Mang bánh xèo đến trường học để nói chuyện văn hóa

Sáng nay (10-10), đông đảo các em học sinh của Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh, TP.HCM) háo hức tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa ngay tại sân trường, với chủ đề “Nết đẹp người phương Nam”.

Học sinh các khối THPT tham gia buổi sinh hoạt.

Đây là chương trình do CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ phối hợp với ban giám hiệu nhà trường tổ chức nhằm mang đến cho các em kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán cũng như lễ nghĩa của người phương Nam.

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang trình bày đôi nét về văn hóa của người phương Nam.

Ngay đầu chương trình, các em học sinh đã thích thú tham gia vào phần giao lưu về văn hóa, được nói lên cảm nhận về văn hóa của mình thông qua chiếc nón lá, cây đèn dầu hay chiếc bánh xèo…

Ngồi bên dưới, em Quế Anh (lớp 10C13) chia sẻ: “Chương trình này rất thú vị, em chưa từng nghĩ mấy cái nhỏ nhỏ như cây đèn dầu hay chiếc bánh xèo lại có ý nghĩa sâu xa như vậy. Đây đúng là những kiến thức mà hằng ngày tụi em chưa từng biết đến”.

Học sinh được tìm hiểu về văn hóa Nam Bộ qua cái bánh xèo, cây đèn dầu, chiếc nón lá.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang chia sẻ thêm, người phương Nam có nhiều nét đẹp trong tính cách, đó là sự hòa hợp trong cuộc sống giữa con người với nhau, không phân biệt giàu nghèo…

Điều này thể hiện qua câu ca dao xưa:

 “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai,

Nước sông trong chảy lộn nước sông ngoài,

Thương người xa xứ lạc loài tới đây.

Tới đây thì ở lại đây,

Chừng nào bén rễ xanh cây rồi về.

 Tính cộng đồng ứng xử hòa kính, chia vui sẻ buồn cùng nhau:

Ra đi mẹ có dặn rằng,

Ai hơn ta nhịn, ai bằng ta thương.

Nhơn hòa ta phải làm gương,

Thì ta mới khỏi tai ương lụy phiền.

(Ca dao Đồng Tháp Mười - Sở VH&TT ĐT 1984)

Hay:

Rau dền, bồ ngót nấu canh,

Mồng tơi, mướp đắng ngon lành bậu ơi.

Ngon sao cá lóc nước trui,

Nước mắm tỏi ớt đãi người phương xa.

Trời bao la, đất bao la,

Ghe bầu ghe bạn chan hòa tình thân.

Bà con xa, láng giềng gần,

Tắt đèn tối lửa ân cần có nhau.

Anh Nam, tôi Bắc đổi trao,

Cái chén - cái bát nên câu thâm tình.

(Ca dao Định Tường - Mỹ Tho xưa)

Học sinh chăm chú lắng nghe những chia sẻ về văn hóa Nam Bộ.

Ngoài ra, người phương Nam còn thể hiện sự ấm áp, gần gũi của mình qua đời sống thường nhật. Khi có hôn nhân, đăng quang, giỗ quải, thôi nôi đầy tháng thì đều mời chòm xóm, bạn bè, bà con thân hữu đến phụ giúp, chung vui. Khi có chuyện buồn như bệnh tật, ma chay thì tự động đến động viên thăm hỏi, chia buồn với họ…

Sân trường chật kín học sinh, các thầy cô phải đứng bên trong trường để nhìn ra sân và lắng nghe.

Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, người phương Nam không phân biệt giàu nghèo, luôn sống với tinh thần lá lành đùm lá rách, hòa mình vào hoàn cảnh của người nghèo khó để hiểu và cảm thông với họ; giúp đỡ trong khả năng của mình hoặc nói lời động viên cho họ có thêm ý chí, nghị lực cùng vươn lên tiến bộ.

Nghệ sĩ Xuân Lan (phải) góp tặng chương trình tiết mục tiết mục Thương Đồ Chiểu (tác giả Nhựt Quang).

Trong gia đình, nếu bản thân sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó thì cũng không được chê trách cha mẹ mình mà mang tội bất hiếu. Hơn hết chính là phải ý chí và phấn đấu hơn nữa trong học tập, lao động để thoát nghèo và mang đến sự tự hào cho cha mẹ. Đã có rất nhiều danh nhân thiếu cơm từng bữa nhưng nhờ sự vượt khó mà thành danh, ví dụ như Phan Thanh Giản, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Ca Văn Thỉnh (thân phụ nhà thơ Lê Anh Xuân)…

Con không chê cha mẹ khó,

Chó không chê chủ nghèo hèn.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh văn hóa miền Nam được hình thành trên cơ sở “Lấy HÒA để ứng xử - lấy ĐẠO để trau dồi” hướng đến giá trị chân-thiện-mỹ. Người Nam Bộ không bao giờ quên nguồn cội của mình. Trong phong tục đặt bình bông và đĩa trái cây cúng trên bàn thờ theo hình thức “Đông bình-Tây quả” là họ đã chọn cho mình tâm thế “tọa Nam hướng Bắc”, khẳng định tổ tiên là ở Bắc, họ không chối bỏ cội nguồn.

Nghệ sĩ Diệu Thanh ca bài Sông núi phương Nam (tác giả: Nhựt Quang).

Người Nam Bộ xây dựng đình làng để tạ ơn công tiền hiền-hậu hiền, tiên sư-tổ sư dẫn dân khai khẩn, xây làng lập ấp, dạy đạo nghĩa-nhân, trung-hiền, hiếu-để. Nếu con đò đi đâu về đâu cũng về bến đỗ thì con người đi đâu về đâu cũng nhớ đình làng, nơi bến đỗ của tâm hồn.

Ta đi nhớ mẹ nhớ đình,

Nhớ công ruộng cấy, nhớ anh học trò.

Nhớ cây đa, nhớ bến nước, nhớ con đò,

Nhớ sao là nhớ mắm kho đọt vừng.

Nghệ sĩ Quốc Nhựt và Mỹ Tiên trình bày ca khúc Nhớ ngày đầu tiên đi học.

Cuối cùng, diễn giả Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh: “Xã hội ngày nay khi mà tội ác lên cao, có quá nhiều bất ổn, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bạo lực trong xã hội đáng báo động, bản thân mỗi người hãy tự mình học hỏi, tìm hiểu những nét đẹp của người xưa, lấy đó làm gương để răn mình, giữ gìn được những giá trị văn hóa của người Nam Bộ”.

Nhựt Quang và Long Hồ diễn trích đoạn Tạ ơn thầy (tác giả Nhựt Quang).

Buổi chia sẻ còn có những tiết mục trình diễn của các nghệ sĩ với phần đệm đàn của nhạc sĩ Huỳnh Khải, nhạc sĩ Châu Minh Tâm với những bản ca cổ gây được sự thích thú cho các em học sinh như: Sông núi nước nam, Câu hò dành tặng thầy Khê, Nhớ ngày đầu tiên đi học, Tạ ân thầy…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm