Vừa qua đã xảy ra hai vụ tai nạn thương tâm của con trẻ đều liên quan đến nhà trường, thầy cô. Một vụ em học sinh lớp 4 bị chết ngạt ở công viên nước Đầm Sen khi đi tham quan dã ngoại với trường lớp và một vụ em học sinh lớp sáu, sau khi bị cô giáo đánh vào mông thì bị động kinh và tử vong sau đó.
Mọi người bắt đầu lo lắng vì sự an toàn của con trẻ tại trường và bày tỏ sự lo ngại khi cho con đi du lịch dã ngoại với trường. Mọi người cũng cho rằng nhà trường chưa làm hết trách nhiệm của mình đối với học sinh, chưa quan tâm sâu sát, lường hết việc con trẻ bị bệnh mà vẫn cho tham gia các trò chơi khi đi dã ngoại; lại còn bắt phạt trẻ khi trẻ có lỗi khiến trẻ bị xỉu khi đứng lâu do bị bệnh tụt đường huyết...
Mọi người cho rằng nhà trường có lỗi, nhà trường và thầy cô phải chịu trách nhiệm việc trẻ bị tai nạn, bị bệnh, xỉu, tử vong… Tuy nhiên, theo tôi, trong các tình huống này, lỗi phần lớn vẫn là ở các bậc phụ huynh. Vì sao?
Tôi là một bà mẹ có hai con đều đang trong độ tuổi khá hiếu động và ham học hỏi: một bé trai đang học lớp 1 và một bé gái đang học lớp 7. Khỏi nói mọi người đếu biết ở các lứa tuổi này các con hiếu động và háo hức thử sức ở các trò chơi vui mới lạ thế nào.
Ở lứa tuổi này, các con háo hức bắt chước chúng bạn, làm theo bạn bè mà không bao giờ lường được sức khỏe mình là có kham được không. Sức khỏe của con thật ra đến bản thân là cha mẹ bạn cũng không bao giờ nắm hết được nếu thực sự không đụng chuyện.
Vì tính hay lo lắng nên tôi luôn quan tâm sâu sát một cách thái quá đến sức khỏe của các con. Tôi biết, con tôi không mắc các bệnh mãn tính để phải kiêng kỵ gì nhưng việc đăng ký cho con tham gia đi dã ngoại bên ngoài với nhà trường tôi luôn xem xét rất kỹ càng.
Trước hết, tôi không đăng ký cho tham gia đi du lịch dã ngoại ở những nơi có hồ bơi, sông nước khi con tôi chưa biết bơi; không cho con tham gia đến những nơi có trò chơi cảm giác mạnh nếu tôi chưa thực sự cùng con tham gia lần nào để biết được phản ứng của con, sức khỏe của con có đáp ứng được khi tham gia trò chơi đó không .
Việc chúng trốn và hùa theo chúng bạn là không bao giờ tránh khỏi. Ai cũng biết, luôn có quá ít thầy cô đi theo quản, trông nom học sinh. Nên sẽ luôn có những em lọt khỏi sự trông nom, của thầy cô và bị tai nạn. Việc này có thể “đổ lỗi” cho nhà trường, thấy cô không trông nom kỹ, nhưng việc trẻ tham gia trò chơi và bị tai nạn mà do bệnh lý, thể chất của trẻ thì không hẳn là lỗi ở nhà trường, thầy cô.
Một phần lớn là do gia đình, phụ huynh, vì nhà trường không thể nắm hết và nhớ được trẻ bị bệnh gì, cần tránh các hoạt động gì nếu trước đó phụ huynh không đặc biệt lưu ý với thầy cô chủ nhiệm.
Việc cẩn thận của tôi đúng là không thừa. Trước đó, trong một lần đưa cả nhà đi chơi tại Đầm Sen, tôi có cho hai con lên “tàu lượn siêu tốc” dành cho trẻ em để “thử sức” con. Kêu là tàu siêu tốc nhưng tốc độ chạy chậm vừa phải, chỉ uốn lượn lên xuống chút. Tuy nhiên, sau vụ này tôi mới phát hiện ra con trai tôi không chịu được khi đi loại tàu này. Cháu khóc thét đòi xuống và sợ mãi. Sau đó thì tôi phát hiện con trai tôi thuộc dạng khá sợ, đến mức ám ảnh về “tốc độ”. Sau đó thì tôi đã không đăng ký cho con đi chơi Đầm Sen với lớp khi đọc chương trình có các trò chơi tàu lượn siêu tốc, trượt ống đen nước....
Một ví dụ nhỏ để cho thấy, việc cha mẹ nên và rất cần phải nắm rõ thể chất, sức khỏe con mình. Cẩn thận là không bao giờ thừa. Nhiều bé, do đã được tham gia nhiều lần các trò chơi vận động cùng với gia đình, các em sẽ dạn dĩ và có đủ sức khỏe để tham gia, nhưng nhiều em chưa bao giờ tham gia thì không thể biết được sức khỏe em có thể đáp ứng trò chơi đó không. Các bé lại không thể tự lường trước hay làm phép“thử” đối với sức khỏe mình trước khi tham gia trò chơi được. Chưa kể việc chúng bạn rủ rê để làm những trò nguy hiểm (các em cũng không biết sẽ nguy hiểm) là không bao giờ tránh khỏi.
Vì vậy, ngoài việc cha mẹ nắm rõ sức khỏe con em mình để khi cần có thể trao đổi, gửi gắm nhà trường thầy cô, thì nhà trường, thầy cô cũng cần chủ động yêu cầu gia đình cung cấp, lưu ý thông tin cần thiết.
Khi trao đổi với thầy cô về sức khỏe của con, phụ huynh cũng nên nhấn mạnh, trao đổi cẩn thận những nội dung về sức khỏe của con. Việc này nên coi là quy định chính thức, quan trọng, không nên làm hình thức và coi là thủ tục cho có. Tránh việc đáng tiếc như vụ một học sinh tiểu học chết đuối khi tham gia thi bơi mà… chưa biết bơi. Khi cô hỏi em nào biết bơi giơ tay để cô đưa đi thi bơi với trường khác thì em học sinh này đã… giơ tay dù chưa hề biết bơi. Việc trao đổi kiểm tra lại với phụ huynh đã không có. Và trong khi để học sinh khởi động tự do dưới hồ, em đã bị chết đuối.