Học máy móc

Anh kể con anh nói nó chưa được học về chiều dài hàng rào, cũng chưa thấy bài toán nào hỏi bề mặt của cái bàn... Cuối cùng anh vỡ lẽ ra là vì con anh chưa hiểu chiều dài của hàng rào thực chất là tổng chiều dài các cạnh của khu vườn, cũng chính là chu vi của khu vườn đó. Tương tự, thằng bé cũng chưa hiểu bề mặt của cái bàn thực chất là diện tích của cái bàn đó...

Hình như có hiện tượng các cháu được dạy (và bản thân đã học) một cách khá máy móc. Tôi thấy con tôi cũng vậy. Hồi học lớp 2 rồi lên lớp 3, cháu hay đặt lời giải các bài toán đố bằng các câu không hợp với ngữ pháp tiếng Việt chút nào.

Chẳng hạn, một bài toán nêu: “Trên tường có 12 bức tranh, người ta treo thêm 4 bức tranh nữa. Hỏi trên tường có tất cả bao nhiêu bức tranh?”. Thay vì có thể viết lời giải: “Tổng số bức tranh trên tường là”, con tôi lại viết: “Trên tường có tất cả số bức tranh là”. Cũng cách viết đó, cháu ghi: “Cửa hàng còn lại số xe máy là”, thay vì nên “Số xe máy còn lại của cửa hàng là”, “Cả hai lớp có tất cả số học sinh là” thay vì nên “Tổng số học sinh của hai lớp là”...

Tôi hỏi sao không đặt câu lời giải lại để đọc nghe xuôi tai hơn thì con gái bảo là do cô giáo dạy như thế. Tôi hiểu cách đặt lời giải đó sẽ dễ dàng hơn cho học sinh bởi chỉ gần như bê nguyên câu hỏi, bỏ một số từ ra sẽ thành lời giải. Còn viết như cách của tôi, trẻ phải suy nghĩ nhiều hơn, phải lựa chọn cách sắp xếp phức tạp hơn. Vì vậy, tôi chỉ khuyên là nên hiểu rằng có thể có những cách đặt lời giải hay hơn, đọc thuận tai hơn, con có thể suy nghĩ và tập viết cho quen.

Từ đó có thể thấy hầu như trẻ được dạy (từ đó hình thành thói quen học) khá máy móc. Có vẻ nhiều học sinh được dạy chỉ bám vào các “từ khóa”, lời giải thì bám vào những câu có trong đề theo một số mẹo nào đó, tập làm văn thì cũng có một cái khung, sườn (công thức) sẵn có, chỉ việc thay đổi, ráp những từ mới cho phù hợp đề bài. Bởi vậy, khi bài toán không có “từ khóa” đó mà được thay bằng cách gọi khác thì trẻ thấy quá xa lạ, liền lúng túng, thậm chí không làm được.

Về lâu dài, cách dạy và cách học như vậy ít nhiều làm giảm sự sáng tạo, gây tâm lý lệ thuộc các dữ kiện có sẵn chứ khó biết cách tìm ra đáp án từ các dữ kiện đã có. Cũng như vậy, trong cuộc sống, cách giáo dục đó sẽ có thể tạo ra những người kém năng động, hành xử cứng nhắc, máy móc đến vụng về. Điều đó nên xem là một mối nguy hại thật sự.

TRỊNH MINH GIANG (Thủ Đức, TP.HCM)

Theo Tuổi Trẻ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm