Giá trị của độc lập, tự do
Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra tôi là một thanh niên 20 tuổi, nay tôi đã 90 tuổi. Ngẫm lại, thấy cuộc đời mình may mắn thật nhiều khi được sống trong độc lập và hít thở không khí tự do của đất nước.
Rồi Cách mạng Tháng Tám tràn về…
Tôi đã được sống trong những ngày hào hùng giành chính quyền ở Hà Nội. Lúc đó chúng tôi sống ở ngoài đường phố, trong các trụ sở của tự vệ thành nhiều hơn ở gia đình. Không có cuộc mít-tinh, biểu tình nào không tham dự, nghe diễn thuyết, nghe tình hình đất nước khắp nơi rung chuyển, “rũ bùn đứng dậy, sáng lòa”.
Ai đã từng sống trong những tháng ngày tủi nhục, đầy biến cố mới thấu hiểu hết được giá trị của độc lập. Hình ảnh quảng trường Ba Đình rợp bóng cờ hoa khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập thật đặc biệt xiết bao. 70 năm sống cuộc đời độc lập tự do, tôi không hình dung được nếu không có Cách mạng Tháng Tám thì đời mình sẽ ra sao.
Thanh niên TP.HCM rộn ràng chào đón lễ Quốc khánh. (Ảnh chụp ngày 1-9) Ảnh: HTD
Những hằng số thiêng liêng
Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử đầy máu và hoa của đất nước, tôi cảm nhận rằng dân tộc mình có một điều đặc biệt - ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước chưa bao giờ bị đánh mất. Trải qua những thời kỳ lịch sử khác nhau, qua các cuộc kháng chiến, đối tượng có khác nhau, lực lượng khác nhau, chủ thể lãnh đạo cuộc kháng chiến khác nhau,… nhưng những hằng số lịch sử thiêng liêng không bao giờ thay đổi, đó là “Độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”.
10 chữ này là ý chí, là tâm hồn, tình cảm của dân tộc. Hễ ai động đến điều đó thì cũng như động vào “lũy thép thành đồng” và lịch sử đã trả lời các thế lực đó không bao giờ chiến thắng. Xưa nay như thế, bây giờ như thế và mãi mãi sau này vẫn sẽ như thế, không bao giờ thay đổi. Đó là bản lĩnh của dân tộc ta tạo nên.
Gần đây, khi vấn đề biển Đông sôi sục, cả dân tộc ta đã mạnh mẽ sát cánh bên nhau, đoàn kết một lòng để bảo vệ những hằng số thiêng liêng ấy.
Đất nước mỗi thời mỗi khác, kẻ thù của chúng ta mỗi thời mỗi khác. Kẻ thù hiện tại của chúng ta không đứng ở những chiến tuyến rõ ràng; kẻ thù của chúng ta có khi ẩn mình dưới những vỏ bọc khác nhau nhưng dù thế này hay thế kia, tinh thần yêu nước của nhân dân ta không lay chuyển. Hễ ai động vào độc lập của dân tộc, chủ quyền của Tổ quốc thì họ phải trả giá.
Cán bộ không phải là quan cách mạng
Để giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, một yếu tố vô cùng quan trọng mà ta không bao giờ được lơ là đó là xây dựng nội lực thật vững mạnh. Phải làm sao để dân tin vào Đảng, Chính phủ. Chính niềm tin ấy sẽ tập hợp mọi người cùng chung một lòng, cống hiến hết sức mình cho đất nước. Muốn thế, chuyện quan trọng cần phải làm và làm một cách quyết liệt nhất lúc này vẫn là bài trừ cho được nạn tham nhũng mà có người đã ví như “giặc nội xâm”. Đảng phải xây dựng cho bằng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức liêm chính, hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Di chúc của Bác Hồ cũng nói rõ rồi, cán bộ phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân, là đầy tớ chứ có phải quan cách mạng đâu. Thế nhưng bây giờ chỗ này chỗ khác vẫn có những vị quan cách mạng. Đảng ta cũng đã xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) rằng: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Đảng đang quyết liệt chống tham nhũng để xây dựng đội ngũ của mình thật trong sạch. Bây giờ vẫn phải tiếp tục điều đó một cách mạnh mẽ hơn nữa.
Tôi nhớ một câu nói của Lênin: “Bây giờ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười là hãy cố gắng hoàn thành những gì mà Cách mạng Tháng Mười vẫn chưa giải quyết xong”. Bài học đó đến bây giờ đối với ta vận dụng vào Việt Nam vẫn đúng. Bao nhiêu lời dặn của Bác trong Di chúc vẫn còn đấy, không phải ngẫu nhiên mà Bác trước hết nói về Đảng. Bây giờ phải kiên quyết thực hiện những lời căn dặn đó của Người để những cái tốt tươi nổi lên, cái hư hỏng dần dần mất đi, đó là nhiệm vụ rất cấp thiết.
Nhớ về Người, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người theo tôi trước hết hãy học Người ở việc thực chất. Sinh thời Bác Hồ không thích lý luận, dài dòng mà chứng minh bằng hành động. Ta phải học ở Bác sáu chữ: Nói thật, nghe thật, làm thật!
PGS-TS BÙI ĐÌNH THANH (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)
VIẾT THỊNH ghi