Học sinh phải nhớ lời thầy cô mà sống thành người tử tế

Học trò phải có thái độ yêu quý, kính trọng thầy cô, học thầy cô để làm người tử tế là những lời nhắc nhở thân tình mà người làm văn hóa muốn gửi gắm đến các em học sinh hiện nay.

Sáng nay (15-10), dù trời có mưa nhỏ nhưng không làm giảm nhiệt không khí buổi sinh hoạt tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) với chủ đề về tinh thần tôn sư trọng đạo trong thời buổi hiện nay. Chương trình do CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ tổ chức. 

Học sinh trường THPT tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong bài Than đạo đã viết rằng:

“Thà đui mà giữ đạo nhà,

Còn hơn có mắt mà ông cha không thờ”.

Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, chữ Đạo theo nghĩa Hán tự là con đường. Thế thì con đường sẽ phải có lề phải, lề trái, có đầu có đuôi, có rộng có hẹp, có bằng phẳng có ghồ ghề. Nhưng đó chính là con đường giúp ta tiếp nối đây đó, mở mang tầm hiểu biết, cảm nhận cuộc sống. Con đường hữu hình thấy bằng mắt, bước bằng chân; con đường vô hình chính là mở mang trí tuệ, giúp ta thông hiểu thế giới quan, nhân sinh quan, hướng đến chân thiện mỹ.

Học sinh được tận tay sờ vào đồ vật để tìm hiểu ý nghĩa văn hóa của nó.

“Đặc biệt trong chữ Đạo có chữ Thủ nghĩa là cái đầu, nơi chứa chất xám, trí tuệ. Người cho chúng ta trí tuệ ấy không ai khác chính là thầy cô, người học trò hôm nay cần phải biết tôn trọng, lễ phép, kính trọng người đã truyền dạy cho chúng ta kiến thức, để ta biết thế nào là đạo nghĩa, đạo đức, đạo học làm người và những tri thức khác về mọi mặt của đời sống tự nhiên, đời sống xã hội,...”.

“Mối quan hệ thầy-trò của Việt Nam ta xưa nay được định đặt bằng lễ nghi, vì thế trước khi vào học, tâm của học trò phải khai sáng và hiểu biết giá trị đầu tiên đó là Tiên học lễ - Hậu học văn. Lễ là thành kính, là ứng xử có tôn ti trật tự, biết luân thường và biết đạo lý trước khi học các thứ khác” - diễn giả nói.

Dù trời đổ mưa nhưng các em vẫn cố nán lại để nghe hết chương trình.

Dù bất cứ thời đại nào thì người thầy luôn có mực thước và là gương mẫu giữ khuôn phép để truyền tâm, khai trí cho học trò mình đủ sức vào đời. Trao cho học trò kiến thức ứng xử, trao tâm đức để bền vững tinh thần, hiểu được giá trị hạnh phúc của cá nhân, hạnh phúc của nhân dân và cả đất nước mình. Thầy luôn chọn con đường dù nghèo hay giàu, cao hay thấp đều là con đường mang tính chân thiện mỹ giúp ích cho đời.

Nữ sinh hào hứng khi tham gia buổi sinh hoạt.

Ngày nay, mặc dù tình thầy trò có mật thiết hơn nhưng phần lớn là tính chất xã giao trong cuộc sống, còn khi lên bục giảng của học đường thì luôn giữ khuôn phép mực thước thiêng liêng ấy để học trò tiếp nhận tri thức một cách tôn kính và thiêng liêng.

Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan tham gia chia sẻ trong chương trình

Khi hiểu được giá trị của văn hóa-giáo dục là thế nào, hiểu được người thực hiện công tác giáo dục ấy và vai trò của người thầy thế nào thì chúng ta càng cảm thông với những nỗi khó khăn, thiệt thòi của nhà giáo. Họ không thể sống xô bồ và bạo động như kẻ phàm phu tục tử vì nếu mất đi hình ảnh đẹp thiêng liêng của người thầy thì khó truyền thụ cho học trò, cũng giống như dòng nước đang chảy mà bị rong rêu bám vào làm nghẽn mạch vậy.

Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan cùng các thầy cô Trường THPT Lê Quý Đôn hòa giọng hát trong chương trình.

Đau lòng nhất là những người thầy đang phải đối đầu với cuộc mưu sinh “cơm áo gạo tiền” với đồng lương rẻ mạt hay những người thầy phải hy sinh cuộc sống vật chất đô thành mà lặn lội đến những vùng sâu, vùng xa truyền thụ cái chữ, kiến thức cho trẻ em vừa thiếu cơm đói chữ.

Vậy nên, tất cả khó khăn và sự hy sinh, tận tụy và tấm lòng bao la đó của người thầy, việc yêu kính người thầy không phải chỉ dành cho người học trò trực tiếp được dạy mà còn là cả gia đình, xã hội. Bởi không ai khác, họ là người đào tạo chất xám cung cấp ra cho gia đình, xã hội mà nếu không được quan tâm hay kính trọng thì khó mà đạt được chất lượng cao, có chăng chỉ là lý thuyết thôi.

Ca dao có câu:

Muốn sang thì bắc cầu kiều,

Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy là vậy

Yêu kính ở đây cũng không có nghĩa là đợi đến ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 hằng năm là mang hoa, quà cáp, tiền bạc cao giá để dâng tặng và nói những lời hoa mỹ. Yêu kính ở đây là làm sao chúng ta không quên ơn trọng dạy dỗ của thầy cô mà sống cho nên người.

Nhựt Quang và Long Hồ diễn trích đoạn Tạ ơn thầy (tác giả Nhựt Quang)

"Dù còn ở trên ghế nhà trường hay ra làm quan chức gì đi chăng nữa, mỗi việc làm, mỗi hành động trong ứng xử phải nhớ tới thầy cô mà sống cho nên người. Không phạm đạo lý, không phạm pháp, không bất trung bất nghĩa, mà biết yêu quê hương, thương gia đình, cố gắng sống và làm việc thật tốt giúp ích cho đời, cho quê hương… đó chính là ta đã làm vẻ vang cho công đức của thầy cô” - diễn giả Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh.

Tối cùng ngày, CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ sẽ tiếp tục mang câu chuyện về tinh thần tôn sư trọng đạo đến chia sẻ với thầy và trò Trường THPT Tân Hiệp (Tiền Giang).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm