất những hướng chủ trương và giải pháp có lộ trình để thu hút nhân tài, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Theo bộ trưởng, cái khó nhất là làm sao cho người tài có chỗ làm việc với những điều kiện phát huy được tài năng, ứng dụng được đề tài khoa học vào thực tiễn và thông qua đó để có thu nhập cao tương xứng. Chính sách thu hút những người có học hàm, học vị cao về địa phương và trả lương cao, có nhà, có xe... là tốt nhưng quan trọng hơn là tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội để họ có việc làm. Chính việc làm của họ sẽ đẻ ra thu nhập cao hơn lương nhiều. “Một nhà khoa học không thể về nhận một công việc không phù hợp chỉ để nhận lương 5-7 triệu đồng” - ông nói

Về việc bố trí cán bộ, ông cho biết theo đề án và kể cả chủ trương của Đảng và nhà nước thì những nhà khoa học chưa là đảng viên, nếu có tài năng, trình độ, học vị cao vẫn được bổ nhiệm vào các vị trí điều hành quan trọng của các cơ quan. Bộ Nội vụ cũng đề xuất và bảo vệ đến cùng quan điểm này.

Hiện nay, nước ta dành 2% tổng chi ngân sách cho nghiên cứu khoa học. So với tỉ lệ thu ngân sách, tỉ lệ chi như vậy không phải nhỏ nhưng vấn đề cần đặt ra là bố trí, cơ cấu sử dụng thế nào cho hiệu quả.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cũng cho rằng thu hút nhân tài trong khoa học không thể nôn nóng hiệu quả. Khi người ta đang nghiên cứu, đừng đặt vấn đề là phải có ngay hiệu quả kinh tế mà phải hiểu đúng, vun xới cho đến giai đoạn đủ điều kiện.

THU HẰNG

ĐOAN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm