Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2022)

Học Bác cải thiện chất lượng cán bộ

(PLO)- Trong bối cảnh hiện nay, tư tưởng về công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có tính thời sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với một loạt sai phạm trong đội ngũ cán bộ thời gian qua, công tác nâng cao đạo đức, năng lực của cán bộ đang trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của cả xã hội. PGS-TS Trần Minh Trưởng, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM: Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo tốt nên xây dựng được đội ngũ cán bộ tận tụy cống hiến và ít sai phạm.

“Cán bộ là gốc của mọi công việc”

. Phóng viên: Thưa ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập công tác cán bộ. Quan điểm của Bác được thể hiện cụ thể, xuyên suốt thế nào?

PGS-TS Trần Minh Trưởng
PGS-TS Trần Minh Trưởng

+ PGS-TS Trần Minh Trưởng: Mối quan tâm đầu tiên của Bác khi xây dựng một chính đảng ở nước nông nghiệp kém phát triển là vấn đề cán bộ. Bác đã cho đào tạo các lớp cán bộ đầu tiên ở Quảng Châu, Trung Quốc từ những năm 20 của thế kỷ 20.

Người nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu: lựa chọn, đào tạo, huấn luyện, đánh giá, sử dụng và chính sách cán bộ. Nếu làm không tốt bất cứ khâu nào đều ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ và thành quả cách mạng.

Tư tưởng về quan hệ hài hòa giữa các dân tộc, quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn giữ nguyên giá trị. Ảnh: VGP

Tư tưởng về quan hệ hài hòa giữa các dân tộc, quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn giữ nguyên giá trị. Ảnh: VGP

. Vấn đề “kiểm soát quyền lực” đang được nhắc đến nhiều. Quan điểm của Bác về vấn đề này thế nào, thưa ông?

+ Thời của Bác không nói nhiều đến vấn đề này, vì công tác đào tạo cán bộ do Bác triển khai quá tốt. Cán bộ cách mạng lúc bấy giờ chủ yếu chỉ biết hy sinh; đòi hỏi, tham nhũng, tham ô cũng có nhưng không nhiều. Tuy vậy, Bác cũng nói đến kiểm tra, kỷ luật, giám sát.

Hồ Chí Minh yêu cầu việc lựa chọn cán bộ phải dựa theo các tiêu chí: “Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng… Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn. Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”.

Tránh tình trạng “tráng men” trong đội ngũ cán bộ

. Cần ứng dụng tư tưởng của Bác về công tác cán bộ trong thực tiễn hiện nay ra sao?

+ Chúng tôi đã làm một đề án về công tác đào tạo cán bộ ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và nghiên cứu những vấn đề liên quan công tác cán bộ.

Qua đó thấy rằng học hỏi Bác chúng ta cũng trẻ hóa đội ngũ cán bộ và lấy chủ yếu từ Đoàn thanh niên. 70% cán bộ đứng đầu các cơ quan đoàn thể và địa phương đều xuất thân từ bí thư Đoàn thanh niên.

Học như thế nhưng nguồn cán bộ thực sự là nòng cốt chưa, thực sự là hạt nhân chưa, hay một bộ phận xuất phát từ phong trào “tráng men” rồi đi lên? Chúng ta đã học Bác nhưng không cẩn thận sa vào hình thức, cần xem xét lại chất lượng.

. Ông có thể giải thích cụ thể hơn khái niệm “tráng men” trong công tác cán bộ?

+ Đó là “tráng men” bằng cấp, trình độ và các tiêu chí khác. Chúng ta tổ chức rất nhiều lớp đào tạo, có rất nhiều chứng chỉ nhưng chỉ học mà không có hành. Bác đã nói học phải đi đôi với hành, lý luận phải đi đôi với thực tiễn.

. Xin cám ơn ông!

Cân bằng mối quan hệ giữa các quốc gia

Bên cạnh trọng tâm của đối nội là công tác cán bộ, vấn đề đối ngoại cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết.

Ngày 11-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS). Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam (VN) không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng”. Phát biểu của Thủ tướng xuất phát từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ hữu nghị với các dân tộc khác.

Bác đã nhìn thấy xu thế trong quan hệ quốc tế, các dân tộc phải sống với nhau hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển chứ không phải thù địch, răn đe hoặc dùng vũ lực để khuất phục các dân tộc khác.

Trong thời kỳ chiến tranh, Bác đã xử lý thành công mối quan hệ đa chiều với các nước lớn. Một số thời điểm, nước này yêu cầu VN theo mình và rời bỏ nước kia nhưng Bác điều hòa một cách rất tế nhị, đảm bảo nhiều nước luôn ủng hộ VN trong sự nghiệp chính nghĩa và không bị bên nào lôi kéo. Đó là cách cân bằng tài giỏi của Hồ Chí Minh được thế giới đánh giá cao.

Tư tưởng về quan hệ hài hòa giữa các dân tộc, quốc gia đã được Hồ Chí Minh đưa ra từ giữa thế kỷ trước. Xu thế trong quan hệ quốc tế hiện nay là hòa bình, hữu nghị, ổn định rồi mới phát triển và giải quyết các vấn đề bằng thương lượng hòa bình chứ không phải bằng các cuộc chiến tranh.

Có thể nói, tư tưởng của Người đi trước thời đại.

PGS-TS TRẦN MINH TRƯỞNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm