Học phí không tăng, trường đại học đang 'ăn thịt chính mình'

(PLO)- Ông Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho rằng các trường đại học có xu hướng mở rộng quy mô đào tạo để lấy kinh phí bù đắp cho hoạt động của nhà trường. Cách làm này giống như ăn thịt chính mình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những khó khăn của các trường đại học khi không được tăng học phí đã được ông Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, thẳng thắn chia sẻ tại hội nghị tổng kết và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024 giáo dục đại học diễn ra chiều nay, 26-8.

Ông Sơn cho biết một vấn đề cần quan tâm hiện nay chính là tài chính để phát triển các trường đại học.

Ông Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ông Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Tôi cho rằng một công văn của Bộ GD&ĐT gửi Chính phủ không mạnh bằng ý kiến của tất cả các trường gửi lên. Về phía các trường, chúng tôi sẵn sàng cùng với Bộ GD&ĐT kiến nghị để có thể tăng học phí từ đó có nguồn đảm bảo chất lượng giảng dạy, có nguồn để thực hiện nhiệm vụ được giao. Nếu không có đầu tư thích đáng thì không thể nâng cao chất lượng giáo dục” - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nói.

Theo ông Sơn, các trường bây giờ có xu hướng mở rộng quy mô đào tạo để lấy kinh phí bù đắp cho hoạt động của nhà trường. Cách làm này rất khó để đảm bảo chất lượng.

“Chúng ta đang phát triển trường theo kiểu mở rộng, chứ không phải đào sâu. Chúng tôi vẫn luôn nói cách làm này chẳng qua là cách mình ăn thịt chính mình. Trường đầu tư quá nhiều sức lực, mở rộng quy mô đào tạo để có tiền, trong khi chất lượng không được nâng lên, về lâu dài điều này cực kỳ nguy hiểm” - ông Sơn nhấn mạnh.

Tại hội nghị một nhiệm vụ trọng tâm được ông Sơn đề cập chính là Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện và điều chỉnh những luật, quy định liên quan đang gây khó khăn cho các trường trong việc thực hiện tự chủ đại học.

Một loạt vấn đề như cơ chế hoạt động giữa hội đồng trường với Ban giám đốc, ban giám hiệu hay là cơ chế phối hợp giữa trường đại học với các đơn vị khác.

Liên quan đến vấn đề học phí, đại diện Bộ Tài chính bày tỏ: "Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu và xây dựng xong dự thảo nghị định và nội dung chúng tôi trình lên Chính phủ theo phương án sẽ lùi khung học phí quy định trong Nghị định 81 xuống 1 năm. Tất nhiên trong quá trình thảo luận cho ý kiến, lãnh đạo Chính phủ có chỉ đạo, Bộ GD&ĐT cũng cố gắng thuyết minh, thuyết phục để bảo vệ quyền lợi của các trường. Tuy nhiên quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ".

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, trong nghị định 81, lộ trình học phí chỉnh sửa nhưng các quy định khác không thay đổi. Ví dụ có quy định chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến sau khi hết thời gian 2 năm, kiểm định không đạt sẽ quay lại áp dụng mức học phí theo Nghị định 81, áp dụng theo khối ngành và mức tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm