Sáng nay (19-9), các em học sinh của Trường THPT Tenlơman (8 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM) đã có buổi tìm hiểu về lễ giáo Nam Bộ xưa và nay ngay tại ngôi trường của mình.
Chương trình do CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện nhằm giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa Nam Bộ đến với các em học sinh, mong muốn các em sẽ hiểu được những lễ nghi, cũng như cách cư xử đúng mực trong sinh hoạt hằng ngày.
Học sinh Trường THPT Tenlơman lắng nghe diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ về lễ giáo Nam Bộ xưa và nay.
Đông đảo các em học sinh đã đến nghe và bày tỏ sự háo hức khi được nghe về nét văn hóa này. Em Ngọc Anh (học sinh lớp 12) chia sẻ đây là một buổi hoạt động ngoại khóa mang lại nhiều ý nghĩa với các em vì qua đó các em hiểu thêm được nhiều tục lệ xưa mà trước đó chưa có dịp tìm hiểu.
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ, chia sẻ nhiều người nghĩ rằng văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng, bị đồng hóa bởi văn hóa Trung Hoa do 1.000 năm Bắc thuộc nhưng thực ra không phải vậy.
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ trong chương trình.
“Nếu như Trung Quốc xây dựng hệ thống tư liệu giáo dục bằng Tứ Thư, Ngũ Kinh… thì Việt Nam chúng ta đã tiếp thu có chọn lọc, điều gì hay thì giữ, điều gì xấu thì bỏ đi. Hòa nhập nhưng không hề hòa tan. Cụ thể là lễ giáo Việt Nam được hình tượng hóa bằng các nghi lễ truyền thống như lễ đầy tháng, lễ thôi nôi, lễ cưới, ma chay, đám giỗ… hay lớn hơn là nghi thức cúng tế đình làng nhớ ơn công đức tổ tiên…" - diễn giả Hồ Nhựt Quang nói.
Văn hóa Nam Bộ cũng chú trọng đến giáo dục con người trong ứng xử với nhau. Ví như trong lễ đầy tháng, người ta làm nghi thức “mách miếng” do một người đàn bà đầy đủ phẩm hạnh, nhiều người quý mến thực hiện. Khi đó bà lấy một nhánh bông điệp nhúng vào chén nước trong và rắc lên mặt em bé, rồi nói:
“Mở miệng ra cho quan yêu dân quý,
Mở miệng ra cho ích nước lợi nhà.
Mở miệng ra cho có bông có hoa,
Mở miệng ra cho cha mẹ nở mày nở mặt”.
Lớn lên một chút, còn có hệ thống hát ru, dân ca, nhạc truyền thống để giáo dục nhân cách như: “Chim khôn hót tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe; Ra đi mẹ có dặn rằng/ Ai hơn ta nhịn, ai bằng ta thương…”.
Hay còn mượn ẩm thực (bánh xèo), trang phục (nón lá) để giúp hiểu hơn công đức của tổ tiên xưa thời khai hoang mở cõi:
Bánh xèo
Nghệ thơm nhuộm sắc hoàng bào,
Dâng lên thánh chúa xây trào Nam bang.
Sơn hào, hải vị chứa chan,
Thịt tôm rau giá, giang san đây mà.
Ngon sao nước chấm đậm đà,
Chua-cay-mặn-ngọt như là nhân sanh.
Bánh xèo tôi mời chị mời anh,
Đậm tình xứ sở không đành xa nhau.
Nón lá
Nón lá là hồn hoa sen trắng,
Ngược lá che đầu tránh nắng mưa.
Bình dị khung tre mà lòng chính chắn,
Đơn giản lá thơm hồn say sưa.
Khi thẹn thùng ai, che nghiêng nón,
Khi chào đáp lễ giở nón thưa.
Khi biệt lòng ai, tai vẫy nón,
Nón ru giấc ngủ buổi hè trưa.
Theo đó, nón lá 16 vành tre là tượng của “Nam Thất-Nữ Cửu” (người đàn ông có bảy lỗ thoát khí, người phụ nữ có chínlỗ thoát khí), vì vậy mà người miền Nam thờ Cửu Huyền Thất Tổ, mượn núi Thất Sơn (Châu Đốc) bảy ngọn tượng công cha, mượn sông chín dòng Cửu Long tượng trưng nghĩa mẹ.
Học sinh Trường THPT Tenlơman dùng điện thoại để ghi lại phần chia sẻ về lễ giáo Nam Bộ qua chiếc nón lá.
“Rõ ràng, không cần kinh sách nhiều như Trung Hoa nhưng văn hóa lễ giáo Nam Bộ Việt Nam đã len lỏi vào các tín ngưỡng, phong tục tập quán để giáo dưỡng cháu con muôn đời” - diễn giả Hồ Nhựt Quang khẳng định.
Ngoài ra, những tập tục liên quan đến ứng xử giữa thầy-trò, cha-con hay những cử chỉ, nết na của người con gái cũng được diễn giả chia sẻ. Chương trình còn có phần trình diễn của các nghệ sĩ như Diệu Thanh, Xuân Lan, Quốc Nhựt, Mỹ Tiên, Long Hồ, nhạc sĩ Hải Phượng, Huỳnh Khải, Châu Minh Tâm.
Nghệ sĩ Diệu Thanh ca bài Sông núi phương Nam (tác giả: Nhựt Quang).
Nghệ sĩ Quốc Nhựt và Mỹ Tiên trình bày ca khúc Trường cũ tình xưa (nhạc: Duy Khánh, lời cổ: Loan Thảo).
Nghệ sĩ Xuân Lan mang đến tiết mục Thương Đồ Chiểu (tác giả Nhựt Quang).
Nhựt Quang và Long Hồ diễn trích đoạn Tạ ơn Thầy (tác giả Nhựt Quang).
Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường cảm ơn các nghệ sĩ và CLB đã mang tới một chương trình ngoại khóa bổ ích cho học sinh.